Khơi thông 'dòng mạch' thị trường lao động tại TP.Hồ Chí Minh

Cùng với cả nước, tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) 'sức khỏe' doanh nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình quốc tế, nên nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương này đang trải qua thời điểm khó khăn. Vì vậy, TP.HCM quyết tâm khơi thông 'dòng mạch' thị trường lao động.

Doanh nghiệp tuyển dụng cầm chừng

Từ đầu năm 2023 đến nay, do khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động. Điển hình như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, công ty đã cắt giảm khoảng 9.200 công nhân. Trước đây, thời điểm cao nhất, công ty này có đến hơn 85.000 lao động, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng gần 40.000 lao động.

Tương tự, Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn, doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may ở TP.HCM, do tình hình đơn hàng xuất khẩu giảm 93% nên buộc phải cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động để tiết giảm chi phí, giảm thiểu thiệt hại trong giai đoạn khó khăn. Việc cắt giảm nhân sự đã được công ty thực hiện từ năm 2022. Cuối năm 2021, công ty có 3.780 lao động. Trong năm 2022, Garmex Sài Gòn cắt giảm 1.679 lao động, chỉ còn 2.101 người.

Người lao động khó tìm việc làm khi doanh nghiệp chỉ tuyển dụng nhỏ giọt.

Đối với những công ty không cắt giảm lao động thì tình hình sản xuất vẫn không khá hơn những năm trước là mấy. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết, hiện tại công ty chỉ tuyển thêm lao động để thay thế cho lao động đang làm việc tại công ty có nhu cầu nghỉ việc, chứ không có nhu cầu tuyển thêm lao động do công ty chưa có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất.

Trước đó, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Công ty Dệt may Thành Công lên kế hoạch đi lùi trong năm tài chính. Trong đó, năm 2023, Công ty Dệt may Thành Công đặt kế hoạch doanh thu 3.927,4 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế dự kiến 244,9 tỷ đồng, giảm 13% so với thực hiện trong năm 2022.

Công ty Dệt may Thành Công cho biết, sẵn sàng kế hoạch tuyển dụng lao động để hoàn thành công suất kế hoạch của Nhà máy may Vĩnh Long 2 tại Khu Công nghiệp Hòa Phú ngay sau khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.

Trong khi đó, bà Cao Thị Thi, Phó Giám đốc phụ trách hành chính - nhân sự Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Sài Gòn (SAPUWA) cho biết, hiện nay công ty vẫn đang cần tuyển dụng nhiều nhân viên thị trường, nhân viên kinh doanh… tuy nhiên việc tuyển dụng đang gặp khó khăn do ứng viên không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng.

“Chúng tôi nhận được nhiều hồ sơ ứng tuyển, tuy nhiên các ứng viên này lại là những nhân viên chuyên làm SEO bất động sản, do đó có nhiều yếu tố chưa phù hợp với ngành thực phẩm như công ty chúng tôi”, bà Thi cho hay.

Là một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Suleco cho biết, thời gian qua công ty đang tìm cách tiếp cận để đưa những công nhân, người lao động mất việc sang Nhật Bản làm việc, tuy nhiên đa số các lao động lại quay về địa phương thay vì đi ra nước ngoài làm việc.

“Chúng tôi đã kết nối với các đơn vị công đoàn, Thành đoàn TP.HCM để tiếp cận công nhân, nhưng tình hình không khả quan hơn so với năm ngoái. Hiện nay, lực lượng đi ra nước ngoài làm việc chủ yếu là những bạn trẻ vừa học xong”, ông Bình cho hay.

Chung sức vượt khó

Mặc dù giữ được đà tăng trưởng nhưng theo UBND TP.HCM, kinh tế Thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐTB&XH TP.HCM), dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2023 cần khoảng 75.500 - 81.500 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,13% tổng nhu cầu nhân lực, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,69% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,18%.

Trong đó nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố chỉ chiếm 18,55% tổng nhu cầu, với các ngành như cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa dược - cao su… Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 61,68% tổng nhu cầu, ở các ngành gồm thương mại, vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú và ăn uống; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông …

Đáng lưu ý, những tháng cuối năm 2023 doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng đối với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian, lao động thời vụ... Dự báo nhu cầu lao động phổ thông chiếm 14,42% tổng nhu cầu nhân lực cuối năm nay.

Việc doanh nghiệp tại TP.HCM gặp khó khăn và cắt giảm nhân sự thời gian qua, đã và đang gây ra sự chuyển dịch người lao động trở về địa phương sinh sống, làm việc. Đến khi kinh tế TP.HCM khôi phục, doanh nghiệp lại không có đủ nguồn nhân lực để đẩy nhanh quá trình phục hồi. Đây là nghịch cảnh đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư để khôi phục “sức khỏe” kinh tế TP.HCM, khôi phục chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy, qua đó sớm ổn định, cân bằng thị trường lao động.

XuânTình - Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khoi-thong-dong-mach-thi-truong-lao-dong-tai-tpho-chi-minh-162215.html