Khối lập phương diệu kỳ

Lá thư này tôi viết cho bạn để thay lời cảm ơn của tôi tới bạn. Cảm ơn bạn đã gắn bó với tôi trong khoảng thời gian vừa qua!

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Gửi khối Rubik 3x3 của tôi!

Tôi là một cậu bé từ nhỏ đã rất ham chơi. Tôi có một người chị quan tâm, yêu thương tôi hết mực. Vì vậy, những lúc rảnh rỗi chị luôn bày trò và vui đùa cùng tôi. Chúng tôi lớn lên, chơi, trò chuyện chia sẻ cho nhau những câu chuyện vui có mà buồn cũng có.

Thời gian trôi qua, trước mắt chị tôi đã là ngưỡng cửa đại học – ngày càng gần hơn với cuộc sống đầy hối hả, lo toan. Còn tôi, dù đã lớn hơn nhưng vẫn là một chàng trai tuổi mới lớn mơ mộng, ham chơi.

Ngày chị tôi đi lên Hà Nội nhập học là ngày tôi cảm giác bị mất đi một người bạn, một niềm vui mà trước đây ngỡ như là điều đương nhiên. Biết là vậy nhưng tôi chỉ có thể đến bến xe để chào tạm biệt cũng như chúc chị lên đường bình an. Khi ấy, tôi tự nhủ trong lòng: “Đợi tới Hè chị lại về ấy mà. Lúc ấy thì chơi thoải mái”.

Thế rồi, tôi nhận ra không có chị thì chẳng có mấy trò mà mình tự chơi được cả. Cờ vua, cầu lông, đá cầu, cờ caro, bingo, cờ cá ngựa… những trò chơi mà tôi thường chơi cùng chị đều cần đến 2 người.

Bây giờ ở nhà lại chỉ còn tôi và mẹ. Tôi đã thử chơi một mình nhưng sự nhàm chán luôn đến. Cảm giác vui vẻ, phấn khích có cả cay cú chỉ còn là sự buồn tẻ, chán chường. Đó là lúc tôi bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó mà một mình cũng tự làm, tự chơi được.

Chính là bạn đó, Rubik à! Xem những video trên mạng về bạn làm tôi thấy phấn chấn.

Tôi muốn thử, trải nghiệm khối lập phương đầy sắc màu ấy có mị lực, sức hút gì mà nhiều người đam mê, hứng thú đến vậy. Thế là tôi cố gắng học để đạt thành tích tốt rồi được mẹ thưởng. Và rồi, tôi đã có bạn trong tay.

Mới đưa bạn về nhà, tôi còn chưa dám bóc hộp ngay. Tôi nhìn kĩ bên ngoài vỏ hộp rồi mới dám “khui hàng”. “Oa”, tôi òa lên một tiếng trong sự vui sướng. Một khối lập phương mới toanh với 6 màu sắc khác nhau: Trắng, đỏ vàng, cam, xanh lá cây và xanh da trời.

Mới nhìn thôi mà tôi đã thích thú làm sao! Tôi “tọc mạch” xoay thử những bước đầu tiên. Cảm giác xoay thật sướng tay, thêm cả tiếng “cạch cạch” vui tai khi những viên rubik chạm vào nhau làm tôi cứ thế xoay mãi không thôi. Vậy là tôi đã lỡ “phá” mất đi hình dạng ban đầu của bạn. Trông bạn lúc ấy thật lòe loẹt với nhiều màu phối trộn 6 mặt. Tôi bắt đầu bước vào hành trình “giải cứu” cho bạn.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Ban đầu, tôi không thể hiểu được quy luật của bạn là gì nên cứ xoay bừa, xoay phứa. Tất nhiên kết quả mang lại là bạn tiếp tục có một “bộ đồ mới” thôi.

Thấy khá tuyệt vọng khi cứ mò mẫm như vậy, tôi quyết định lên tìm kiếm thông tin về bạn, về cách giải. Do mới tập tễnh bước vào thế giới giải những khối lập phương nên tôi phải học từ những công thức cơ bản nhất.

