Khoa học và công nghệ: Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2023, lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và dần trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, nghiệm thu mô hình trồng mới giống hồng Việt Cường trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Ảnh: T.L

Trong năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống thông qua các chương trình gồm: Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn, miền núi. Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã dành hơn 60% kinh phí sự nghiệp KH&CN cho hoạt động này.

Theo đó, các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, nội dung nghiên cứu tập trung vào đổi mới giống cây trồng, vật nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp; tạo được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao. Một số dự án đang triển khai có hiệu quả, như: Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh cây na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Xây dựng mô hình trồng nho Hạ Đen chất lượng cao trên địa bàn TP. Thái Nguyên; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng mới, cải tạo, chế biến, bảo quản quả trám đen theo hướng hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Trám đen Phú Bình”…

Trong lĩnh vực y - dược có thể kể đến các đề tài, dự án: Nghiên cứu ứng dụng bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân trên bệnh nhân chuyển phôi đông lạnh có niêm mạc tử cung mỏng tại Thái Nguyên; Ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trung mô (từ mô mỡ tự thân) trong điều trị thoái hóa khớp gối nguyên phát tại Thái Nguyên; Ứng dụng dao Ligasure trong phẫu thuật ung thư tuyến giáp tại Thái Nguyên; Ứng dụng kỹ thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ điều trị sỏi thận tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên… Các ứng dụng này đã đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo ngày càng lan tỏa rộng khắp trong các trường đại học, cao đẳng, tổ chức đoàn thể... Cơ chế phối hợp, đặt hàng với các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên bằng sản phẩm ứng dụng, chuyển giao bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo ra những sản phẩm KH&CN của Thái Nguyên, đồng thời đánh thức tiềm năng về hoạt động dịch vụ KH&CN.

Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương và địa phương, các sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được tập trung xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu. Đến nay, Sở KH&CN đã hỗ trợ các địa phương tiến hành xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ 11 sản phẩm, trong đó có 8 nhãn hiệu tập thể. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 141 đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp...

Thời gian tới, mục tiêu của hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh là tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong hoạt động KH&CN. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp phục vụ trực tiếp cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ưu tiên cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội, đồng thời khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH&CN...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202312/khoa-hoc-va-cong-nghe-dong-luc-thuc-day-tang-truong-kinh-te-b2d0242/