Khởi sắc nông nghiệp Mai Sơn

Nhìn lại bức tranh tổng thể ngành nông nghiệp của huyện Mai Sơn năm 2023 có nhiều sự bứt phá nổi bật; các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn trồng bí xanh.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, thông tin: Năm 2023, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng của giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Nhờ vậy, cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt trên 49.000 ha trên 19.000 ha cây công nghiệp, 11.200 ha cây ăn quả, sản lượng trên 90.000 tấn; gần 1.000 ha cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới chủ động, tưới tiết kiệm; trên 4.200 ha cây trồng chăm sóc theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 1.800 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ, trên 1.000 ha thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Có 3 vùng cà phê, na được công nhận ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 1.373 ha... Hiệu quả sản xuất không ngừng tăng qua các năm, hiện nay bình quân giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác đạt gần 87,7 triệu đồng, tăng 3,6% so với năm 2022.

Về xã Mường Bon, vui mừng trước những đổi thay trong tư duy, cách làm của người nông dân. Từ trồng rau nhỏ, lẻ tự phát theo quy mô hộ, xã đã tổ chức quy hoạch diện tích đất sản xuất, khuyến khích bà con nông dân liên kết sản xuất tập trung, thành lập các HTX chuyên canh rau màu, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ. Ban đầu, việc trồng rau chỉ phát triển ở một số bản, giờ hầu hết các bản đều đã trồng chuyên canh rau màu với tổng diện tích gần 60 ha rau màu các loại, sản lượng trên 4.200 tấn/năm.

Ông Lò Văn Bưu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bon, chia sẻ: Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, trồng rau theo hướng hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, từ 250-300 triệu đồng/ha. Hiện nay, xã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ trồng rau liên kết sản xuất tập trung; thành lập các tổ hợp tác và HTX chuyên canh rau màu; tư vấn cho nông dân thay đổi thói quen canh tác, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Cùng với đó, huyện Mai Sơn khuyến khích phát triển sản xuất gắn với cơ sở chế biến, cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản, làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Riêng năm 2023, trên địa bàn huyện có 3 nhà máy và 1 dây chuyền sản xuất, chế biến đi vào hoạt động, tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân trên địa bàn huyện.

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chế biến rau, quả Doveco Sơn La, cho biết: Ưu tiên hàng đầu của Doveco Sơn La là tiêu thụ tối đa nguyên liệu sẵn có của địa phương, như xoài, ngô, nhãn, rau chân vịt, đậu tương rau và các loại rau quả khác, đảm bảo thị trường đầu ra bền vững cho rau quả Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Sau 9 tháng đi vào hoạt động, Doveco Sơn La đã thu mua trên 25.000 tấn nông sản các loại để chế biến; tạo việc làm cho 500 lao động địa phương, với mức lương bình quân 9,6 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Doveco Sơn La đã ký kết với gần 50 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, phát huy lợi thế diện tích đất đai rộng lớn, nguồn thức ăn gia súc đa dạng, phong phú, huyện Mai Sơn đã triển khai chủ trương “Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển đại gia súc theo hướng tập trung, hiệu quả”. Huyện đã giao các phòng chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cỏ theo hướng hàng hóa; tổ chức tham quan học tập các mô hình chăn nuôi đã thành công để tuyên truyền, cải tạo đàn bò bằng các giống bò lai zebu, bò F1, F2, 3B, lai sind; thực hiện chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đạt trên 1,5 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 18.000 tấn, tăng 5,26% so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện Mai Sơn chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thị trường tiêu thụ. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu địa phương phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/khoi-sac-nong-nghiep-mai-son-w7dh5GpSR.html