Khởi động sáng kiến hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ

Một sáng kiến tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ đã chính thức khởi động. Trong vòng 4 năm, chương trình hướng tới tiếp cận 2 triệu doanh nhân tại Việt Nam thông qua các chiến dịch, đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 90.000 doanh nhân - đa số là phụ nữ - phát triển doanh nghiệp và tăng cường tiềm năng kinh tế.

Các đại biểu chia sẻ trong tọa đàm tại chương trình. Ảnh: CARE Việt Nam

Ngày 26/3, Trung tâm Phát triển toàn diện Mastercard và tổ chức CARE tại Việt Nam công bố ra mắt sáng kiến Strive Women - Bừng sáng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ tăng cường sức khỏe tài chính và sức bền của doanh nghiệp.

Đây là một sáng kiến toàn cầu được triển khai tại 3 quốc gia là Việt Nam, Peru và Pakistan. Chương trình hướng tới mục tiêu các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, cộng đồng và hộ gia đình trên toàn thế giới.

Strive Women là một sáng kiến toàn cầu được triển khai tại 3 quốc gia là Việt Nam, Peru và Pakistan. Chương trình hướng tới mục tiêu các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, cộng đồng và hộ gia đình trên toàn thế giới.

Sáng kiến sẽ tập trung vào việc tăng cường sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thông qua hợp tác với các đối tác tại địa phương nhằm cung cấp các sản phẩm tài chính và dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu, đồng thời giải quyết các rào cản đặc thù mà các nữ chủ doanh nghiệp phải đối mặt.

Khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là cột sống của nền kinh tế Việt Nam, và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường là khách hàng tín dụng tốt hơn. Họ đồng thời cũng là nhóm đón đầu thương mại điện tử và có những đóng góp đã được kiểm chứng khi tái đầu tư vào hộ gia đình và cộng đồng của họ.

Hợp tác với các tổ chức tài chính địa phương, các vườn ươm khởi nghiệp và các đối tác công nghệ tài chính, chương trình Strive Women tại Việt Nam ứng dụng phương pháp thiết kế lấy phụ nữ kinh doanh làm trọng tâm và triển khai sản phẩm tài chính và dịch vụ hỗ trợ, thí dụ như xây dựng năng lực, nâng cao kỹ năng kỹ thuật số và tăng cường mạng lưới hỗ trợ, phù hợp với nhu cầu của nhóm đích.

Các đại biểu dự lễ ra mắt. Ảnh: CARE Việt Nam

Ngoài ra, nhận ra tác động không cân đối của các nhân tố kinh tế và xã hội đối với phụ nữ, chương trình sẽ thúc đẩy các sáng kiến đổi mới trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ chăm sóc trẻ em.

Trong 4 năm triển khai, chương trình hướng tới tiếp cận hai triệu doanh nhân tại Việt Nam thông qua các chiến dịch, đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 90.000 doanh nhân - đa số là phụ nữ - phát triển doanh nghiệp và tăng cường tiềm năng kinh tế.

Strive Women xây dựng trên sự thành công của sáng kiến Thắp lửa - CARE Ignite, đã được Mastercard tài trợ. Trong hơn 3 năm thực hiện tại Việt Nam, các đối tác của sáng kiến Thắp lửa đã giải ngân các khoản vay với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng (tương đương 64,1 triệu USD) và trực tiếp hỗ trợ hàng chục nghìn nữ doanh nhân.

Báo cáo đánh giá của chương trình trong năm 2023 cho biết, 80% người tham gia từ Việt Nam đã tăng doanh số bán hàng, và 86% đã tăng sự tự tin trong việc điều hành doanh nghiệp.

Chị Lưu Thị Hòa, một nữ doanh nhân ở Hà Giang tham gia sáng kiến Thắp lửa - CARE Ignite, chia sẻ hành trình bắt đầu từ việc khởi nghiệp với một hợp tác xã ở vùng đồng bào thiểu số, gặp rất nhiều khó khăn về vốn, công nghệ thông tin và cập nhật kiến thức. Chị Hòa cũng chia sẻ về áp lực từ gia đình và xã hội để có công việc “ổn định” và dành nhiều thời gian hơn cho con.

Trải qua những khó khăn trong suốt đại dịch Covid-19, chị Hòa nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóa: “Kỹ năng số ngày nay cực kỳ quan trọng. Mọi người kết nối trực tuyến; bán hàng trực tuyến. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ không thể theo kịp. Kỹ năng số cũng sẽ giúp hoạt động kinh doanh phát triển ra ngoài lãnh thổ Việt Nam và mở rộng ra thị trường nước ngoài”.

Bà Payal Dalal, Phó Chủ tịch Cấp cao, phụ trách các hoạt động tác động xã hội tại thị trường quốc tế (Trung tâm Phát triển toàn diện Mastercard), cho biết: “Tại Mastercard, nữ doanh nhân được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Với việc chủ động áp dụng lăng kính giới và thiết kế lấy phụ nữ kinh doanh làm trọng tâm, Strive Women sẽ giúp dòng vốn đến được với phụ nữ và kết nối họ với các nguồn lực giúp tăng cường sức bền và thúc đẩy sự phát triển”.

Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia Winnie Wong cho hay: “Mastercard và CARE đã là đối tác từ năm 2019, và cùng nhau đã triển khai nhiều sáng kiến như chương trình Thắp lửa, mang lại lợi ích cho gần 50.000 doanh nhân tại Việt Nam. Sáng kiến Strive Women mới nhất là một phần của sứ mệnh chung của cả hai tổ chức nhằm tạo ra một nền kinh tế bao trùm, bằng cách cung cấp các giải pháp và hỗ trợ cho các doanh nhân nữ Việt Nam, sẽ giúp họ hình thành khả năng thích ứng và phát triển trong bối cảnh nhiều biến động của nền kinh tế hiện tại”.

“Với kinh nghiệm hoạt động lâu dài hỗ trợ phụ nữ trên toàn thế giới, CARE hiểu rằng nữ doanh nhân có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Phụ nữ cũng tái đầu tư lợi nhuận của họ vào gia đình, tạo ra nhiều việc làm hơn và mang lại sự thịnh vượng lớn hơn cho cộng đồng”, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia, CARE tại Việt Nam cho biết.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một phần cốt lõi của chương trình thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đóng góp vào công cuộc giảm nghèo và bất bình đẳng giới. Thông qua việc giải quyết các rào cản, tăng cao khả năng quyết định cũng như đầu tư vào phát triển năng lực, sự tự chủ và cơ hội kinh doanh cho phụ nữ, CARE hướng tới tạo ra tác động bền vững về năng lực kinh tế của phụ nữ và tiến xa hơn tới mục tiêu bình đẳng giới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoi-dong-sang-kien-ho-tro-cac-doanh-nghiep-nho-va-sieu-nho-do-phu-nu-lam-chu-post801712.html