Khởi nghiệp từ ngành F&B vẫn 'nóng'

F&B (Food&Beverage) là khái niệm được nhắc chung về ngành kinh doanh ẩm thực và đồ uống, tuy không còn mới mẻ song vẫn là lựa chọn khởi nghiệp hàng đầu, nhất là với người trẻ.

Một mô hình khởi nghiệp từ các loại bánh truyền thống Huế tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm

Một mô hình khởi nghiệp từ các loại bánh truyền thống Huế tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm

Giữa năm 2022, anh Nguyễn Ngọc Sơn quyết định dồn hết số tiền tích góp sau thời gian đi làm để mở quán cà phê trên đường Lê Ngô Cát (phường Thủy Xuân, TP. Huế). Tìm được mặt bằng có sẵn phần cơ sở vật chất thô, Sơn tập trung trang trí phù hợp với đối tượng khách hàng hướng đến là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Quán có những góc sống ảo để khách vừa đến uống nước, vừa “check-in”. Menu nước uống cũng được Sơn đầu tư đa dạng và hấp dẫn, như: Cà phê các loại, trà trái cây, soda, trà sữa… cùng công thức pha chế bài bản được học qua trường lớp.

Quán cà phê có 2 tầng, từ phòng lạnh, sân thượng và khoảng không gian mở phía trước, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Những sinh viên đến học tập sẽ có được không gian yên tĩnh. Khách cần giải trí thì tại quán có đàn ghita, để các bạn dễ dàng kết nối cùng bạn bè. Sơn cho biết, trước khi mở quán, đã từng là một thực khách đi ăn uống nhiều nơi. Bởi vậy, phần nào hiểu được phản hồi, đánh giá của khách hàng quan trọng như thế nào đến sự thành công của việc kinh doanh. Thời gian đầu, khi khách đến quán, Sơn dặn nhân viên phải ghi nhận ý kiến, nếu có bất kỳ phản hồi nào sẽ được cải thiện ngay.

“Do mới đầu tư quán, nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Những vấn đề từ không gian quán, nước uống, giá cả đều được khách hàng phản hồi, đánh giá cao. Tuy nhiên, lại gặp khó ở chi phí thuê mặt bằng vì quá cao, ở ngay đoạn đường khuất nên khả năng tiếp cận khách hàng chưa thật sự tốt. Dù có được lượng khách hàng tương đối, nhưng khi tính toán các khoản chi phí, mỗi tháng hầu như không có lãi và phải bù lỗ”, Sơn chia sẻ. Đây là kinh nghiệm của bản thân Sơn, cũng như cho những bạn trẻ đang có ý định khởi nghiệp với F&B.

Trong khi đó, Trần Nhã Uyên, 23 tuổi lại chọn khởi nghiệp bằng đồ ăn nhanh với bánh Takoyaki (bánh bạch tuộc nướng) trên đường Đặng Huy Trứ. Ấp ủ mô hình kinh doanh ngay từ khi còn là sinh viên, vừa ra trường, Trần Nhã Uyên đã bắt tay khởi nghiệp. Với chuyên môn quản trị kinh doanh, cô gái trẻ xây dựng được chiến lược kinh doanh rõ ràng. Từ việc hoạch định vốn, tìm hiểu thị trường để đánh giá khả năng tiếp cận khách hàng, tiếp đó dành thời gian học nghề làm bánh. Nhắm đến đối tượng phục vụ chính là học sinh, sinh viên nên Uyên rất quan tâm việc thiết kế menu ấn tượng, đa dạng món ăn, hương vị phải ngon, đặc sắc cùng với mức giá cạnh tranh để thu hút khách hàng. Thêm nữa, những nhân viên khi được nhận vào làm cũng được Uyên huấn luyện kiến thức, kỹ năng cần có khi tiếp cận khách hàng.

