Khởi sắc kinh tế cửa khẩu - Bài cuối

BÀI CUỐI: ĐƯA KINH TẾ CỬA KHẨU TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC CỦA NỀN KINH TẾ

Cuối năm 2023, đầu năm 2024, Cao Bằng liên tiếp đón nhận nhiều tin vui khi Cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh) được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế và tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chính thức phát động khởi công giai đoạn 1, khai thông tuyến đường quan trọng nhất của tỉnh, quốc gia với các tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc, đây là động lực quan trọng cho Cao Bằng tăng tốc phát triển bền vững.

Phó Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh Lâm Anh Hiếu phấn khởi cho biết: Từ khi được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế, hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua cửa khẩu có sự tăng trưởng đột biến. Hiện có 99 doanh nghiệp đang làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu, tăng 33% so với cùng kỳ. Quý I/2024, tổng kim ngạch XNK hơn 64,6 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. Cửa khẩu đã làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập biên cho gần 33.000 lượt người, bằng 300% so với cùng kỳ, trong đó có nhiều công dân đến từ nước thứ ba; thu thuế XNK hàng hóa hơn 19,3 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung đột phá, trong đó thành lập Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu (KTCK) tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể phát triển Khu KTCK tỉnh. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện Đề án tổng thể phát triển Khu KTCK tỉnh; phát huy tính kịp thời, chủ động, nâng cao trách nhiệm đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Khu KTCK tỉnh.

Để duy trì hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường biện pháp thúc đẩy phát triển KTCK, UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với Khu KTCK và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thống nhất quy định quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động; ban hành bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư trong địa bàn Khu KTCK, khu công nghiệp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời lựa chọn các nhà đầu tư đáp ứng được năng lực, phù hợp với chính sách phát triển của tỉnh.

Chủ động tham mưu UBND tỉnh những giải pháp thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn, nhất là sau khi Trung Quốc gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu. Năm 2023, Khu KTCK thu hút trên 306 doanh nghiệp thực hiện hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, với tổng kim ngạch XNK hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa giám sát) đạt 738,3 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022, vượt 16% kế hoạch. Thu thuế và các khoản thu khác từ hoạt động XNK hàng hóa 755,18 tỷ đồng, giảm 72% so với năm 2022, đạt 72% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao; đạt 63% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao.

3 tháng đầu năm 2024, hoạt động XNK hàng hóa tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch XNK (bao gồm cả hàng hóa giám sát) đạt 151,5 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 21% chỉ tiêu tỉnh giao. Thu thuế và thu khác từ hàng hóa XNK đạt 154,8 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 26% chỉ tiêu tỉnh giao.

Các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển hoạt động KTCK tiếp tục được các cơ quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, chủ yếu là các dự án hạ tầng phục vụ công tác quản lý Nhà nước tại cửa khẩu và hệ thống giao thông khu vực cửa khẩu. Năm 2023, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 325,433 tỷ đồng (gồm Dự án Trung tâm thương mại Cửa khẩu Trà Lĩnh của Công ty cổ phần Damac Logistics và Dự án Cửa hàng kinh doanh bán hàng miễn thuế Tà Lùng tại Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng của Công ty TNHH thương mại XNK Bảo Liên).

Đến nay, trong địa bàn khu kinh tế có 46 doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện 58 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 5.099 tỷ đồng. Trong đó có 43 dự án đi vào hoạt động, gồm: Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng có 37 dự án, Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh 15 dự án, Cửa khẩu Sóc Giang 2 dự án, Cửa khẩu Lý Vạn 3 dự án, Lối mở Nà Lạn, xã Đức Long có 1 dự án. Các dự án do doanh nghiệp thực hiện được tạo điều kiện hỗ trợ để hoạt động; các dự án đi vào hoạt động trong khu KTCK đạt được một số kết quả khả quan như: hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, đảm bảo việc làm cho người lao động tại địa phương... Hoạt động của các dự án trong địa bàn khu kinh tế với tổng doanh thu năm 2023 đạt khoảng 680 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 425 lao động (trong đó 405 lao động trong nước và 20 lao động nước ngoài), đóng góp ngân sách Nhà nước 38,2 tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển KT - XH của tỉnh.

Hàng hóa xuất khẩu qua Lối thông quan Nà Đoỏng - Nà Ráy, Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh).

Để phát triển KTCK bền vững, thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển Khu KTCK thành trung tâm logistic lớn của cả nước và trở thành cửa ngõ XNK hàng hóa từ các nước ASEAN vào thị trường Trung Quốc và ngược lại. Hợp tác với Trung Quốc định hướng xây dựng du lịch qua biên giới, trong đó xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh, kết hợp với dự án trung tâm thể thao, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Đình Phong (Trùng Khánh).

