Khoảng trống cho vay doanh nghiệp nhỏ và tiêu dùng

Hậu Covid-19, một chu kỳ tín dụng mới đang bắt đầu: cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như các hộ kinh doanh và người tiêu dùng. Đây là khoản tín dụng quan trọng nhất về mặt kinh tế mà theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (IFC/WB) thì các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng lên tới 5.200 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, gần gấp rưỡi thị trường cho vay hiện tại.

Các công ty tài chính lạm dụng thực hiện chức năng cho vay tiêu dùng với lãi suất cao, đẩy người vay vào những rủi ro khó lường. Ảnh: TTXVN.

Các công ty tài chính lạm dụng thực hiện chức năng cho vay tiêu dùng với lãi suất cao, đẩy người vay vào những rủi ro khó lường. Ảnh: TTXVN.

Và theo tính toán của Funding Societies, khoảng trống trợ vốn cho DNNVV ở thị trường Việt Nam cỡ 58 tỉ đô la; nếu tính cả hộ kinh doanh và người tiêu dùng, con số này lên đến 65,68 tỉ đô la.

Theo định nghĩa của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng trống tài trợ vốn (funding gap) là sự thiếu hụt nguồn vốn tài trợ mà DNNVV hay người lao động gặp phải do những vấn đề liên quan đến thủ tục, quy định. Tác động của sự thiếu hụt nguồn vốn này rất lớn bởi DNNVV đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các nền kinh tế và đóng góp phần lớn trong tạo việc làm (có đến 7/10 công việc tạo nên bởi nhóm doanh nghiệp này).

Thực tế, các hộ kinh doanh và DNNVV ít có khả năng vay vốn ngân hàng, thay vào đó, họ dựa vào quỹ nội bộ, hoặc tiền mặt từ bạn bè và gia đình. Các khoản tài trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp và cá nhân gặp khó khăn cũng khó đến tay người cần vốn đúng lúc, điển hình như chương trình vay lãi suất thấp 800.000 tỉ đồng ở nước ta sau ba tháng mới chỉ giải ngân được 1%.

Khoảng trống trợ vốn này đã đẩy nhiều người cần vốn rơi vào các bẫy nợ tín dụng đen. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết trong năm 2021 có đến 4% DNNVV phải đi vay nguồn tín dụng đen.

Gần đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải kêu cứu Bộ Công an vì nạn tín dụng đen hoành hành, bôi nhọ và quấy nhiễu hình ảnh, hoạt động của nhiều doanh nghiệp do công nhân của họ vay tín dụng đen! Trong lúc này, nhiều ngân hàng lại cho biết đã hết room tín dụng. Một nghịch lý đáng buồn là các ngân hàng vẫn lãi khủng trong khi rất nhiều doanh nghiệp vay nợ đã phải giải thể vì không còn đủ khả năng tài chính để trả lãi!

Thực ra, việc chuyển trọng tâm từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay DNNVV cùng hộ kinh doanh và người tiêu dùng là không dễ dàng. Việc này buộc các ngân hàng phải hình dung lại (reimagine) và hiện đại hóa quy trình cho vay mới có thể tận dụng các cơ hội, và thách thức thường gặp là việc tạo ra được các giải pháp cho vay phù hợp đối với DNNVV, đồng thời cắt giảm các chi phí phục vụ. Giải pháp chủ lực cho các ngân hàng hiện nay là tiếp cận dữ liệu để có thể tự động hóa và mở rộng quy mô nhằm cắt giảm chi phí phục vụ và các chi phí rủi ro liên quan.

Một số ngân hàng tận dụng dữ liệu giao dịch, dữ liệu bán hàng trực tuyến để đánh giá rủi ro cho vay DNNVV. Một số khác tăng cường đầu tư và tích hợp các nền tảng công nghệ để áp dụng mô-đun cho vay DNNVV. Đặc biệt, các ngân hàng tăng mức độ tương tác kỹ thuật số với khách hàng và giảm phê duyệt thủ công, đồng thời cung cấp bộ dịch vụ nhằm giúp khách hàng giải quyết các vấn đề khác nhau. Các xu hướng này càng phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19 và là cách giữ chân cũng như thu hút khách hàng.

Ở châu Âu, các ngân hàng thường tách riêng biệt bộ phận cho vay DNNVV thuần túy bằng kỹ thuật số. Cách này không làm ảnh hưởng đến cấu trúc tài chính truyền thống vốn có của họ trong khi vẫn tận dụng được các cơ hội mới. Loại ngân hàng cho vay hoàn toàn bằng kỹ thuật số này đưa ra các quyết định tức thì, đăng ký kỹ thuật số chỉ trong 15 phút, nhận tiền hay cấp vốn trong vòng 24 giờ, và quản lý toàn bộ khoản vay trực tuyến.

Kinh nghiệm ở một ngân hàng loại này cho biết họ thiết lập hệ thống chỉ trong chín tháng, có thể cấp khoản vay trực tuyến lên đến 250.000 euro, tốc độ tăng trưởng nhanh gấp đôi ngân hàng mẹ, trong đó 60% khách hàng trực tuyến đến từ các đối thủ cạnh tranh.

Ở châu Á, các công ty công nghệ tài chính (FinTech) cũng đầu tư rất nhiều vào các công nghệ như AI, blockchain, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu. Chiến lược khách hàng của họ là phục vụ lượng khách hàng khổng lồ với chi phí thấp. Như WeBank ở Trung Quốc, sau tám năm, số khách hàng mà họ đã phục vụ lên hơn 340 triệu khách hàng cá nhân và gần 2,8 triệu DNNVV.

Ở nước ta, các ngân hàng vẫn chưa đi sâu vào lĩnh vực cho vay DNNVV và người tiêu dùng, các FinTech thì còn phôi thai, vì thế, tín dụng đen (vốn là một loại FinTech) xâm nhập mạnh tạo nên khủng hoảng xã hội. Do vậy, trong mọi trường hợp, cần quy định FinTech là một định chế tài chính, phải được cấp phép hoạt động, đặt văn phòng trong nước và chịu sự giám sát cũng như chế tài của Bộ Tài chính. Có như thế mới tránh được hiểm họa tín dụng đen.

THAM KHẢO:
*https://www.mckinsey.com/business-functions/risk-and-resilience/our-insights/how-banks-can-reimagine-lending-to-small-and-medium-size-enterprises
*https://www.worldbank.org/en/topic/smefinance
*https://www.mckinsey.com/industries/financial-services/our-insights/making-financial-services-available-to-the-masses-through-ai

Hoàng Việt

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khoang-trong-cho-vay-doanh-nghiep-nho-va-tieu-dung/