Khởi nghiệp dệt nên những mùa xuân

'Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội' - Lời dạy lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành động lực mạnh mẽ cho phong trào khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ Cao Bằng. Trên khắp các địa phương xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng bằng bàn tay, khối óc và nghị lực.

Làm giàu từ cây gai xanh

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Nông Lâm Trường (sinh năm 1989), tổ 3, thị trấn Đông Khê (Thạch An), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thành Công đang từng bước hiện thực hóa khát vọng hình thành vùng nguyên liệu cây gai xanh quy mô lớn, góp phần mở hướng làm giàu cho đồng bào vùng cao.

Khi phần lớn những người trẻ chọn hướng thoát ly ra thành phố để lập nghiệp thì anh Trường chọn cách khởi nghiệp tại chính quê hương mình. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ sư cầu đường, nhưng anh đam mê trồng trọt, ấp ủ ý tưởng phát triển nông nghiệp xanh bền vững. Thông qua Internet và các hội, nhóm làm nông nghiệp trên Facebook, anh biết đến mô hình phát triển kinh tế từ cây gai xanh AP1. Trên địa bàn tỉnh, cây gai xanh bản địa mọc tự nhiên, một số hộ chỉ trồng xen trong vườn hoặc các bãi soi ven sông, suối. Người dân thường lấy lá gai làm bánh, bện vỏ gai thành bao, võng, củ gai cũng là một loại dược liệu quý… Từ nhiều năm nay, Tập đoàn An Phước - Viramie đầu tư nhà máy chế biến sợi phục vụ ngành dệt may từ vỏ cây gai xanh, liên kết mở rộng vùng nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần cây lúa, cây ngô, anh Trường và 2 người bạn là Nông Việt Tuấn, Nông Minh Thuận liên hệ với Tập đoàn An Phước - Viramie ký kết triển khai dự án trồng cây gai xanh AP1. Tháng 3/2022, HTX thương mại dịch vụ Thành Công chính thức thành lập với số vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng. Các hộ nông dân tham gia dự án được hỗ trợ giống, phân bón theo hình thức chậm trả và cam kết bao tiêu sản phẩm; máy móc, phương tiện của HTX đến tận nơi thu hoạch.

Anh Nông Lâm Trường, tổ 3, thị trấn Đông Khê (Thạch An), Giám đốc Hợp tác xã Thành Công với dự án liên kết phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh AP1.

Anh Trường chia sẻ: Cây gai xanh không kén đất, không sợ hạn, không yêu cầu quy trình chăm sóc đặc biệt, có thể trồng ở mọi địa hình như sườn đồi dốc, đám rẫy, đất ruộng. Với đặc điểm là cây lưu gốc nên việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 1 lần nhưng cho vòng đời khai thác 10 năm, mỗi năm thu hoạch 4 - 5 đợt. Không chỉ mang lại lợi nhuận về kinh tế, cây gai xanh còn có tác dụng phục hồi đất rất tốt. Sau khi thu hoạch phần vỏ, thân và lá cây sẽ được rải đều lên diện tích trồng làm phân hữu cơ; lá cây gai xanh còn có thể làm thức ăn chăn nuôi, lõi cây gai dùng làm giá để trồng nấm...

Ngoài việc tích cực vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây gai xanh, anh Trường và các thành viên trong HTX thường xuyên phối hợp với kỹ thuật viên Tập đoàn An Phước - Viramie hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế vỏ gai trước khi chuyển về nhà máy. Đồng thời, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học; cây trồng phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.

Với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh AP1 tại Cao Bằng, HTX Thành Công liên kết với 2 đối tác là HTX sản xuất và dịch vụ nông lâm nghiệp Tiên Thành (Quảng Hòa) và HTX Tùng Anh (Hà Quảng). Đến nay, dự án được triển khai tại huyện Thạch An, Quảng Hòa, Hà Quảng, Thành phố với tổng diện tích khoảng 50 ha; xuất bán cho nhà máy khoảng 21 tấn vỏ gai, mức giá trung bình 35 nghìn đồng/kg.

Dự án “Liên kết phát triển trồng cây gai xanh AP1 gắn với tiêu thụ sản phẩm vỏ gai khô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng gắn liền với sản xuất nông nghiệp xanh” của anh Nông Lâm Trường lọt vào vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần 9/2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức.

