Khơi dậy niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam

Dù sở hữu nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, nhưng các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh để bước ra thế giới...

Yếu tố con người là quan trọng

KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế - xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Vấn đề là những cốt lõi nào, giá trị nào cần ưu tiên trước, có khả năng cạnh tranh trước, và phải đảm bảo nguyên tắc hướng tới phát triển bền vững. “Không có tác phẩm văn học nghệ thuật lớn nào hay phát minh khoa học công nghệ nào ra đời một cách đơn giản. Tất cả đều phải trăn trở, phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Công nghiệp văn hóa cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa và con người Việt Nam, thì công nghiệp văn hóa Việt Nam mới cất cánh được” - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh

Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Phú Yên

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào khẳng định, chủ trương “Dân tộc - khoa học - đại chúng” là rất đúng. Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội giúp kết nối mạng lưới toàn cầu, bởi văn nghệ sĩ trong nước nếu không cọ xát, giao tiếp với văn nghệ sĩ quốc tế sẽ rất khó trong sân chơi toàn cầu. Ví dụ dịch giả Nguyễn Bình (SN 2001, hiện đang theo học ở Mỹ), đã dịch tác phẩm “Truyện Kiều” ra tiếng Anh. Bản dịch mất rất nhiều thời gian, nhưng được các giáo sư Mỹ đánh giá là đậm tính học thuật nhất, xứng đáng trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu, quảng bá “Truyện Kiều”. Hoặc như chị Amy Lê (người Mỹ gốc Việt) từng có một số triển lãm cá nhân tại Trung tâm Triển lãm nghệ thuật Henry (Seattle) năm 2007, Bảo tàng Nhiếp ảnh đương đại, Chicago (2006) và Trung tâm Nghệ thuật đương đại New York năm 2002… đều khiến chúng ta tự hào.

Có một điều dễ nhận thấy là sản phẩm công nghiệp văn hóa mang được bản sắc và dấu ấn quốc gia sẽ đem lại giá trị thặng dư không gì đo đếm được. Dẫn chứng cho điều này, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan nói: “Đảo Nami (trường quay “Bản tình ca mùa đông”) là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch, bên cạnh đó là ảnh hướng tới xu hướng thời trang. Như vậy, lực hấp dẫn của văn hóa tạo ra hiệu ứng lớn. Phim Hàn Quốc đi tới đâu thì các sản phẩm của Hàn Quốc đi ra thế giới tới đó. Quảng cáo từ phim đã cộng hưởng để tạo ra nguồn kinh phí lớn, hiệu ứng tốt. Đó cũng là không gian phát triển cho các nhà làm văn hóa.

Chúng ta có thể nhìn văn hóa ở khía cạnh bán hàng. Gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hóa. Đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc. Tại Bắc Giang vừa qua, có sự kiện văn hóa - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả”.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, sự sáng tạo trong văn hóa, nông nghiệp - nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số, các nền tảng số. Chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó tiềm lực quan trọng. Nhìn rộng ra, công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc.

Tạo điều kiện thuận lợi để sáng tạo

TS Đoàn Thanh Nô - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định, sáng tạo tác phẩm là khâu đầu tiên, là chất liệu đầu vào quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vì văn học nghệ thuật là kết tinh của trí tuệ, sáng tạo để trở thành tài sản hữu ích khi tham gia vào thị trường văn hóa. Với lẽ đó, văn học nghệ thuật thực sự còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy đúng mức để phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, môi trường số hiện nay đã đem lại nhiều cơ hội mới cho các tác giả, để tạo ra những tác phẩm văn chương độc đáo, tinh tế và hấp dẫn, nhưng cũng đặt ra thách thức trong bảo vệ tác phẩm trực tuyến khỏi việc sao chép trái phép. Do vậy, để thúc đẩy sự sáng tạo của đội ngũ tác giả, trước hết, tác phẩm của họ cần được luật pháp bảo vệ.

