Khởi sắc Thạch Bình

Đã lâu tôi mới có dịp trở lại Thạch Bình (Nho Quan). Ký ức về Thạch Bình trong tôi hơn 10 năm về trước là một xã miền núi nghèo, nhiều ngôi nhà lụp xụp, đường sá đi lại khó khăn. Đồng ruộng vào mùa khô thì nứt nẻ, mênh mông cỏ dại. Nhưng hôm nay Thạch Bình đã đổi thay rất nhiều. Đồng đất bạc màu giờ đã được phủ một màu xanh của lúa, hoa màu. Đất đồi rừng được phủ kín bởi các loại cây lấy gỗ. Tuyến đường trục chính chạy qua trung tâm xã được nhựa hóa, một số đoạn hai bên vỉa hè đã được lát gạch, được trang trí thêm các bồn hoa, cây cảnh, tạo không gian khoáng đạt, xanh mát… Thạch Bình giờ chẳng khác nào một thị tứ.

Trường Tiểu học Thạch Bình (Nho Quan) được trang bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác dạy và học. Ảnh: Minh Quang

Trường Tiểu học Thạch Bình (Nho Quan) được trang bị máy móc hiện đại phục vụ cho công tác dạy và học. Ảnh: Minh Quang

Chúng tôi đến thôn Lạc Bình 2 - một trong những thôn từng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã Thạch Bình. Đồng chí Đinh Công Chữ, Bí thư chi bộ thôn Lạc Bình 2 chia sẻ: Toàn thôn hiện có 155 hộ với trên 90% là đồng bào dân tộc Mường theo đạo Thiên chúa. Trước đây, đời sống người dân trong thôn còn nhiều khó khăn bởi đa phần bà con chưa biết cách thức làm ăn, tập tục sản xuất lạc hậu, đồng ruộng manh mún, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên… nên cái nghèo cứ theo đuổi mãi. Thực hiện công cuộc giảm nghèo, nhất là chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã, thôn và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất, chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Để từng bước khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, khi xã Thạch Bình có chủ trương dồn điền, đổi thửa, cấp ủy chi bộ thôn Lạc Bình 2 đã bàn bạc và quyết tâm thực hiện bằng được chủ trương này. Các đồng chí cấp ủy, cán bộ thôn thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ trong thôn, từ đó phân tích những thiệt - hơn trên cơ sở có lý, có tình, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cá nhân và tập thể. Do vậy, chủ trương này đã được người dân trong thôn đồng tình hưởng ứng. Hiện nay, bình quân số thửa trong thôn chỉ còn 3-4 mảnh/hộ (giảm một nửa số mảnh so với trước kia). Sau dồn điền, đổi thửa, nhân dân phấn khởi vì có thửa ruộng lớn, thuận tiện cho việc đưa máy móc vào đồng ruộng, giảm sức lao động. Cùng với đó, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhân dân thôn Lạc Bình 2 đã tích cực tham gia góp công, góp của để bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn; tích cực tham gia chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng thiết chế văn hóa… Nhờ vậy, diện mạo thôn xóm đã không ngừng được cải thiện. Bây giờ, trong thôn hầu như nhà nào cũng đã đủ ăn, phần lương thực dư thừa được bà con tập trung cho chăn nuôi. Đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể. Toàn thôn hiện chỉ còn 8 hộ nghèo, đa phần là người già, neo đơn. "Có thể nói, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã ý thức được vai trò chủ thể của mình, từ đó tham gia có trách nhiệm vào các công việc chung, cùng giúp đỡ nhau vươn lên"- ông Đinh Công Chữ tâm đắc.

Trong chuyến tìm hiểu thực tế lần này tại Thạch Bình, điều làm chúng tôi ấn tượng đó là sự huy động nguồn lực đóng góp của nhân dân vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thạch Bình đã huy động trên 394 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí, trong đó huy động nhân dân tham gia đóng góp trên 183 tỷ đồng (chiếm 46,56%) để chỉnh trang nhà cửa, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở… Từ sự huy động sức dân cùng với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, đến nay cơ sở hạ tầng của Thạch Bình đã từng bước được đầu tư khang trang, hiện đại, phục vụ tốt đời sống dân sinh. Hiện nay, 100% đường trục xã, đường liên xã, đường liên thôn của xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa (tổng chiều dài là trên 66 km); trên 38 km đường dong ngõ xóm được bê tông hóa (đạt 93,94%). Với đặc thù là xã miền núi có địa bàn rộng, địa hình chủ yếu là đồi núi, dân cư thưa thớt thì việc gần như đến nay 100% tuyến đường giao thông trên địa bàn đã được nhựa hóa, bê tông hóa và cứng hóa quả là một kỳ tích.

Đồng chí Đinh Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sở dĩ Thạch Bình có được kết quả này là nhờ có sự quan tâm tạo điều kiện và đầu tư của tỉnh, huyện cùng sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, UBND xã, sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân trong xã. Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị ở địa phương đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là đề cao vai trò của già làng, trưởng bản trong vận động nhân dân, đồng bào dân tộc chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, xây dựng nông thôn mới. Việc huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, hợp với sức dân và sử dụng các nguồn lực đúng mục đích, do đó đã tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện. Điều quan trọng là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã góp phần quan trọng từng bước thay đổi tư duy phát triển kinh tế, tư duy xây dựng đời sống văn hóa của người dân Thạch Bình. Nhân dân đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đầu tư phát triển chăn nuôi. Trong chăn nuôi, xã đã chú trọng công tác tiêm phòng và kiểm soát không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Vì vậy, chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển cả về quy mô và sản lượng. Bên cạnh đó, Thạch Bình còn khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh về đất lâm nghiệp, phát triển kinh tế đồi rừng. Các hủ tục trong việc lễ, việc tang được bài trừ, bản sắc văn hóa dân tộc Mường được gìn giữ và phát huy. Năm 2020, Thạch Bình được UBND huyện Nho Quan công nhận đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới".

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia tích cực của nhân dân, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến tháng 9/2021, Thạch Bình đã hoàn thành 20/20 tiêu chí nông thôn mới. Điện lưới quốc gia, nước tưới phục vụ cho sản xuất từ các công trình thủy lợi lớn, nhỏ, rồi các trường học, trạm y tế, đường giao thông được đầu tư xây dựng theo hướng khang trang, hiện đại đã mang ánh sáng văn minh cho số đông người dân trong xã. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã lên tới 14,78% thì đến hết tháng 4 năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã còn 2,25%. Những thành quả trong xây dựng nông thôn mới đã và đang tạo bước chuyển tích cực trong đời sống người dân miền sơn cước. Đây cũng là động lực để Thạch Bình không ngừng phát triển trong tương lai.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khoi-sac-thach-binh/d20211028080611295.htm