Khơi thông luồng tiêu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn kéo dài dẫn đến ách tắc dòng chảy, gây ngập úng nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản. Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp (SXNN), các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tập trung chỉ đạo tổ chức nạo vét, khơi thông luồng tiêu, các tuyến kênh mương, cống hộp, cống ngầm; giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát nước.

Khơi thông luồng tiêu tại thôn Xuân Đài, xã Nguyệt Đức (Yên Lạc)

Hệ thống kênh tiêu trục chính trên địa bàn tỉnh có chiều dài gần 300 km, bao gồm các trục tiêu sông ngòi thiên nhiên như Sông Phan, Cầu Ngạc, Cầu Mai, Cầu Đọ, Cầu Triệu; các kênh tiêu Bến Tre, Nam Yên Lạc... và gần 400 km kênh trục tiêu nhánh. Có 39 cống tiêu lớn (hầu hết là các cống qua đê), hàng trăm cống tiêu trong các vùng và hàng chục trạm bơm tiêu cục bộ, tiêu cho toàn bộ diện tích đất đai của tỉnh.

Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió hoạt động mạnh kết hợp với rãnh áp thấp, từ ngày 22 – 31/5/2022, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra mưa lớn, gây ngập úng trên diện rộng, mực nước trên các sông nội đồng dâng cao. Mặt khác, mực nước tại các hồ chứa lớn như Thanh Lanh, Đại Lải, Xạ Hương… và nhiều hồ khác phải xả tràn, gây áp lực thoát lũ cho vùng hạ du.

Theo dự báo, trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to, kết hợp với mực nước trên các sông nội đồng, hồ đập đang ở mức cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng ngập úng và có thể gây ra những thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân. Vì thế, công tác khơi thông dòng chảy, luồng tiêu, trục tiêu có vai trò rất quan trọng, đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả, không để ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Do mưa lớn, từ ngày 22- 31/5/2022, hơn 1.352 ha lúa, hoa màu và gần 200 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản của huyện Yên Lạc bị ảnh hưởng.

Tại một số xứ đồng ở các xã Nguyệt Đức, Tam Hồng, Trung Kiên, Đồng Cương, Trung Nguyên, Yên Phương, Đồng Văn… xảy ra ngập úng cục bộ. Lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đã chủ động rà soát, đến từng xứ đồng đang canh tác, nhất là những xứ đồng trũng, thường xuyên ngập úng cục bộ để xác định thiệt hại; chủ động phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi Yên Lạc nạo vét, khơi thông các luồng tiêu, kênh tiêu nội đồng được giao quản lý; bơm tiêu úng để bảo vệ SXNN.

Đồng thời, tuyên truyền đến người dân các biện pháp chủ động ứng phó với ngập lụt; khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, rau màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; gia cố bờ bao, quây lưới tại các ao đầm nuôi trồng thủy sản, di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn…

Là khu vực có luồng tiêu sông Phan chảy qua, sau mưa bão, lượng lớn bèo rác bị ách tắc tại thôn Đồng Lạc, xã Đồng Văn (Yên Lạc). Ngay sau khi nắm được tình hình, Xí nghiệp thủy lợi Yên Lạc đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức khơi thông dòng chảy, vớt bèo rác, vật cản để tiêu thoát nước.

Xã Nguyệt Đức (Yên Lạc), do mưa lớn đã gây thiệt hại gần 200 ha rau màu, lúa và 25 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, sạt lở 168m mương thủy lợi. Để bảo vệ SXNN của nhân dân, chính quyên địa phương đã huy động phương tiện, nhân lực khơi thông 2,5km mương tiêu thoát nước ở khu vực làng Xuân Đài và Nghinh Tiên.

Phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi Yên Lạc đắp hoành triệt 500m cống, bờ bao nhằm ngăn nước sông Cà Lồ chảy vào xứ đồng Đầm Cả và lắp đặt máy bơm dã chiến để bơm tiêu thoát nước tại khu vực này.

Ông Nguyễn Hữu Hởi, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) cho biết: “Ưu tiên số 1 hiện nay là việc triển khai vận hành các máy bơm dã chiến bơm tiêu úng kịp thời cho những diện tích bị ngập. Đồng thời, phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi Yên Lạc khẩn trương khơi thông các trục tiêu, luồng tiêu; tiến hành tháo dỡ các vật cản trên các trục tiêu, sông tiêu để có thể tiêu thoát nước nhanh nhất”.

Để hạn chế tối đa thiệt hại do ngập úng, đảm bảo an toàn cho hoạt động SXNN, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, UBND các xã, thị trấn khẩn trương khơi thông luồng tiêu, chống ngập úng cục bộ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về hoa màu, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn.

Chỉ đạo các Công ty TNHH MTV Thủy lợi đề phòng sự cố đối với các công trình hồ, đập, thủy lợi và kịp thời vận hành công trình tiêu úng; tăng cường kiểm tra hệ thống các luồng tiêu, trục tiêu và tổ chức giải tỏa, tháo dỡ các vật cản, bèo rác, khơi thông những điểm có thể gây ách tắc dòng chảy; kiểm tra các hệ thống trạm bơm tiêu, các điều tiết, cửa van, máy đóng mở… đảm bảo vận hành bình thường theo phân cấp.

Tổ chức trực ban 24h/24h trong thời gian có mưa, lũ. Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, bão, lũ của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để vận hành công trình thủy lợi tiêu nước bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh khi có ngập lụt, úng xảy ra.

Thu hoạch diện tích lúa và hoa màu đã đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng xử lý các sự cố về đê, đập, kịp thời giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Bài, ảnh: Bảo Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78151/khoi-thong-luong-tieu-bao-ve-san-xuat-nong-nghiep.html