Cụ thể, về phía Nhà nước, cần sớm hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ ở mức cần thiết. Điều này sẽ tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị tham gia vào quá trình công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, cho phép Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên thông qua Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam được quyền khai thác các sản phẩm văn học nghệ thuật đã được số hóa, chuẩn hóa tham gia vào quá trình công nghiệp văn hóa. Nguồn thu từ việc khai thác dữ liệu số mang lại sẽ đầu tư vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách cùng Chính phủ.

Về phía các doanh nghiệp văn hóa, bà Ngô Thị Bích Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD chia sẻ: “Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng không thể mang ra vay vốn ngân hàng được, tài sản trí tuệ cũng không được bảo hộ. Ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù, nhưng ăn trộm một bộ phim 30-40 tỷ đồng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Phải khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa. Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được”.

Cũng theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó, ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa. Ví dụ BHD thuê rạp chiếu phim ở các trung tâm thương mại thì phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác rất khó khăn. Một vé xem phim giá chỉ bằng cốc cà phê vì nó là văn hóa đại chúng, mọi người dân đều được tiếp cận. Nếu giá thuê cao, cạnh tranh với những hàng ăn, hàng xa xỉ thì không cạnh tranh được mà các doanh nghiệp cho thuê không giảm giá. Do vậy, việc giảm giá tiền thuê đất, tiền điện, nước rất quan trọng.

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Ngân hàng luôn đồng hành để phát triển công nghiệp văn hóa

Chúng ta có 21 ngành kinh tế quốc dân và công nghiệp văn hóa nằm rải rác đâu đó trong các ngành kinh tế quốc dân này. Chúng ta cũng cần nghiên cứu, phân rõ ra đây là ngành kinh tế mới, hoặc nếu nằm trong các ngành đã phân thì cũng nên có phân ngành kinh tế cụ thể. Từ đó, ngành ngân hàng muốn theo dõi hoạt động cho vay, cấp tín dụng hay hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa thì cũng biết được số liệu thống kê để đánh giá được tác động chính sách hiệu quả đến đâu để có điều chỉnh phù hợp.

Liên quan đến nguồn lực về vay vốn, hệ thống ngân hàng luôn sẵn sàng đồng hành cùng các bộ, ngành để phát triển công nghiệp văn hóa. Hiện tại, đang có 5 ngành ưu tiên theo khuyến khích của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định riêng hướng dẫn về lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, ví dụ bây giờ là lãi suất 4%. Với ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta có thể tham khảo cách thức triển khai như thế, nếu đã xác định đây là một ngành ưu tiên thì có thể đưa vào khung ưu tiên của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn phù hợp về cho vay, lãi suất tương tự như 5 lĩnh vực ưu tiên chúng ta đang có.

Liên quan đến phạm vi của các tổ chức tín dụng, để phát triển công nghiệp văn hóa cần nguồn lực vay vốn từ các ngân hàng. Quan hệ đi vay và cho vay là quan hệ giữa các doanh nghiệp với nhau. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chung, còn quyết định cho vay là của các tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp làm văn hóa. Mục tiêu để phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên hơn thì có thể tham khảo những gói đang triển khai, ví dụ như gói 120.000 tỷ đồng. Đấy là nguồn lực của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng dẫn và để các tổ chức tín dụng triển khai. Nếu như xác định ngành công nghiệp văn hóa hoặc một cấu phần nào đó thuộc ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên, cần có ngân sách nhất định từ phía hệ thống ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phối hợp để triển khai tương tự như các gói đã triển khai.

Liên quan đến chuyện cho vay của tổ chức tín dụng, Luật không quy định bắt buộc cho vay phải có tài sản bảo đảm. Đây là quyền quyết định của tổ chức tín dụng và thỏa thuận của khách hàng. Tài sản bảo đảm chỉ là một biện pháp để bảo đảm tiền vay, cho nên không nhất thiết tất cả khoản vay đều phải có tài sản bảo đảm. Tùy vào hạn mức tín nhiệm, độ tin cậy và phương án, các ngân hàng sẽ quyết định việc có tài sản bảo đảm hay không đối với doanh nghiệp vay vốn. Các kiến nghị cụ thể có liên quan, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu và nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khoi-day-niem-tu-hao-ve-van-hoa-con-nguoi-viet-nam-post562901.antd