Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo giúp Việt Nam cùng đi trên con tàu phát triển của thế giới

Sáng 28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội (NIC Hòa Lạc) và khai trương Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Cùng dự có: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; Đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ; có chức năng hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên phát triển khoa học công nghệ.

NIC có các nhiệm vụ trọng tâm là: hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực cho đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ và đổi mới sáng tạo chất lượng cao; phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

NIC Hòa Lạc có tổng diện tích sàn làm việc gần 20 nghìn mét vuông, gồm 2 khối nhà làm việc và 1 khối nhà trung tâm hội nghị quốc tế; được xây dựng với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng, từ nguồn huy động tài trợ, đóng góp của doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức.

Cùng với xây dựng cơ sở vật chất, NIC đã phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu. Đến nay, mạng lưới được hình thành với 2.000 thành viên, gồm các chuyên gia, trí thức người Việt tiêu biểu trong và ngoài nước tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ (8 mạng lưới thành phần tại Đức, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Bờ Đông và Bờ Tây (Hoa Kỳ).

Trước khi diễn ra Lễ khánh thành NIC Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã tham quan Triển lãm VIIE 2023.

Triển lãm VIIE 2023 diễn ra trong 5 ngày từ 28/10 đến 1/11, là sự kiện mang tầm quốc tế, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế, cùng sự tham gia của nhiều chủ thể hệ sinh thái; với sự tham gia của các doanh nghiệp uy tín trong nước và quốc tế, như SK, Samsung, Google, Meta, Signify, Intel, VISA, Viettel, FPT, THACO, VNPT, Sovico, MoMo… gồm hơn 300 không gian trưng bày.

Trong thời gian diễn ra Triển lãm có các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC, gồm: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Truyền thông số, Công nghệ môi trường, An ninh mạng, Công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và Y tế.

Bên lề Triển lãm diễn ra nhiều hoạt động như các hội thảo quốc tế về các chủ đề: công nghiệp bán dẫn, năng lượng hydrogen, công nghiệp game... Đồng thời có các sự kiện như: Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VVS); Ngày hội STEAM; Chương trình Better Choice...

Tại Lễ khánh thành NIC Hòa Lạc và khai trương VIIE 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, NIC Hòa Lạc là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do nhà nước làm chủ, phục vụ mục tiêu chung của quốc gia, có cơ chế đặc thù và được đầu tư, vận hành hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Lễ Khánh thành NIC Hòa Lạc đánh dấu sự hình thành của không chỉ một không gian đổi mới sáng tạo của quốc gia, mà còn là biểu tượng, tượng trưng cho sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cao, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành thực hiện nghi thức khánh thành NIC Hòa Lạc và khai trương VIIE 2023, phát biểu tại sự kiện “2 trong 1” này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, đổi mới sáng tạo đang là một xu thế tất yếu, sự lựa chọn mang tính đột phá chiến lược của đất nước ta, là đòi hỏi khách quan để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng cho biết, triển khai các chủ trương, đường lối và quyết sách của Đảng, Nhà nước về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Chính phủ đã và đang triển khai các chương trình hành động cụ thể để đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Các cấp các ngành và cả xã hội đã rất quan tâm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp với những việc làm và hành động cụ thể, thiết thực.

“Độc lập, tự chủ, song phải hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, làm chủ và vươn lên về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới có thể cùng đi trên con tàu phát triển và tăng trưởng của thế giới, hấp thụ tốt nhất những tiến bộ của nhân loại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, việc hoàn thành đưa vào khai thác NIC Hòa Lạc có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; đó là sự khởi đầu của giai đoạn phát triển mới trong việc cung cấp hạ tầng đồng bộ để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư đối với NIC, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp cần mạnh dạn, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, tận dụng nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể hệ sinh thái, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung phát triển những lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và mang lại giá trị gia tăng cao cho Việt Nam trong giai đoạn tới như ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen xanh; chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng đề nghị các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn công nghệ lớn tham dự chương trình này đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, hợp tác đầu tư kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rui ro chia sẻ".

Tại sự kiện, dưới sự chứng kiến của Thủ trướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu diễn ra lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa NIC với 11 đối tác hàng đầu Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đào tạo như: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico, Tập đoàn Google, Tập đoàn SpaceX, Tập đoàn Intel, Tập đoàn Samsung…

Cùng với đó, Ban Tổ chức trao giải thưởng Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, vinh danh 12 giải pháp, trong đó có 4 giải pháp xuất sắc nhất.

Theo TTXVN

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/414076/khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-giup-viet-nam-cung-di-tren-con-tau-phat-trien-cua-the-gioi.html