Khoảnh khắc tết tàn

Ảnh minh họa

Mỗi năm vào cuối kỳ nghỉ tết chóng vánh ở quê, khi nghe ai đó hỏi nhau mùng mấy lại đi, lòng tôi buồn rượi. Mới đó còn hỏi nhau bao giờ về quê ăn tết, giờ lại tính chuyện ra đi. Người đi làm ăn xa xôi, suốt năm về vỏn vẹn một, hai lần. Người đi học trên thành phố, đường về nhà cũng thật “xa xôi”.

Người lãng quên cố hương, rời quê cha đất tổ đi đến một phương trời thăm thẳm khác, tạm quên cái bến sông quen thuộc quê mình để tạm thương miền đất hứa lạ lẫm. Quê nhà lùi lại sau lưng, những yêu thương bỏ ngỏ, nhường chỗ cho nỗi lo cơm áo gạo tiền, ước mơ, danh vọng,...

Tết tàn khi mâm cơm cuối cùng trên bàn thờ gia tiên được đem xuống, rồi gia đình quây quần lại chia nhau khứa cá kho tiêu, khoanh khổ qua dồn thịt, dưa kiệu với dĩa dưa hấu cắt tam giác,... tấm tắc khen ngon. Đó cũng là những dư vị cuối cùng của ngày tết, bởi ở nhà quê, sau bữa chiều mùng ba, cùng lắm là mùng bốn thì xem như hết tết rồi. Chậu vạn thọ vẫn nở rộ ngoài hàng ba, dưới ngọn nắng rát da nhảy múa lửng lơ ngoài sân trước.

Má kêu thằng hai bưng mâm ngũ quả xuống xem trái nào hỏng hóc thì đem bỏ, trái nào còn ăn được thì gọt cho cả nhà cùng ăn. Con út tíu tít khui giỏ quà, má bảo út thứ nào thích thì gói ghém vô giỏ để đem theo mà ăn. Gói bánh sôcôla, lon nước ngọt, túi hạt hướng dương, bánh bông lan,... Toàn những thứ ở thành phố không thiếu, nhưng con út vẫn cun cút lấy túi bỏ vào để mang đi cho má vui lòng.

“Chừng nào mấy đứa đi?” - Má hỏi trong buổi chiều mùng bốn, khi đang xách nước tưới mấy khóm vạn thọ, sao nhái ngoài sân nhà. Mấy hôm ăn tết không tưới, giờ chúng héo úa đôi phần. Tôi nói mùng sáu, con út nấn ná ở lại đến mùng chín, để còn kịp đi chùa với má vào tối mùng tám. Năm nào má tôi cũng lên chùa cúng sao, cầu an cho gia đạo. Má buồn so, than vãn “Tết gì nhanh dữ!”. Nhanh thật! Năm nào cũng vậy, từ nhỏ đến lớn đều như thế, hễ chưa tết thì cứ trông cho đến tết, thấy thời gian trôi qua sao chậm quá, cứ nhích nhắt từng chút một.

Rồi đến mùng một, mùng hai là lòng đã thấy hanh hao. Một sợi buồn, sợi âu lo xâm chiếm, cứ mong cho thời gian chậm lại từng chút một để khoảnh khắc gia đình sum vầy, con cháu tề tựu còn đầy. Má lăn xăn trong bếp nấu nướng, coi nồi cơm sôi sùng sục để chắt nước, sợ nhão.

Tôi ra hàng ba ngó nghiêng, thấy nắng đẹp và mềm quá. Không biết làm gì nên múc nước tưới chậu vạn thọ giữa cái nắng gay. Con út ngồi trên vạc tết tóc cho đám con gái trong xóm, thỉnh thoảng nhìn tôi cười để lộ hàm răng trắng có cái răng khểnh xinh xinh. Giây phút đó tôi thấy thật sự tết! Tôi sợ nó sẽ trôi qua.

Và rồi thì nó cũng trôi qua. Tự nghĩ đến 365 ngày sau đó. Chiều mùng bốn nắng đẹp, đẹp lắm! Bầu trời xanh. Giàn hoa giấy dưới bến sông đang ửng hồng. Bụi chuối bên hè dậy hương, có đàn chim se sẻ bay về ríu rít rỉa những quả chín bói khi buồng chuối vẫn còn lung lay trĩu oằn thân chuối.

Ba tôi hạ cây nêu xuống, tháo lá cờ xếp lại, trang trọng cất trong ngăn tủ gỗ. Cây mai giả trước cửa nhà được đẩy sang một bên cho gọn, dây đèn chớp cũng được tháo ra cho đỡ tốn điện, sang năm lại mắc lên lung linh suốt mấy ngày tết. Tôi biết rằng, không chỉ con út mà ai đã từng lớn lên trên mảnh đất quê hương này đều mang trong lòng cái cảm giác như thế.

Có chút gì nuối tiếc xâm lấn, một nỗi buồn chiếm lĩnh cảm xúc, lấn át cả niềm vui suốt ba mùng rộn ràng tiếng pháo giòn tan. Bởi không ai nỡ phải chia xa nhau, bởi ai cũng muốn được sống bên gia đình của mình, được gần gũi với người thân, được tự tay bới chén cơm cho ba, vén mớ tóc rối lấm tấm bạc cho má hay ngồi thẫn thờ dưới bến sông quê mỗi chiều để ngắm hoàng hôn. Mỗi người chỉ thực sự là chính mình khi được sống trên quê hương yêu dấu của mình, trong hơi ấm của gia đình, của ba má.

Nắng chiều đã tắt. Mùng bốn qua nhẹ như chân chim. Tiếng máy dầu bơm nước ngoài ruộng xa vọng vào đều đặn, làm thổn thức lòng người sắp sửa xa quê trong bóng đêm buông dài xóm nhỏ./.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khoanh-khac-tet-tan-a171383.html