Khơi thông vốn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Các chuyên gia kiến nghị, cơ quan quản lý nên xem xét sớm thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như một số nước đang làm giúp thanh khoản thông suốt.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 22/09/2023, đã có 6 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 9 với tổng giá trị 7.265 tỷ đồng. Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,75%/năm, kỳ hạn chủ yếu từ 2-7 năm.

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á phát hành lô trái phiếu có giá trị 500 tỷ đồng. Lãi suất được tính là 6,5%/năm và có kỳ hạn 3 năm.

Tiếp đến là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất tương tự với Bắc Á nhưng với kỳ hạn 2 năm.

Bên cạnh đó, CTCP Hàng không Vietjet phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị là 600 tỷ đồng. Lãi suất được tính theo 2 kỳ đầu với 12%/năm. Công ty TNHH Liên doanh khu công nghiệp Việt Nam - Singapore phát hành lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng với lãi suất 10,5%/năm. Công ty CP Tập đoàn An Phát Holdings phát hành lô trái phiếu có giá trị là 165 tỷ đồng từ với lãi suất 11%/năm.

Hơn 7.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ phát hành trong tháng 9

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được ghi nhận là 149.495 tỷ đồng, với 20 đợt phát hành ra công chúng trị giá 18.289 tỷ đồng (chiếm 12,23% tổng giá trị phát hành) và 119 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 131.205 tỷ đồng (chiếm 87,77% tổng số).

Các doanh nghiệp đã mua lại 2.225 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 9. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 169.840 tỷ đồng (tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 51,71% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 87.838 tỷ đồng).

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 104.467 tỷ đồng. Trong đó, 36% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với hơn 37.641 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 29.161 tỷ đồng (chiếm 27,9%).

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu năm 2023 như: Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 500 tỷ đồng, số lượng tối đa là 5.000 trái phiếu; Công ty Cổ Phần Đầu tư Văn Phú - Invest đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 650 tỷ đồng…

Để khôi phục thị trường TPDN, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch CTCP FiinRatings đề xuất việc xem xét thành lập quỹ bảo lãnh TPDN.

Việt Nam hiện thiếu các định chế tài chính trung gian trong đó có nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng hoặc bảo lãnh trái phiếu. Khác với bảo lãnh phát hành, bảo lãnh tín dụng hay bảo lãnh trái phiếu được hiểu là bảo lãnh thanh toán, tức là bên đứng ra bảo lãnh sẽ thực hiện cam kết thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành trong trường hợp rủi ro xảy ra tức là tổ chức phát hành không thể thực hiện nghĩa vụ nợ đã cam kết.

Hiện trên thị trường TPDN đã có một số lô trái phiếu bảo lãnh thanh toán bởi ngân hàng thương mại và phần còn lại chủ yếu là bảo lãnh doanh nghiệp được thực hiện bởi công ty trong cùng một tập đoàn đối với tổ chức phát hành TPDN. Trên thị trường TPDN Việt Nam, một số lô trái phiếu riêng lẻ đã được một số ngân hàng thương mại tốt tham gia bảo lãnh thanh toán và giúp một số quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm dựa vào đó để đầu tư với rủi ro gắn một phần hoặc toàn bộ với tổ chức bảo lãnh đó.

Tuy nhiên, số lượng trái phiếu được bảo lãnh còn ít và chủ yếu là các trái phiếu được mua bởi các công ty bảo hiểm. Các trái phiếu chào bán ra công chúng hầu như chưa được ngân hàng hoặc một định chế tài chính có tiềm lực tài chính và xếp hạng tín nhiệm cao tham gia bảo lãnh thanh toán.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, với quỹ bảo lãnh hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu thì Hàn Quốc đã làm và thành công, mục tiêu của quỹ là thu dọn nợ xấu sang một bên và bơm vốn để dòng tiền vận hành bình thường trở lại. Quỹ bình ổn trái phiếu sẽ tham gia mua lại trái phiếu để thanh khoản thông suốt, doanh nghiệp và nhà đầu tư bớt khó khăn. Tại Hàn Quốc, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có quỹ bảo lãnh và đảm bảo thanh toán đến kỳ hạn.

Còn theo ông Lê Hoàng, một nhà đầu tư chứng khoán, hiện nay, thị trường trái phiếu đang trong cảnh “vàng thau lẫn lộn”, doanh nghiệp tốt cũng bị nhà đầu tư bán tháo trái phiếu như doanh nghiệp xấu. Vì vậy, cần có ngay các giải pháp tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.

Ngoài đề xuất thành lập quỹ bảo bảo lãnh TPDN, nhiều chuyên gia còn cho rằng, cơ quan quản lý cần có những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sàn giao dịch trái phiếu hoạt động một cách sôi động hơn.

Theo cập nhật mới nhất vào ngày 27/9, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ hiện có 97 mã trái phiếu đăng ký giao dịch và chờ giao dịch.

Dự kiến trong ngày hôm nay (28/9) sẽ có thêm 8 mã trái phiếu giao dịch gồm trái phiếu của Chứng khoán Rồng Việt. Phú Thọ Land và 5 trái phiếu của TNR holdings Việt Nam cũng sẽ phát hành 9 lô trái phiếu cùng trái phiếu trong ngày 29/9; Tradico - một trong 3 tổ chức phát hành đầu tiên đưa trái phiếu lên sàn sơ cấp cũng đăng ký thêm một mã trái phiếu vào 3/10.

Đối với 85 mã trái phiếu đã hoàn tất đăng ký giao dịch trước đây, nhiều lô trái phiếu vừa hoàn tất phát hành cũng được doanh nghiệp nhanh chóng đưa lên sàn.

Tốc độ gia tăng hàng hóa trên sàn giao dịch trái phiếu tập trung khá nhanh khi so với thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra là hoàn thành đăng ký giao dịch các trái phiếu trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày hệ thống giao dịch vận hành chính thức (19/7/2023), đây vẫn là con số vô cùng khiêm tốn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/khoi-thong-von-cho-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-1095625.html