Khoan núi khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió để thông tuyến đường sắt Bắc - Nam

Sau khi khảo sát, các đơn vị đã tìm ra được phương án khắc phục sạt lở bên trong hầm Bãi Gió để thông tuyến đường sắt Bắc - Nam trong thời gian sớm nhất.

Ngay khi nhận được thông tin về sự cố sạt lở tại hầm Bãi Gió, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục sự cố.

Đồng thời chuyển tải hành khách tại ga Giã, động viên cán bộ, công nhân đường sắt nỗ lực suốt ngày đêm để khắc phục sự cố này.

Hầm Bãi Gió bị sạt lở, đất đá tràn xuống đường ray. Ảnh: VNR.

Sau khi xảy ra sự cố, các đơn vị đường sắt đã huy động hai đoàn tàu công trình vào hiện trường để dọn dẹp đất đá sạt lở và phun bê tông gia cố tạm vỏ hầm.

Bên ngoài hầm, đầu máy liên tiếp vận chuyển sắt thép vào hầm để gia cố. Trong khi đó, nhiều công nhân sử dụng các phương tiện như máy múc, xe kéo để vận chuyển đất đá lên xe chuyên dụng.

Quá trình xử lý sự cố sạt lở tại vị trí hầm đường sắt Đèo Cả thuộc địa phận xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), khoảng 40m3 đất đá tiếp tục đổ xuống hầm, toàn bộ hệ thống gia cố trần hầm bị sập, gây khó khăn cho công tác xử lý.

Từ chiều 12 đến khuya 13/4, ngành đường sắt đã tổ chức trung chuyển gần 4.000 hành khách từ ga Giã đến ga Tuy Hòa và ngược lại. Thiết lập các đoàn tàu ở 2 đầu ga Giã và ga Tuy Hòa, trung chuyển khách bằng xe khách qua hầm đường bộ Đèo Cả để tiếp tục hành trình.

Khối lượng công việc khá lớn, tất cả cán bộ, nhân viên của ga Tuy Hòa được huy động làm việc xuyên đêm, hết công suất. Mọi nhân sự đều được tập trung để đảm bảo việc trung chuyển hành khách và hàng hóa được thuận lợi.

Hành khách được trung chuyển bằng ô tô qua khỏi khu vực sạt lở, tiếp tục hành trình. Ảnh: VNR.

Ngày 14/4, theo ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, sau khi khảo sát, nghiên cứu đã tìm ra được phương án khắc phục sạt lở bên trong hầm Bãi Gió. Đơn vị chuyên môn phát hiện một lỗ hổng mới bên ngoài, nằm phía trên điểm sạt lở tại hầm.

Phía trên Đèo Cả, các đơn vị sẽ khoan thăm dò địa chất, tìm và xác định tọa độ để khoan từ trên núi xuống hầm đường sắt, sau đó bơm phun bê tông để gia cố. Lúc bê tông đông kết, công nhân thu dọn đất đá, cát ra khỏi hầm, và tu sửa bên trong.

Tuy nhiên việc thực hiện phương án mới dự kiến sẽ kéo dài. Nhân lực và máy móc được huy động cấp tập thực hiện, cố gắng sớm hoàn thành xử lý sự cố và thông tuyến đường sắt trong vòng 3 - 4 ngày.

Hầm Bãi Gió nằm ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) được đưa vào hoạt động năm 1936. Hầm Bãi Gió có địa chất phức tạp, các tầng đá lâu năm bị phong hóa nên rơi tự do, làm vỡ mái hầm.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoan-nui-khac-phuc-sat-lo-ham-bai-gio-de-thong-tuyen-duong-sat-bac--nam-post291747.html