Kho tàng sách tại thư viện Trần Văn Giàu English Edition

Nhà sử học người Pháp Voltaire từng ví những điều sách dạy như ngọn lửa, khi được truyền đi sẽ thành tài sản của tất cả mọi người. Đó cũng là nguyện vọng của cố Giáo sư Trần Văn Giàu khi '... quyết định tặng cho tỉnh nhà (Long An) thư viện riêng của tôi...' để thế hệ hôm nay nhận được kho tàng sách sử quý báu.

Hiện nay, bạn đọc có thể tìm kiếm các nguồn tài liệu, sách về sử học, địa lý,... của Giáo sư tại Thư viện Trần Văn Giàu, thuộc Bảo tàng - Thư viện tỉnh, số 26 đường Trương Công Xưởng, phường 1, TP.Tân An. Đến đây, độc giả dễ dàng tìm thấy phòng đọc của Thư viện Trần Văn Giàu nằm ngay chính diện khuôn viên. Thư viện chỉ phục vụ đọc tại chỗ, không mượn về. Vì thế, mỗi tháng, nơi đây thường có 15-16 bạn đọc là cán bộ hưu trí, sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, lao động trí thức,... đến tìm hiểu, nghiên cứu về sử học, triết học, địa lý. Từ năm 2020, Thư viện điện tử tỉnh được triển khai nhằm phục vụ độc giả, đáp ứng nhu cầu đọc ebook trong thời đại công nghệ, trong đó có sách do cố Giáo sư tặng.

Thư viện Trần Văn Giàu chỉ phục vụ đọc, nghiên cứu tại chỗ

Giáo sư sử học, Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Giàu (1911-2010) sinh ra và lớn lên tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Với sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu, Giáo sư giữ chức Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP.HCM. Trong suốt cuộc đời, ông đóng góp trên 150 công trình về lịch sử, triết học, văn học,... và xuất bản nhiều đầu sách trong, ngoài nước. Năm 2006, trong lá thư gửi đến Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Giáo sư bày tỏ “... quyết định tặng cho tỉnh nhà (Long An) thư viện riêng của tôi...” sau khi ông qua đời.

Thực hiện di nguyện ấy, ngày 11/9/2011, Thư viện tỉnh tiếp nhận 2.893 đầu sách và một số tạp chí từ nhà riêng của cố Giáo sư để lưu giữ và phục vụ bạn đọc. Các tài liệu được phân thành 4 mảng: Sách do Giáo sư viết; sách do đồng đội, bạn bè,... tặng; các tài liệu hội nghị, hội thảo và tác phẩm được Giáo sư chỉnh sửa, cộng tác, kiểm duyệt; những luận án, luận văn của học trò do ông hướng dẫn. Những quyển sách tiêu biểu tại thư viện như Long An 21 năm đánh Mỹ, Theo con đường sáng, Khảo cổ học Long An những thế kỷ đầu Công nguyên, Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp,...

Thời gian trôi qua, số lượng sách có nhiều thay đổi so với ban đầu; phần do mối mọt, hư hỏng; phần được chuyển về Nhà lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) với số lượng 395 bản. Để lưu giữ sách nguyên vẹn, thư viện chú trọng công tác bảo quản, vệ sinh, phun mối mọt theo từng đợt. Thư viện viên Lê Thị Hồng Gấm cho biết: “Mỗi năm, thư viện phun mối mọt 2 lần cho kho sách để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Đồng thời, hàng tuần, chúng tôi đều lau bụi và kiểm tra tình trạng sách để kịp thời báo cáo, khắc phục”.

Thư viện Trần Văn Giàu là địa chỉ quen thuộc với nhiều độc giả trong việc nghiên cứu lịch sử quê hương, đất nước, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa đọc./.

Hoàng Lan

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/kho-tang-sach-tai-thu-vien-tran-van-giau-a161394.html