Khơi dậy văn hóa đọc cho học sinh

Thư viện xanh, Thư viện thân thiện được bố trí tại sân trường, không gian đọc thoáng mát, yên tĩnh, với nhiều loại sách, báo, tạp chí... tạo môi trường đọc hiệu quả, làm thay đổi nhận thức về việc đọc sách thường xuyên và khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh tại các trường học trên địa bàn huyện biên giới Sốp Cộp.

Học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Sốp Cộp đọc sách tại thư viện xanh.

Mô hình Thư viện xanh, Thư viện thân thiện được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai trên địa bàn từ năm học 2015 - 2016, đến nay, 100% các trường học (trừ bậc mầm non) đã triển khai mô hình thư viện này. Mỗi mô hình có từ 3.500 - 4.000 đầu sách phù hợp với từng cấp học, gồm: Sách giáo khoa, pháp luật, khoa học và lịch sử, báo, tạp chí, bản đồ và tranh ảnh giáo dục….

Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Mô hình Thư viện xanh, Thư viện thân thiện phù hợp với phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách, sự sáng tạo và chủ động tiếp thu kiến thức của các em. Đa số học sinh trong huyện là người dân tộc thiểu số, học tập và sinh hoạt nội trú nên mô hình thư viện này đã hỗ trợ các em tăng cường khả năng đọc, hiểu, mở rộng kiến thức. Hơn nữa, còn góp phần xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Triển khai mô hình, các trường học trong huyện đã kêu gọi cán bộ, giáo viên, phụ huynh và các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ mua sắm tủ và sách. Các nhà trường trang trí, tạo không gian gần gũi, thân thiện, quản lý và đổi đầu sách định kỳ; đưa tiết học thư viện vào chương trình và khuyến khích học sinh đến với thư viện; chỉ đạo Đoàn thanh niên, Liên đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh của trường lồng ghép hoạt động ngoại khóa với Ngày hội đọc sách, Hội thi kể chuyện, quyên góp, ủng hộ, đổi sách...

Thư viện thân thiện của Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo, xã Mường Lèo.

Là trường cách xa trung tâm huyện, tuy điều kiện vật chất còn thiếu thốn, nhưng Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Mường Lèo đã xây dựng thư viện thân thiện, gồm 3 tủ sách, với gần 3.400 đầu sách các loại. Ngoài ra, còn bố trí 2 bàn đọc trong nhà và các ghế đọc bên dưới tán cây ngoài sân trường. Đây là địa điểm thu hút đông đảo học sinh trong giờ ra chơi hoặc thời gian không có tiết học.

Em Lường Thị Loan, học sinh lớp 9A, chia sẻ: Giờ ra chơi, em thường đến Thư viện thân thiện để đọc sách cùng bạn bè. Tại đây, chúng em được trò chuyện, trao đổi về nội dung cuốn sách một cách thoải mái mà không sợ làm ảnh hưởng đến các bạn xung quanh.

Hình thành văn hóa đọc trong học sinh, Trường PTDT nội trú THCS và THPT Sốp Cộp còn có cách làm sáng tạo. Đó là, ngoài thư viện xanh của trường, các lớp phát động xây dựng không gian đọc thân thiện trong các lớp học. Chia sẻ về điều này, cô giáo Phạm Thị Chung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Với học sinh dân tộc thiểu số, vùng biên giới còn nhiều khó khăn, việc khuyến khích các em phát triển văn hóa đọc là cần thiết. Bởi sẽ giúp các em trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, tạo thói quen dành thời gian đọc sách, báo hằng ngày. Để duy trì tốt hoạt động của Thư viện xanh, Ban Giám hiệu nhà trường đã phân công cán bộ thư viện quản lý các đầu sách, báo, tạp chí; thường xuyên thay đổi, bổ sung sách; nhắc nhở các em nâng cao ý thức khi sử dụng sách. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, cuộc thi: Giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm, kể chuyện theo sách, xếp và trưng bày sách…

Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Mường Lạn đọc sách tại thư viện xanh.

Mô hình Thư viện xanh, Thư viện thân thiện trong trường học trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã và đang góp phần hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, giúp các em tiếp cận tri thức, phục vụ học tập. Ðể mô hình này đa dạng, phong phú, ngoài việc đầu tư của trường học, rất mong có sự chung tay đóng góp của cộng đồng xã hội để tăng cường thêm cơ sở vật chất, số lượng đầu sách... góp phần hỗ trợ cho các em nâng cao kiến thức toàn diện.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/khoi-day-van-hoa-doc-cho-hoc-sinh-7Gdmk1MSR.html