Quả thực là rất khó khăn. Những công thức mà người hướng dẫn viết khá khó hiểu. Nào là “R U R’ U”, rồi “(F R U) (R’ U’ F')”, tôi cứ mò mẫm trong suốt buổi sáng.

Rồi cứ như vậy, cuối cùng tôi cũng dần thành thạo, quen với những kí hiệu ấy. Việc tiếp theo là các bước để giải bạn. Công thức cơ bản gồm tất cả 6 bước: Tạo chữ thập màu trắng, giải tầng 1, tầng 2, tạo chữ thập màu vàng, khớp các viên cạnh với ô trung tâm, xoay các viên góc về đúng vị trí và hoàn thiện rubik bằng việc xoay các góc về đúng mặt.

Theo cảm nhận của tôi, bước đầu tiên khá khó với một “newbie” bởi vì hầu như bước một chủ yếu là do người chơi tự nghiệm ra chứ không có một công thức cụ thể nào cả.

Tôi cũng gặp lúng túng khi bắt đầu giải nhưng lúc hoàn thiện rồi thì các bước còn lại đều có thể làm được. Bạn có cảm nhận được không, khoảnh khắc mà tôi sắp giải được bạn, sắp “mặc lại” cho bạn “bộ quần áo khởi đầu” nó sung sướng như thế nào không?. Khó diễn tả lắm. Tôi chỉ biết rằng, cuối cùng tôi cũng “phá đảo” bạn thành công.

Nhìn bạn được “trở lại”, tôi rất vui nhưng ngay sau đó đã nóng lòng muốn thử lại cảm giác đó nên đành phải “phá” bạn. Vậy là bản thân tôi từ đó đã có bạn để tự mình chơi, tự khám phá những điều mới mẻ về bạn. Nỗi buồn, sự trống vắng khi không có chị chơi cùng giờ đây đã được lấp đầy bởi niềm vui, sự phấn khích mỗi lần giải bạn thành công.

Đương nhiên là tôi không chỉ dừng lại ở đó. Tôi đi tìm hiểu những cách giải rubik nâng cao, các “tip” mà các cao thủ thường dùng. Tôi cũng bắt đầu để ý tới thành tích giải của mình.

Nhờ vào phương pháp CFOP và Finger Trick mà thời gian giải đã giảm đáng kể từ trung bình 5 phút thành xấp xỉ 1 phút. Tôi bất ngờ và tự hào nhất về một lần tôi giải bạn chỉ có trong 45 giây. Nếu so với các cao thủ thì 45 giây là nhiều, nhưng với một cuber mới như tôi thì đó là đáng nể rồi. Vì thế, mà tôi luôn bị bạn cuốn hút trong thời gian rảnh rỗi. Khi thì chạy đua với thời gian đầy hồi hộp, khi thì tự nghiên cứu ra công thức mới, hay chỉ là xoay để cho đỡ… buồn tay.

Bạn không chỉ mang đến niềm vui, xoa dịu cái sự chán chường khi không có chị bên cạnh mà còn thúc đẩy tính sáng tạo, tăng cường khả năng suy nghĩ cho bản thân tôi.

Việc tìm thấy và được đồng hành cùng bạn quả là một quyết định sáng suốt của tôi. Mặc dù giờ đây việc học đã chiếm khá nhiều trong thời gian biểu nhưng bạn vẫn luôn là liều thuốc tinh thần để tôi vượt qua thời gian học mệt mỏi, đầy áp lực đó.

Một lần nữa cảm ơn bạn và bạn hãy đồng hành cùng tôi trên những chặng đường tiếp theo nhé!

Phùng Xuân Bách (Lớp 10A1, Trường THPT Đông Thụy Anh, Thái Thụy, Thái Bình)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-lap-phuong-dieu-ky-post651282.html