Khơi thông đầu ra cho HTX từ chuỗi liên kết cung cầu

Tiếp cận người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà xuất khẩu luôn là mục tiêu của các HTX, Liên hiệp HTX sản xuất kinh doanh nông, đặc sản. Còn đối với người tiêu dùng, nhà phân phối, giữa rất nhiều mặt hàng, họ vẫn muốn liên kết với những đơn vị bán hàng bảo đảm chất lượng, có khả năng cung ứng dài hạn.

Chia sẻ tại Hội nghị kết nối giao thương các HTX năm 2023 nằm trong khuôn khổ Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực miền Nam do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức, ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam), cho biết xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trong tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản, tạo cơ hội cho HTX, nhà phân phối, nhà xuất khẩu gặp gỡ, kết nối và trao đổi kinh nghiệm, đưa sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng là mục tiêu của Liên minh HTX trong nhiều năm qua và cả sau này.

Sản phẩm bị bó hẹp

Thông qua việc tổ chức các buổi kết nối cung cầu, hội chợ, hàng hóa của HTX được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú.

Mặc dù vậy, vẫn phải nhìn nhận một thực tế là hiện nay, quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự bền vững. Nhiều HTX với những đặc sản vùng miền vẫn chưa được nhiều người biết đến, hoặc biết nhưng khó có cơ hội đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng khi thiếu sự liên kết trong lưu thông, phân phối.

Hội nghị kết nối giao thương các HTX năm 2023 thu hút nhiều HTX, nhà phân phối, nhà xuất khẩu tham gia.

Bà Ma Thị Hường, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Mộc Miên (Bắc Kạn, cho biết sản phẩm của HTX như miến, gừng chế biến, măng nứa sấy khô, trà giảo cổ lam tuy được nhiều khách hàng ở miền Bắc biết đến nhưng vẫn còn xa lạ với khách hàng, nhà phân phối ở khu vực miền Trung, miền Nam.

Bà Huỳnh Thị Tuyết Nga, Giám đốc HTX sản xuất, dịch vụ thương mại Phong Nga (Bình Định) cho biết các loại bánh từ gạo lứt, yến mạch, bánh cốm của HTX đã được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, được đầu tư bao bì, có chứng nhận OCOP. Điều cần làm đối với HTX là làm sao để sản phẩm đến với nhiều khách hàng hơn nữa.

“Năng lực sản xuất của HTX đạt từ 5-7 tấn bánh/ngày và đã xuất khẩu sang Lào. Chính vì vậy, HTX mong muốn tiếp cận được thêm các nhà phân phối, siêu thị, nhà xuất khẩu, cùng bàn cách để đưa những thương hiệu đặc sản nổi tiếng của Bình Định phát triển trên thị trường trong nước và quốc tế”, bà Nga cho biết.

Nhiều HTX cho rằng, dù sản xuất sản phẩm theo quy trình, chú trọng đầu tư để nâng cao chất lượng nhưng do quy mô nhỏ nên rất khó khăn trong việc liên kết với các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu.

Trong khi các HTX gặp khó khăn đưa sản phẩm đi tiêu thụ nên rất mong muốn được kết nối với các nhà phân phối, nhà xuất khẩu thì các doanh nghiệp, nhà phân phối lại rất thiếu thông tin về các vùng sản xuất, các đơn vị sản xuất bảo đảm cả về chất lượng và số lượng để có thể liên kết, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế nông nghiệp Hoàng Trong Thủy, cho rằng thực chất việc mua nông đặc sản của HTX, Liên hiệp HTX và cả doanh nghiệp vẫn còn khó khăn đối với người tiêu dùng. Hiện, chỉ có siêu thị, cửa hàng nông sản sạch phân phối những mặt hàng này nhưng số lượng ít, tỷ lệ thấp nên việc mua sắm còn bó hẹp, chưa thuận lợi. Trong khi các HTX quy mô còn khiêm tốn, năng lực xúc tiến thương mại, khả năng nắm bắt thông tin thị trường và cơ hội kinh doanh còn hạn chế.

TS. Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, cho rằng hiện người tiêu dùng ở phía Nam chưa biết nhiều đến các sản phẩm, đặc sản ở phía Bắc. Điều này là do thiếu sự gắn kết trong hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại. “Nếu mang được thịt trâu gác bếp, chè shan tuyết… ở các tỉnh miền núi phía Bắc đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì người dân vùng sông nước sẽ rất thích”, TS. Trần Minh Hải chia sẻ.

Tìm kiếm cơ hội

Trước thực trạng trên, nhằm mở cơ hội tìm kiếm khách hàng, nhà phân phối để thuận tiện trong việc hoàn thiện mục tiêu mở rộng thị trường, nhiều HTX ở các tỉnh, thành phố đã chủ động tham gia Hội nghị kết nối giao thương các HTX năm 2023 do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức.

Ông Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông (Đắk Nông), cho biết tham gia hội nghị, HTX đã biết được nhiều hơn về gu cà phê của người miền Nam khác với người miền Bắc về mùi vị, cách thức. Họ thường không thích cà phê nguyên chất nên sắp tới HTX sẽ có định hướng cụ thể trong sản xuất sản phẩm cũng như đưa sản phẩm, tiếp thị vào những địa chỉ phù hợp. “Có nhiều khách hàng quan tâm sản phẩm của chúng tôi. Hy vọng từ nay đến khi kết thúc hội chợ HTX cũng sẽ ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”, ông Hùng chia sẻ.

HTX nông nghiệp Quang Duy (Bắc Giang) tham gia hội nghị nhằm tìm kiếm thêm các đối tác để mở rộng thị trường cho sản phẩm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Ea Wy (Đắk Lắk), bà Lương Thị Oanh, cũng cho biết hiện ngoài cà phê, HTX có nhiều sản phẩm mới như ớt muối, trái cây nhưng vấn đề truyền thông còn thiếu kinh nghiệm và chi phí nên người tiêu dùng không biết hoặc biết hạn chế. Qua hội nghị này, HTX mong muốn được đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối ở miền Trung, miền Nam nhiều hơn vì nhiều sản phẩm đã qua chế biến thường có thời gian bảo quản nhất định. Việc đưa vào hệ thống siêu thị cửa hàng ở miền Trung, miền Nam sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Có thể thấy, các HTX đều mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các hội nghị xúc tiến thương mại, được hỗ trợ kết nối cung cầu để tìm kiếm thị trường. Đồng thời, được hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đa dạng hóa kênh tiêu thụ. Mặt khác, các HTX mong muốn được giới thiệu, hỗ trợ để sản phẩm có mặt ở các kệ hàng của hệ thống bán lẻ hiện đại, mở rộng thị phần. Bởi hiện tại, khó khăn nhất của những các HTX vẫn là thị trường tiêu thụ.

Trước mong muốn của các HTX, đại diện các nhà phân phối, nhà xuất khẩu cho rằng sản phẩm của HTX muốn có chỗ đứng trên thị trường thì trước hết phải bảo đảm được vấn đề chất lượng, có các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp đến, HTX phải có sản lượng ổn định và cuối cùng chính là khâu thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, nông sản tươi chỉ có thời hạn sử dụng nhất định nên muốn tiêu thụ xa, đưa nông sản đến được với nhiều vùng miền, HTX cần chú trọng đầu tư cho chế biến, sơ chế, tìm hiểu các đường đi để tối ưu chi phí và thời gian vận chuyển.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/khoi-thong-dau-ra-cho-htx-tu-chuoi-lien-ket-cung-cau-1093695.html