Khởi nghiệp từ trồng nấm sò hữu cơ

Năm 2010, anh Bùi Văn Ngọc tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Cao đẳng Công nghiệp - Xây dựng. Vì tính chất ngành nghề phải xa nhà thường xuyên nên năm 2017, anh Ngọc quyết định trở về địa phương, chọn hướng khởi nghiệp, đồng thời tích cực tham gia công tác đoàn thanh niên. Sau 2 năm, anh được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn phường Duyên Hải.

Chia sẻ về cơ duyên với nghề trồng nấm, anh Ngọc kể: Năm 2021, nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, bằng những nguồn hỗ trợ từ chính quyền và diện tích đất sẵn có của gia đình, tôi đã đầu tư phát triển chăn nuôi. Năm 2020, phường Duyên Hải được định hướng phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ, tôi quyết định chuyển đổi ngành nghề. Để hiện thực mô hình, tôi đã tìm hiểu, tham quan các mô hình trồng nấm trong và ngoài tỉnh.

Nói về nguồn nguyên liệu, anh Ngọc cho rằng đây là lợi thế bởi rơm, rạ, lõi ngô, mùn cưa… vốn sẵn có tại địa phương. Việc chọn các nguyên liệu này còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng rơm, rạ đốt trên đồng ruộng; quy trình ủ lại không tạo ra mùi hôi.

Không được đào tạo chuyên ngành sản xuất nông nghiệp, do vậy trồng nấm đối với anh Ngọc là công việc vừa học vừa làm, vừa làm vừa thử nghiệm. Những năm đầu khởi nghiệp, không tránh khỏi những thất bại, tỷ lệ nấm chết nhiều, có thể lên đến hàng trăm phôi, có những mẻ nấm anh phải ngậm ngùi vứt bỏ.

Không bỏ cuộc, anh Ngọc quyết tâm học hỏi, nghiên cứu thêm các phương pháp trồng nấm và rồi thành công cũng đến với anh, đó là những lứa nấm sò đầu tiên đến cho thu hoạch. Anh Ngọc tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình bằng cách quảng cáo trên các mạng xã hội. “Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm nấm sò của anh Ngọc được nhiều người biết đến và đánh giá cao.

Theo anh Ngọc, trồng nấm phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng và kiểm tra, phòng, trừ sâu, bệnh cho nấm. Đặc biệt, để cho ra sản phẩm nấm hữu cơ, thời gian lên men, phối trộn nguyên liệu dài hơn, từ 1,5 - 2 tháng so với thông thường.

Giống nấm và môi trường trồng cấy phải được kiểm soát chặt chẽ, không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nào. Vì vậy, chi phí đầu vào lớn hơn, khoảng 30%, thời gian trồng kéo dài và sản lượng không cao hơn sản xuất nấm thông thường. Với giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi lứa nấm đem lại cho anh Ngọc nguồn thu khoảng 60 triệu đồng.

Chị Trương Thị Vân Anh, Bí thư Thành đoàn Lào Cai cho biết: Bùi Văn Ngọc là đoàn viên tích cực, năng động, luôn luôn học hỏi và tham gia nhiệt tình các phong trào, hoạt động của đoàn tại địa phương. Từ hiệu quả của mô hình trồng nấm sò hữu cơ của anh Ngọc, hy vọng sẽ có nhiều đoàn viên, thanh niên mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh tế.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khoi-nghiep-tu-trong-nam-so-huu-co-post371219.html