Đưa nông nghiệp công nghệ cao về phố núi

Nông trại hữu cơ, nhà lưới áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt… trở thành khái niệm không còn xa lạ với những nông dân thời đại 4.0. Nhiều người mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm để tiệm cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh, tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Trong đó có mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Võ, xóm Nam Phong, xã Hưng Đạo (Thành phố).

Đi giữa những luống rau quả xanh mướt, tràn đầy sức sống, anh Võ chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại tỉnh Yên Bái. Vốn là một người yêu thiên nhiên, ngay từ nhỏ, anh ước mơ về một nông trại rộng lớn, trồng đủ loại rau quả tươi ngon nhất. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết định thi vào Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Quá trình học tập, anh chủ động tự tìm hiểu, nghiên cứu và bắt đầu nuôi dưỡng niềm đam mê nông nghiệp sạch. Năm 2011, cầm tấm bằng đại học trên tay, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Võ nhận được cơ hội tiếp cận nền nông nghiệp công nghệ cao số một thế giới khi Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Đào tạo Nông nghiệp quốc tế Arava đưa sinh viên đi thực tập tại Israel.

Ngày ấy, những thực tập sinh như anh Võ ngoài học tập tại giảng đường còn được đi thăm các mô hình, trang trại, tham gia sản xuất, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Tận mắt chứng kiến người Israel khắc phục điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt để làm nông nghiệp công nghệ cao đã tiếp cho anh thêm động lực.

Về nước, anh tiếp tục đăng ký học lên thạc sĩ, chuyên ngành khoa học cây trồng. Trong thời gian học cao học, anh tham gia Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ Bắc Kạn. Tại đây, anh bén duyên với vợ mình và mảnh đất Cao Bằng. Năm 2016, anh đăng ký chương trình thực tập nghề nghiệp tại Mỹ. Nếu ở Israel được tìm hiểu về công nghệ tưới ẩm thì sang Mỹ anh có cơ hội học hỏi về công nghệ tự động hóa.

Anh Nguyễn Văn Võ, xóm Nam Phong, xã Hưng Đạo (Thành phố) phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2017, anh quyết định về nước, bỏ qua lời mời chào ở lại làm việc với mức lương gần 3.000 USD/tháng. Năm 2018, anh nhận công tác tại Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ Cao Bằng. Càng đi nhiều nơi, anh nhận ra rằng: Chỉ có công nghệ mới giúp năng suất, giá trị của nông sản tăng lên. Và để đem công nghệ đến gần với người dân thì không thể dùng lý thuyết suông mà cần phải tiên phong hành động để dân thấy, dân tin mới làm theo. Anh mong muốn có thể góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp của bà con nơi đây.

Với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được, anh Võ vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tận dụng nguồn tre, trúc dồi dào tại địa phương, anh quyết định đầu tư 100 triệu đồng dựng 1.000 m2 nhà lưới bằng cây tre, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại để trồng trọt. Thời gian đầu, mặc dù mô hình áp dụng đúng quy trình công nghệ, nhưng khi đi vào sản xuất thực tế lại phát sinh những vấn đề mà bản thân anh cũng chưa lường hết được.

Không nản chí, anh Võ tiếp tục điều chỉnh, cải tiến quy trình kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, đơn giản hóa máy móc, thiết bị để giảm thiểu chi phí. Với sự kiên trì, chịu khó, thành công đã đến với anh. Giờ đây, anh sở hữu khu nhà lưới rộng 3.000 m2 trồng các loại rau quả hữu cơ ở xóm Nam Phong, trung bình mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, nhiều hộ nông dân đã thay đổi suy nghĩ, học tập kinh nghiệm, đầu tư làm nông trại riêng.

Năm 2022, anh Võ thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Phong gồm 11 thành viên, tạo việc làm cho 14 lao động thường xuyên và thời vụ. Cửa hàng Nam Phong Farm chuyên cung cấp nông sản sạch của HTX ở phường Sông Bằng (Thành phố) có lượng tiêu thụ ổn định, được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Ngoài ra, HTX liên kết phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm quả ớt cho hàng trăm hộ nông dân ở huyện Hòa An, Hà Quảng…

Phương Anh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/khoi-nghiep-det-nen-nhung-mua-xuan-3167342.html