Khoa thi đặc biệt nào có 3 người đỗ đầu đều còn ở tuổi thiếu niên?

Đây là khoa thi đặc biệt trong sử Việt khi 3 người đỗ đầu gồm trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa đều còn ở độ tuổi thiếu niên.

1. Khoa thi này được tổ chức dưới thời vị vua nào?

Trần Thái Tông
Trần Thánh Tông
Trần Anh Tông
Trần Nhân Tông

Chính xác

Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 là khoa thi đặc biệt nhất trong lịch sử khoa bảng nước ta khi danh hiệu Tam khôi, bao gồm trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa đều là những người còn rất trẻ. Trong đó, trạng nguyên và thám hoa đều là những người trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng.

Khoa thi này được tổ chức dưới thời trị vì của vua Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của triều Trần. Theo sách “Lịch triều Hiến chương Loại chí”, đây cũng là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam xuất hiện danh hiệu Tam khôi.

2. Ai đỗ trạng nguyên trong khoa thi này?

Lương Thế Vinh
Nguyễn Hiền
Mạc Đĩnh Chi
Nguyễn Trực

Chính xác

Nguyễn Hiền (1234-1256) là trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Tại khoa thi Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 năm 1247, ông đỗ trạng nguyên khi mới 13 tuổi, trở thành vị trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa bảng nước nhà.

Khi còn sống, trạng nguyên Nguyễn Hiền có nhiều đóng góp cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Ngoài việc hiến kế giúp vua trị nước, ông còn đích thân ra trận đánh tan quân Chiêm Thành xâm phạm bờ cõi, chỉ đạo dân chúng đắp đê quai vạc ở sông Hồng để phát triển nông nghiệp, huấn luyện quân sĩ, đi sứ nhà Nguyên mở rộng bang giao nước nhà…

3. Ai đỗ thám hoa khi mới 14 tuổi trong khoa thi này?

Nguyễn Nghiêu Tư
Đặng Ma La
Lê Ích Mộc
Dương Phúc Tư

Chính xác

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", cũng tại khoa thi Thiên Ứng Chính Bình thứ 16, một thần đồng khác cũng đỗ đạt cao là Đặng Ma La, đỗ thám hoa khi mới 14 tuổi, đồng thời là thám hoa đầu tiên của Việt Nam.

Ông sinh ra tại xã Tụy Động (Tốt Động), huyện Mỹ Lương, nay là xóm Phúc Hòa (xóm Và), xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Giai thoại kể rằng Đặng Ma La nổi tiếng thông minh từ nhỏ, nhưng gia cảnh khó khăn nên lên 6 tuổi mới được học chữ. Chỉ trong 8 năm, ông đã thành tài và đạt học vị cao.

Những năm tiếp theo Đặng La Ma thăng chức Thẩm hình viện rồi Đại học sĩ, cuối cùng bổ nhiệm làm tướng võ và được cử về lập doanh trại, tuyển binh lính tại vùng Chúc Sơn. Đặc biệt, ông lập được công lớn trong kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần một (năm 1258). Đến năm 1285, khi đang luyện quân tại Hải Phòng để chuẩn bị đánh giặc xâm lược lần 2, ông bất ngờ lâm bệnh nặng và qua đời.

Hiện lăng mộ và đền thờ của ông nằm tại Đình Đông, Hàng Kênh, TP Hải Phòng, còn lăng mộ thân mẫu ông là bà Từ Chi Lý Thị Tiêu đang thuộc địa phận huyện Chương Mỹ.

4. Bảng nhãn của khoa thi này là ai?

Nguyễn Như Đổ
Lê Văn Hưu
Lê Quý Đôn
Chu Hinh

Chính xác

Lê Văn Hưu sinh năm 1230 tại làng Phủ Lý (Đông Sơn, Thanh Hóa). Theo Lê thị gia phả, ông vốn “khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh”. Trong khoa thi đặc biệt năm 1247, Lê Văn Hưu (khi ấy 17 tuổi) đỗ bảng nhãn, xếp thứ hai sau trạng nguyên Nguyễn Hiền 12 tuổi và xếp trước thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi.

Sau khi thi đỗ, Lê Văn Hưu được vua giữ trong cung làm môn khách, dạy dỗ hoàng tử Trần Quang Khải, người sau này trở thành danh tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Sau đó, ông giữ chức Pháp quan rồi được thăng lên làm Thượng thư bộ Binh. Đến thời vua Trần Thánh Tông, ông được bổ nhiệm là Học sĩ Viện Hàn lâm kiêm làm việc ở Viện Quốc sử.

5. Nguyễn Hiền được vua giao chức quan gì sau khi đỗ Trạng nguyên?

Quốc Tử Giám Tư nghiệp
Thượng thư bộ Lễ
Nội thư gia
Không giao chức quan

Chính xác

Cuốn "Những trạng nguyên đặc biệt trong lịch sử Việt Nam" viết, khi Nguyễn Hiền vào cung yết kiến, vua thấy Trạng nguyên quá nhỏ mà thông minh hơn người nên hỏi học ở đâu. Nguyễn Hiền thật tình tâu: "Thần tự học lấy, nhưng có một đôi chữ không hiểu cần phải hỏi sư ông ở chùa làng".

Nhà vua thấy Trạng nói năng tự nhiên, chưa hiểu phép tắc, lễ nghĩa, lại có ý tỏ ra kiêu căng nên cho là chưa thể bổ nhiệm chức quan trong triều. Vua cho Trạng về quê tiếp tục tu dưỡng trong vòng 3 năm. Hết 3 năm, vua tuyển ông vào học tiếp Tam giáo chủ khoa, tức đạo Lão, Phật, Khổng. Về sau, vua bổ nhiệm ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khoa-thi-dac-biet-nao-co-3-nguoi-do-dau-deu-con-o-tuoi-thieu-nien-2275466.html