Xây dựng, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông nghiệp sạch để khai thác thế mạnh về sản vật nông nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu bền vững. Khôi phục và phát triển các làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống kết hợp với du lịch biên giới. Huy động nguồn lực nâng cấp các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, nhất là các tuyến đi ra các cửa khẩu; triển khai hoàn thiện Dự án đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Đồng Đăng (Lạng Sơn). Đầu tư, nâng cấp hoặc sửa chữa các tuyến đường tỉnh kết nối với các cửa khẩu; kết nối các cửa khẩu, lối mở trong khu KTCK.

Hiện nay, tỉnh từng bước phát huy 8 lợi thế, tháo gỡ 3 điểm nghẽn và tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá. Trong đó, tập trung khai thác phát triển kinh tế biên mậu kết hợp với dịch vụ du lịch để tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên; đến năm 2030 tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, từ đó tạo nhu cầu kích thích phát triển nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Khu KTCK.

Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh), hoàn thành nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế và mở Lối mở Nà Đoỏng - Nà Ráy; xây dựng hạ tầng khu trung chuyển hàng hóa nông, lâm, thủy sản tại khu vực cửa khẩu để sớm hình thành Cảng cạn ICD. Đến năm 2030, hình thành Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh - Long Bang, từ đó khai thác tuyến vận tải quốc tế từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc qua Cao Bằng đi các nước ASEAN và quốc tế thông qua cảng Hải Phòng trên cơ sở kết nối tuyến cao tốc đường bộ Trà Lĩnh - Đồng Đăng - Hà Nội - Hải Phòng.

Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa), đến năm 2025 hoàn thành đầu tư hạ tầng cơ sở trọng điểm để cửa khẩu trở thành trọng điểm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của Khu KTCK tỉnh. Đến năm 2030, gắn kết tuyến hành lang từ Nam Ninh - Sùng Tả - Tà Lùng - Cao Bằng kết nối vào tuyến đường Hồ Chí Minh đi các địa phương phía Tây và gắn vào tuyến hành lang Đông - Tây kết nối với các nước trong khu vực ASEAN.

Khu vực Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng) tập trung khai thác các hoạt động thương mại giữa các địa phương giáp biên, gắn với phát triển du lịch Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Đến năm 2030, hoàn thành công trình hạ tầng trọng điểm khu vực cửa khẩu, đảm bảo hệ thống giao thông thông suốt tới khu vực Nà Po gắn kết tuyến giao thông nối từ Nam Ninh qua Nà Po đến khu vực phía Đông Nam tỉnh Vân Nam.

Khu vực Cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang), tập trung hoàn thành các thủ tục nâng cấp và công bố thành cửa khẩu quốc tế; khai thác hiệu quả hoạt động thương mại biên giới; đầu tư hạ tầng cơ sở kêu gọi đầu tư xây dựng khu phi thuế quan, xây dựng tuyến giao thông kết nối cửa khẩu với danh lam, thắng cảnh của tỉnh như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Hang Dơi… Đến năm 2030 phát triển đồng bộ hoạt động thương mại biên giới cửa khẩu kết hợp với hoạt động du lịch.

Các khu vực cửa khẩu, lối mở khác, giai đoạn 2020 - 2030 tiếp tục đầu tư một số dự án hạ tầng trọng điểm phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động kinh tế biên mậu; thu hút đầu tư đối với dự án kho, bãi, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Định hướng phát triển KTCK giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục đầu tư phát triển KTCK hoàn thiện hạ tầng cơ sở của Khu KTCK tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu XNK hàng hóa qua biên giới. Hoàn thành quy hoạch chung Khu KTCK tỉnh và quy hoạch chi tiết các khu chức năng của từng cửa khẩu; nâng cấp và mở các cửa khẩu, lối mở; đầu tư, cải tạo các tuyến đường tỉnh kết nối với các cửa khẩu, lối mở trong khu KTCK, đặc biệt là Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh, Tà Lùng để phục vụ giao thương, XNK hàng hóa. Hợp tác xây dựng Khu kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Cao Bằng, Việt Nam) - Long Bang (Quảng Tây, Trung Quốc); khu trung chuyển hàng hóa nông, lâm, thủy sản tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh. Phát triển dịch vụ hậu cần, logistic; tổ chức sắp xếp lại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động XNK; phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt trên 4,5 tỷ USD; các khoản thu từ hoạt động phát triển KTCK và hoạt động cửa khẩu chiếm trên 30% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết địa phương trong vùng Tây Bắc và các tỉnh phía Nam trong xuất khẩu nông sản theo hợp đồng thương mại quốc tế. Đầu tư, phát triển Khu KTCKTrà Lĩnh, Tà Lùng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa nông sản từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Ngọc Minh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/khoi-sac-kinh-te-cua-khau-bai-cuoi-3168917.html