Khó nói chuyện nâng tầm VĐV đấu kiếm

Câu chuyện thiếu môi trường cọ xát quốc tế trong nhiều năm qua đang khiến đấu kiếm dần tụt hậu ngay cả trong khu vực Đông Nam Á. Đến nay, khi hệ thống thi đấu trong nước lại teo tóp hơn, khả năng tụt hậu, chứ chưa nói chuyện nâng tầm, ngày càng lớn.

Duy nhất một giải trong năm

Hiện tại, Giải đấu kiếm vô địch quốc gia năm 2023 đang diễn ra tại Hà Nội. Đây là giải đấu đẳng cấp cao nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia của đấu kiếm Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết rằng đó cũng là giải đấu đầu tiên trong năm nay của đấu kiếm Việt Nam. Và cũng thật bất ngờ hơn khi biết rằng dự kiến, cho đến cuối năm 2023, hệ thống thi đấu quốc gia của đấu kiếm không còn giải đấu nào.

Một trận đấu tại Giải đấu kiếm vô địch quốc gia 2023.

Như thế, trong năm nay, đấu kiếm có lẽ là một trong những môn có ít giải đấu nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia của thể thao Việt Nam. Điều này khiến người trong nghề không khỏi băn khoăn vì số lượng giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia vốn đã ít nay còn thu hẹp đến mức “không còn gì để thu hẹp nữa”.

Trong khi đó, những năm gần đây, ít nhất đấu kiếm Việt Nam còn có giải đấu cho VĐV trẻ, cho VĐV lứa tuổi U23. Đặc biệt, giải đấu cho VĐV lứa tuổi U23 cũng có thể xem như Giải vô địch quốc gia thu nhỏ, giúp nhiều VĐV đang trong tuyến 1 của các đội có thêm cơ hội cọ xát. Còn với giải trẻ, đó cũng là cơ hội duy nhất trong năm để các HLV đánh giá chính xác bước tiến chuyên môn của học trò. Không kể, VĐV có tham gia thi đấu, có huy chương thì mới có tiền thưởng từ địa phương, ngành chủ quản. Có thể tiền thưởng không quá cao nhưng là động lực đáng kể cho các HLV, VĐV.

Nhiều HLV đấu kiếm cũng từng chia sẻ rằng, kể cả khi có 3 giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia mỗi năm thì cũng vẫn là quá ít so với yêu cầu nâng tầm cho VĐV. Đối với VĐV những môn đối kháng dù trực tiếp hay gián tiếp, chỉ có thể thông qua thi đấu mới có thể trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Còn chỉ tập “chay” và kể cả thi đấu nội bộ thì cũng khó đạt được bước tiến chuyên môn cần thiết, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ đang cần hoàn thiện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thi đấu.

Nhìn sang các nước ngay trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore… các VĐV có thể tham dự tối thiểu 3 giải đấu trong nước mỗi tháng ở mọi cấp độ. Điều này rõ ràng là trong mơ với các HLV, VĐV đấu kiếm Việt Nam. Chỉ nhìn vào điều này cũng đủ nhìn thấy nguy cơ tụt hậu ngày càng xa trong công tác đào tạo của môn đấu kiếm tại Việt Nam. Vậy mà đấu kiếm vẫn được xem là một trong những môn có khả năng tranh chấp HCV ở SEA Games, tranh vé dự Olympic… trong khi mục tiêu mở rộng các đơn vị đầu tư phát triển môn thể thao này tại Việt Nam vẫn được xem là ưu tiên với các nhà quản lý. Tuy nhiên, với tình trạng ít sân chơi, không kể thiếu trang thiết bị tập luyện trầm trọng do khó đấu thầu thì việc mở rộng đơn vị đầu tư cho môn đấu kiếm đang hầu như bất khả thi.

Tìm cách gỡ khó

Câu chuyện kể trên có lẽ chính những người quản lý môn đấu kiếm hiểu rõ nhất. Có thể, vấn đề kinh phí tổ chức là một trong những “ điểm nghẽn” khiến ngay cả những giải cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia như giải trẻ quốc gia khó diễn ra. Điều này có thể được lý giải bằng việc nguồn kinh phí được cấp trong năm của bộ môn đấu kiếm ở Cục TDTT được ưu tiên cho các VĐV đội tuyển quốc gia thi đấu một số giải quốc tế. Nhưng rõ ràng, mong mỏi có thêm nhiều giải đấu trong nước với các VĐV đấu kiếm, đặc biệt với VĐV trẻ, luôn là chính đáng và chính những người trong cuộc phải tìm cách tháo gỡ.

Ngay cả việc kết hợp tổ chức giải trẻ với Giải vô địch quốc gia cũng là một phương án được đề cập nhằm tiết kiệm tối đa kinh phí cho các nhà quản lý, các đơn vị dự giải. Đó không phải là giải pháp tối ưu nhưng cũng đáp ứng được yêu cầu cọ xát, nâng cao trình độ cho VĐV. Và nếu có hỏi các trọng tài về chuyện bồi dưỡng để chia sẻ với nhà quản lý thì họ cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận giảm để mang lại thêm nhiều cơ hội thi đấu, dù chỉ là trong nước, cho VĐV. Trong khi đó, ở giai đoạn này, đáng ra đã phải thực hiện chiến lược đầu tư thi đấu nước ngoài cho các VĐV trẻ tài năng, thay vì đo đếm các giải trong nước.

Thực tế, từ nhiều năm nay, người trong nghề đã đề cập tới việc ra đời của Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam nhằm san sẻ gánh nặng kinh phí, tổ chức với đơn vị quản lý nhà nước và chung tay đầu tư cho các VĐV tài năng, trọng điểm từ lớp trẻ cho đến thành viên đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, đến nay Liên đoàn vẫn chưa ra đời dù Ban vận động thành lập Liên đoàn đã hoạt động cũng như thực hiện những quy trình cụ thể về nhân sự. Vấn đề vẫn là tìm được những người thực sự có thể giúp đấu kiếm Việt Nam phát triển ổn định hơn, mang đến nhiều sân chơi hơn cho VĐV và tạo nên phong trào rộng khắp hơn. Còn nếu Liên đoàn ra đời cũng chỉ để mang tính hình thức thì thà muộn còn hơn. Tất nhiên, việc phải có Liên đoàn đấu kiếm Việt Nam vẫn là cần thiết để góp phần giải quyết hàng loạt bất cập trong phát triển phong trào cũng như hệ thống thi đấu, cách thức đầu tư, quan hệ đối ngoại cho đấu kiếm Việt Nam.

Tuy nhiên, ưu tiên lúc này vẫn là dựa vào nội lực của phía đơn vị quản lý, các đơn vị đang phát triển môn đấu kiếm để có thêm sân chơi cho VĐV. Quan trọng là hệ thống thi đấu quốc gia cần có sân chơi cụ thể để dựa vào đó, các đơn vị tìm cách chia sẻ với phía nhà quản lý.

Tất cả cũng để nhằm sớm giải quyết bài toán nâng tầm cho VĐV đấu kiếm Việt Nam để xứng với tiềm năng thay vì cứ tụt hậu mà không có cách kiểm soát.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/kho-noi-chuyen-nang-tam-vdv-dau-kiem-i711712/