Khơi nguồn sáng tạo của học sinh

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 do Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng, thực sự góp phần khơi nguồn sáng tạo của học sinh trong việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.

Đa dạng các lĩnh vực tham gia

Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền nên cuộc thi đã được đón nhận, triển khai sâu rộng trong tất cả các đơn vị trực thuộc. Các đơn vị tích cực triển khai hướng dẫn nghiên cứu khoa học trong học sinh, cử giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án, tổ chức thẩm định và tuyển chọn các dự án tham gia cấp tỉnh.

 Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh thuyết trình về dự án "Xây dựng và phát triển ứng dụng MeTik"

Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh thuyết trình về dự án "Xây dựng và phát triển ứng dụng MeTik"

Vì vậy, đã có 31 đơn vị dự thi, trong đó có 21 trường THPT, 4 trường phổ thông dân tộc nội trú và 6 Phòng Giáo dục-Đào tạo các huyện, thành phố tham gia cuộc thi. Sau khi chấm, thẩm định ở vòng sơ khảo đã có 121 dự án và Ban tổ chức chọn được 81 dự án của 145 học sinh, thuộc 28 đơn vị vào vòng chung khảo.

Qua ghi nhận, các lĩnh vực tham gia dự thi năm nay rất đa dạng, phản ánh được tiềm năng sáng tạo, sự đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh. Các lĩnh vực được học sinh yêu thích như: Hệ thống nhún, hóa học, sinh học, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật môi trường, khoa học động vật, khoa học trái đất và môi trường, khoa học xã hội và hành vi, năng lượng vật lý, phần mềm hệ thống, robot và máy tính thông minh, toán học, vi sinh, y sinh và khoa học sức khỏe.

Qua đánh giá, hầu hết các dự án có sự chuẩn bị chu đáo, chất lượng, thể hiện được tính sáng tạo, có sự đầu tư nhiều về thời gian, công sức. Học sinh có sự nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng các kiến thức đã học vào việc triển khai thực hiện dự án. Phần lớn các dự án liên quan đến nhiều vấn đề cuộc sống, quan tâm đến bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, phục vụ lợi ích trong quá trình học tập và sản xuất, các sản phẩm nghiên cứu có giá trị thực tiễn, áp dụng được trong thực tế với quy mô nhỏ.

 Học sinh, giáo viên Trường THPT Krông Nô (huyện Krông Nô) trao đổi về các dự án tham dự cuộc thi

Học sinh, giáo viên Trường THPT Krông Nô (huyện Krông Nô) trao đổi về các dự án tham dự cuộc thi

Học sinh tham gia các dự án đã thể hiện được sự đam mê, là tiền đề quan trọng giúp các em tiếp tục thực hiện niềm khát khao trong nghiên cứu khoa học sau này. Đa số học sinh tham gia dự thi rất tự tin trong quá trình thuyết trình và trả lời các câu hỏi của Ban giám khảo, cho thấy các em nắm vững kiến thức, thực hiện thành thạo quy trình nghiên cứu khoa học để tạo ra sản phẩm ứng dụng.

Trang bị thêm nhiều kỹ năng

Qua cuộc thi đã khẳng định được năng lực sáng tạo của học sinh và nhận được nhiều sự quan tâm của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở các nhà trường.

Nổi bật có các dự án như: “Thiết bị báo động khi xảy ra sạt lở đất” của Vũ Toàn Thắng, Trường THPT Trường Chinh (Đắk R’lấp); “Nâng cao nhận thức cho học sinh THPT trên địa bàn thị trấn Đắk Mâm về giá trị khảo cổ học trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” của Hoàng Ngọc Châu, Trường THPT Krông Nô; "Xây dựng và phát triển ứng dụng MeTik" của Lê Văn Thiện, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa)…

Em Tạ Thị Ánh Thư, lớp 12A1, Trường THPT Đắk Song (Đắk Song) chia sẻ: “Em chọn đề tài về ẩm thực của đồng bào M’nông. Mặc dù chưa được giải cao nhưng em cảm thấy rất vui và vinh dự. Với đề tài này giúp em có thêm rất nhiều kiến thức ẩm thực của đồng bào trong quá trình thực hiện. Qua quá trình làm dự án, em có thêm nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, nhận biết, tổng hợp, phân tích, cách làm dự án khoa học… Cuộc thi ý nghĩa, gắn với thực tế, nhất là kích thích được sự sáng tạo, tìm tòi của từng học sinh. Sau này nếu có dịp em sẽ tiếp tục tìm hiểu và hoàn thiện hơn dự án của mình”.

 Học sinh Trường THPT Đắk Song với dự án "Thực trạng và giải pháp bảo tồn văn hóa ẩm thực người M'nông"

Học sinh Trường THPT Đắk Song với dự án "Thực trạng và giải pháp bảo tồn văn hóa ẩm thực người M'nông"

Tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, cuộc thi đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học, phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học. Các sản phẩm tham gia dự thi cũng chính là sản phẩm đầu ra của phương thức giáo dục STEM trong nhà trường.

Bên cạnh những đơn vị có sự chuẩn bị, đầu tư hết sức công phu vẫn còn một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến cuộc thi hoặc không có dự án tham gia dự thi. Chất lượng sản phẩm tham gia dự thi còn những hạn chế nhất định, khả năng ứng dụng và áp dụng rộng rãi vào thực tiễn chưa cao, chủ yếu nghiên cứu ở mức tiền khả thi.

Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng vai trò, ý nghĩa của cuộc thi. Các nhà trường chú trọng, tạo điều kiện hơn nữa để phát hiện, định hướng và hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, tạo cho cuộc thi thật sự trở thành sân chơi ý nghĩa, nơi khơi nguồn sáng tạo cho học sinh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

1,918

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/khoi-nguon-sang-tao-cua-hoc-sinh-83807.html