Khối Tây Phi quyết định đưa quân vào Niger, nhóm đảo chính gấp rút tuyển binh

11 quốc gia Tây Phi đã chính thức thống nhất về cuộc triển khai quân sự nhằm buộc chính quyền quân sự ở Niger phải từ bỏ quyền lực sau cuộc họp của các chỉ huy quân đội hàng đầu khối ECOWAS vào thứ Sáu (18/8).

“Chúng tôi đã sẵn sàng hành động”

Ủy viên ECOWAS về hòa bình và an ninh, Abdel-Fatau Musah, cho biết 11 quốc gia đã cam kết triển khai. “Chúng tôi sẵn sàng hành động bất cứ khi nào có lệnh” , ông Musah nói tại thủ đô Accra của Ghana, sau hai ngày họp ở đó. “Quân đội của chúng tôi đã sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của nhiệm vụ trong khu vực”.

Ủy viên ECOWAS về hòa bình và an ninh, Abdel-Fatau Musah (giữa), phát biểu trong cuộc họp. Ảnh: AP

11 trong tổng số 15 quốc gia thành viên ECOWAS nói trên không bao gồm chính Niger và 3 quốc gia khác cũng đang được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự sau các cuộc đảo chính là Guinea, Mali và Burkina Faso. Thậm chí, Mali và Burkina Faso còn đã tuyên bố đứng về phía nhóm đảo chính Niger nếu chiến sự xảy ra.

Ông Musah cho biết thêm rằng ECOWAS vẫn sẽ cố gắng tiến hành các biện pháp ngoại giao vào phút chót để giải quyết cuộc khủng hoảng Niger. Một phái đoàn ECOWAS có thể đến Niger vào thứ Bảy để đối thoại một lần nữa với chính quyền quân sự Niger. Nếu nỗ lực này không thành công, họ có thể sẽ triển khai chiến dịch can thiệp quân sự.

“Chúng tôi có thể từ bỏ lựa chọn quân sự; nó không phải là lựa chọn ưa thích của chúng tôi. Nhưng chúng tôi buộc phải làm điều đó vì sự không nhượng bộ của chính quyền quân sự và những thách thức mà họ đưa ra trong việc đạt được một giải pháp ngoại giao”, ông Musah nói.

Trong khi đó, tại Niger, chính quyền quân sự vẫn đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Điều này được đánh giá có thể khiến chiến dịch quân sự của khối ECOWAS tại Niger sẽ khó khăn và gặp nhiều rủi ro hơn. Thậm chí, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về xung đột và bất ổn có thể lan rộng ở Tây Phi nếu chiến sự xảy ra.

Các cuộc biểu tình của người dân Niger vẫn diễn ra gần như hàng ngày với hàng trăm và đôi khi hàng nghìn người diễu hành qua các đường phố, bấm còi ô tô, vẫy cờ Niger và Nga và hô vang “Đả đảo Pháp”. Chính quyền quân sự Niger đã cắt đứt các thỏa thuận quân sự với Pháp và yêu cầu nhóm lính đánh thuê Wagner đến trợ giúp.

Thậm chí, nhóm đảo chính Niger còn đang chuẩn bị tiến hành các đợt tuyển dụng quân tình quyền ở thủ đô Niamey và trên toàn quốc, dự kiến sẽ bắt đầu diễn ra vào hôm nay (19/8). Theo đó, người dân Niger có thể đăng ký chiến đấu trực tiếp hoặc hỗ trợ về hậu cần trong trường hợp chiến sự xảy ra.

Amsarou Bako, một trong những người tổ chức cho biết: “Chúng tôi biết rằng quân đội của chúng tôi có thể ít hơn về số lượng so với họ. Tuy nhiên, cán cân có thể sẽ sớm thay đổi”, Bako nói.

Mối lo cho Tổng thống Bazoum và nguy cơ bạo lực bùng phát

Trước việc quân đội ECOWAS đã lên kế hoạch đưa quân vào Niger, mối lo về sự an toàn của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum thực sự đang hiện hữu.

Trước vấn đề này, người đứng đầu Liên minh châu Âu Charles Michel vào thứ Sáu đã cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu sức khỏe của Tổng thống Bazoum bị ảnh hưởng. Trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Bola Tinubu của Nigeria, ông Michel cũng đã bày tỏ mối quan ngại về các điều kiện giam giữ ngày càng tồi tệ của Tổng thống Bazoum.

Tổng thống Bazoum, 63 tuổi, bị các thành viên trong lực lượng bảo vệ tổng thống bắt giữ vào ngày 26 tháng 7, đánh dấu cuộc đảo chính thứ 5 ở Niger kể từ khi quốc gia này giành độc lập khỏi Pháp vào năm 1960. Ông cùng với gia đình vẫn bị giam giữ trong Dinh Tổng thống.

Để tái khẳng định sự ủng hộ của EU đối với các quyết định của ECOWAS, ông Michel đã lên án cuộc đảo chính ở Niger, khẳng định rằng EU sẽ không công nhận bất kỳ cơ quan nào có được từ cuộc đảo chính. Ông nhấn mạnh tính hợp pháp của Tổng thống Bazoum.

Nhóm đảo chính Niger sẽ tiến hành các đợt tuyển quân nhằm chống lại các lực lượng quân đội ECOWAS có thể xảy ra tới đây. Ảnh: Getty

Trước tình hình ngày càng rối ren hơn, bạo lực đã bắt đầu bùng phát ở Niger, nơi đầy rẫy các nhóm phiến quân và khủng bố. Trong tuần này, một vụ đụng độ đã xảy ra tại một chuỗi các ngôi làng ở vùng xa xôi phía Tây Nam Niger, khiến ít nhất 28 thường dân thiệt mạng, theo một nguồn tin nói với AFP hôm thứ Sáu.

"Hiện tại chúng tôi đã ghi nhận ít nhất 28 người chết, nhưng con số có thể tăng lên", một quan chức cấp cao ở khu vực Tillaberi gần Mali cho biết. Vụ đụng độ liên quan đến các nhóm thánh chiến này bắt đầu vào sáng thứ Ba và kết thúc vào giữa trưa thứ Tư.

Ngoài ra, một nguồn tin an ninh cho biết thêm rằng "khoảng 100 dân thường" đã thiệt mạng trong vụ bạo lực mới nhất gần biên giới với Burkina Faso và Mali, nơi các chiến binh thánh chiến thường xuyên thực hiện tấn công khủng bố.

Dưới thời Tổng thống Bazoum, chính quyền Niger vốn đã phải thường xuyên tiến hành các chiến dịch trấn áp các tổ chức thánh chiến Hồi giáo cực đoan liên quan đến IS và các tổ chức khủng bố khác; cũng như thường xuyên phải cảnh báo người dân về các cuộc tấn công của các nhóm chiến binh này.

Huy Hoàng (theo AFP, AP, France24)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoi-tay-phi-quyet-dinh-dua-quan-vao-niger-nhom-dao-chinh-gap-rut-tuyen-binh-post261114.html