Dù chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào thì khi ra thực tế kinh doanh cũng vấp phải những khó khăn. Tuy nhiên, theo lời Uyên, khó ở đâu thì tháo gỡ, giải quyết ở đó. Chẳng hạn, bánh bạch tuộc chỉ ngon nhất khi dùng nóng nên khách phải chờ hơi lâu, còn bánh được làm sẵn, để nguội sẽ không đảm bảo hương vị. Tuy nhiên, có một số khách không có thời gian, chỉ muốn mua thật nhanh, không thích chờ đợi nên họ bỏ đi. Cách giải quyết là hướng dẫn khách đặt trước khi đến lấy, vừa nhanh gọn và không mất thời gian…

“Sau gần 1 năm hoạt động, hiệu ứng từ khách hàng mang lại khả quan. Tuy nhiên, muốn phát triển nhiều hơn nữa sẽ phải đầu tư, cải thiện nhiều thứ từ nâng cao chất lượng phục vụ, làm ra nhiều vị bánh mới để giúp khách hàng có thêm được nhiều lựa chọn. Ngoài ra, cần có nhiều chương trình khuyến mại để vừa tri ân, vừa tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng mới, tiềm năng” Uyên chia sẻ.

Anh Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết, chưa có thống kê chính xác, song tỷ lệ người trẻ chọn khởi nghiệp từ ngành hàng F&B nổi trội hơn hẳn trong mấy năm gần đây. Đơn giản, dù ở bất cứ thời điểm nào thì nhu cầu ăn uống cũng được coi là vô hạn, nên ở mảng dịch vụ này là mảnh đất màu mỡ để khởi sự kinh doanh, với đa dạng mô hình. Chưa kể, kinh doanh F&B không phải đầu tư quá nhiều vốn, nên phù hợp với người trẻ mới vào nghề. Tuy nhiên, theo anh Minh để có thể trụ vững trong môi trường cạnh tranh của ngành F&B, bên cạnh việc học qua trường lớp để có được những kiến thức nền tảng về chiến lược kinh doanh thì kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế rất quan trọng. Mỗi người trẻ khi tham gia vào ngành F&B đòi hỏi phải biết làm mới mô hình của mình. “Không thể phủ nhận những chuyện “dễ” trong khởi sự với ngành F&B, nhưng để kinh doanh hiệu quả và mang lại giá trị bền vững cho khách hàng là điều mà không phải ai cũng làm được. Kinh doanh F&B giống như “làm dâu trăm họ”, phải ghi nhận, tiếp thu để thay đổi, hoàn thiện mỗi ngày”, anh Trần Đức Minh nói.

Chia sẻ tại hội thảo “Tái tạo mô hình kinh doanh, thích ứng trong thị trường bất định hiện nay”, do Sở Kế hoạch & Đầu tư và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức đầu tháng 7 này, ông Trần Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo 3AI, chuyên gia thị trường Việt Nam cho biết, hiện nay kinh tế khó khăn nhưng F&B là ngành phục vụ nhu cầu thiết yếu nên dễ có cơ hội hơn so với những ngành hàng không thiết yếu hay xa xỉ dễ bị cắt giảm.

Theo chuyên gia Trần Anh Tuấn, cái khó mà người khởi nghiệp F&B cần lưu ý là phải nhạy bén, lường trước được thị trường. “Kinh tế khó khăn, người dân giảm ăn uống ngoài gia đình trong khi số lượng người tham gia kinh doanh lại tăng lên. Hiện tại, các mô hình F&B bình dân lại dễ thở, còn các mô hình cao cấp khó khăn hơn. Nếu đầu tư không tới, không đủ tinh tế trong phục vụ thì rất dễ gặp thất bại”, ông Tuấn đúc kết.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, sau dịch COVID-19, thói quen tiêu dùng thay đổi, nếu các chủ kinh doanh F&B không đổi mới sáng tạo, không thích nghi sẽ bị đào thải. F&B giờ rất khác xưa, không chỉ có món ngon, treo bảng mà cần phải ra món mới liên tục, phải làm khuyến mãi, tổ chức sự kiện… mới hút được khách.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/khoi-nghiep-tu-nganh-f-b-van-nong-129789.html