Khó khăn trong tuyển dụng lao động phổ thông

Những tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng đơn hàng, mở rộng quy mô sản xuất, bù đắp việc giảm đơn hàng do tình hình khó khăn của năm trước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển lao động phổ thông.

Người lao động được doanh nghiệp tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm ngày 23/2/2024 -Ảnh: TÚ LINH

Phiên giao dịch việc làm diễn ra tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh vào ngày 23/2. Có 40 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng gần 5.000 vị trí việc làm trong và ngoài nước. Đặc biệt có 5 doanh nghiệp ngoại tỉnh tham gia tuyển lao động làm việc tại Đà Nẵng, Bắc Giang và Lào. Các ngành nghề được doanh nghiệp tuyển dụng gồm chế biến gỗ, may mặc, xây dựng, cơ khí, vận tải, chăn nuôi - trồng trọt, bán hàng, nhà hàng khách sạn...

Kết thúc phiên giao dịch, có hơn 300 lao động tìm được việc làm, đa số là các lao động có tay nghề, đã qua đào tạo. Chị Phạm Thị Thanh Thủy (sinh năm 1988), ở Phường 4, TP. Đông Hà, trước đây làm kế toán cho một công ty xây dựng. Đầu năm 2023, công ty gặp khó khăn, cắt giảm nhân sự nên chị phải nghỉ việc.

Dịp này chị được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH Thương mại Thảo Ái ở TP. Đông Hà với mức lương trong thời gian thử việc là 5 triệu đồng.

Phần lớn các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch cho biết, nhu cầu của họ là tuyển lao động phổ thông nhưng gặp nhiều khó khăn vì nhóm đối tượng này hiện rất ít ứng tuyển. Công ty TNHH Tiến Phong tại huyện Cam Lộ chuyên chế biến gỗ xuất khẩu với nhiều mặt hàng như bàn, ghế, tủ... Do nhu cầu sản xuất tăng nên công ty cần tuyển khoảng hơn 100 lao động phổ thông ở các vị trí sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Diệp Linh, Phó trưởng Phòng Tổ chức, Hành chính của Công ty TNHH Tiến Phong cho biết, công ty đưa ra mức lương trung bình từ 6-9 triệu đồng/tháng/người lao động và một số chế độ đãi ngộ nhưng vẫn khó khăn trong tuyển dụng. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và cả tham gia sàn giao dịch việc làm đầu năm nhưng công ty vẫn chưa tuyển đủ số lao động cần thiết.

Ông Nguyễn Việt Triều, Trưởng bộ phận Hành chính, Nhân sự, Tiền lương của Công ty TNHH Scavi Quảng Trị cho biết, công ty là đơn vị thuộc Tập đoàn Scavi có 100% vốn nước ngoài, hoạt động từ tháng 2/2022 với hơn 500 lao động. Bước qua năm 2024, tình hình đơn hàng khởi sắc hơn nhiều so với các năm trước.

Dự kiến tháng 6/2024, công ty khởi công xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá có diện tích hơn 17 ha, quy mô dự kiến giải quyết việc làm cho 4.500 lao động. Giai đoạn 1 của nhà máy dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025, giải quyết việc làm cho 1.400 lao động.

Tại phiên giao dịch việc làm vừa qua, công ty có nhu cầu tuyển 310 lao động nhưng kết quả tuyển được rất thấp. Vì vậy công ty dự kiến sẽ mở rộng địa bàn tuyển lao động ra ngoài tỉnh với hình thức tuyển dụng phong phú để thu hút được nhiều lao động hơn.

Theo Phó Trưởng phòng Phòng Thông tin thị trường lao động, Giới thiệu việc làm thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị Nguyễn Ngọc Hà, sàn giao dịch việc làm được khởi động đầu xuân nhằm xúc tiến kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động của tỉnh.

Năm 2023, trung tâm đã tích cực liên hệ, làm việc, thu thập thông tin của 950 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm nhu cầu tuyển dụng lao động của năm mới. Đồng thời trung tâm cung cấp thông tin về thị trường lao động và các thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lao động việc làm và học nghề, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn để chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm.

Bà Nguyễn Ngọc Hà đánh giá, phiên giao dịch việc làm đầu năm mới có tỉ lệ người lao động tìm kiếm việc làm tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Chất lượng lao động khá tốt.

Tại phiên giao dịch việc làm này, các hoạt động đăng ký, gặp gỡ, trao đổi, sơ tuyển, phỏng vấn, tuyển dụng lao động diễn ra nhộn nhịp. Các doanh nghiệp tuyển lao động có tay nghề thì dễ dàng tuyển đủ số lượng theo nhu cầu. Còn doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông gặp khó khăn vì nhiều lao động chưa mặn mà với việc làm.

Họ có xu hướng theo đuổi các ngành nghề thương mại, dịch vụ ngắn hạn, tự do như bán hàng online, giao hàng... thay vì đi làm tại các công ty, doanh nghiệp phải chịu áp lực về thời gian và công việc. Thời điểm COVID-19, việc tuyển lao động phổ thông khá dễ dàng vì người dân từ các thành phố lớn, do bị ảnh hưởng dịch, trở về quê tìm việc làm rất đông. Đến nay, đa số lao động trở lại miền Nam làm việc nên thị trường lao động phổ thông tại tỉnh không dồi dào, gây khó khăn trong công tác tuyển dụng của các công ty.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hà, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, nhiều doanh nghiệp rất cần lao động, nhất là lao động phổ thông nên thường gặp khó với bài toán thiếu hụt đối tượng lao động này. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều tỉnh, thành phố.

Nguyên nhân cốt lõi nhất do nhiều doanh nghiệp thời gian qua gặp khó khăn nên đưa ra chính sách tiền lương, bảo hiểm cho người lao động cùng những hỗ trợ nhằm bảo đảm an sinh chưa đáp ứng được nguyện vọng của lao động.

Để ngăn chặn sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao đời sống người lao động. Nổi bật là chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ cho lao động làm việc tại các khu công nghiệp.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động tăng mức lương lên cao hơn để phù hợp với điều kiện sống của lao động và có chế độ chăm sóc, đãi ngộ hấp dẫn hơn nhằm tuyển dụng được nguồn lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/kho-khan-trong-tuyen-dung-lao-dong-pho-thong/183994.htm