Khoảng thời gian vàng để cứu bé trai ở Đồng Tháp

Chuyên gia trong lĩnh vực cứu hộ cứu nạn nhận định sau 48 giờ bị mắc kẹt trong ống cọc bê tông, cháu bé phải có sức chịu đựng phi thường để sống sót.

Trao đổi với Zing tối 2/1, đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết Cục đã đề nghị Bộ tư lệnh Quân khu 9 khẩn trương tăng cường lực lượng cứu nạn cháu bé mắc kẹt bên trong ống cọc bê tông ở Đồng Tháp.

Sáng 2/1, Quân khu 9 đã điều 92 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường, trong đó có lữ đoàn công binh 25 mang theo các trang thiết bị cứu nạn chuyên dụng. Tham mưu trưởng quân khu cũng đã có mặt tại hiện trường.

Biện pháp cứu nạn hiện nay là tổ chức khoan, tạo khe hở rồi dùng cần cẩu rút cọc bê tông chứa cháu bé lên. Sau đó, lực lượng công binh sẽ dùng máy cắt chuyên dụng để cắt cọc bê tông, đưa cháu bé ra ngoài.

 Lực lượng công binh của quân khu 9 cùng máy móc thiết bị chuyên dụng được điều đến hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Hoàng Giám.

Lực lượng công binh của quân khu 9 cùng máy móc thiết bị chuyên dụng được điều đến hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Hoàng Giám.

Dù huy động thêm máy móc và thiết bị, đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn nhận định khả năng cứu sống được nạn nhân là rất thấp do đã hơn 50 giờ trôi qua và các tín hiệu sinh tồn không còn được ghi nhận.

Trả lời câu hỏi về khoảng thời gian vàng để cứu nạn nhân, vị này cho biết con người trong các tình huống mắc kẹt thông thường sẽ có 72 giờ vàng để sống sót.

Lý thuyết 72 giờ vàng được áp dụng trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng năm 2014 hoặc với các trường hợp nạn nhân trôi dạt trên biển, còn bám được vào các vật nổi.

Tuy nhiên, trường hợp của bé Hạo Nam sẽ khó áp dụng lý thuyết này do điều kiện sinh tồn ngặt nghèo hơn. Nạn nhân là trẻ nhỏ, bị kẹt trong không gian hẹp, gặp các nguy cơ mất máu do chấn thương hoặc hạ thân nhiệt.

Đại diện Cục Cứu hộ nhận định nếu nạn nhân còn sống sót thì đó là sức chịu đựng tuyệt vời của con người.

 Sáng 2/1, đội cứu nạn dùng khoan để mở rộng địa chất xung quanh ống cọc bê tông - nơi bé Thái Lý Hạo Nam rơi xuống (miệng ống cọc bê tông được che bằng nón lá). Ảnh: Hoàng Giám.

Sáng 2/1, đội cứu nạn dùng khoan để mở rộng địa chất xung quanh ống cọc bê tông - nơi bé Thái Lý Hạo Nam rơi xuống (miệng ống cọc bê tông được che bằng nón lá). Ảnh: Hoàng Giám.

Khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba bạn hàng xóm vào công trình cầu Rọc Sen (xã Phúc Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Không may, Nam rơi xuống ống cọc bê tông rỗng, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu 33 m.

Trung tá Trần Văn Giỏi, Phó đội trưởng cứu hộ thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết đội đã tính đến phương án đưa người xuống và thả dây chuyên dụng vào. Song phương án này không khả thi do miệng ống quá nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể thả dây leo xuống.

Đến tối 2/1, lực lượng cứu hộ đã khoan được 31/36 mét dài ống cọc và quyết tâm đưa bé Hạo Nam ra ngoài trước sáng 3/1.

Bé trai rơi xuống ống cọc bê tông khả năng bị đa chấn thương "Độ sâu lớn, cháu bé nhiều khả năng bị đa chấn thương, không đảm bảo thông khí, lạnh và không ăn uống, tiên lượng rất xấu", Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu dự báo.

Ngọc Tân - Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khoang-thoi-gian-vang-de-cuu-be-trai-o-dong-thap-post1390430.html