Khó khăn trong triển khai cho vay nhà ở xã hội tại Phú Bình

Nhằm giúp các hộ dân trên địa bàn có thêm điều kiện để xây mới, sửa chữa hoặc cải tạo nhà ở, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Bình đã triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội.

Nhằm giúp các hộ dân trên địa bàn có thêm điều kiện để xây mới, sửa chữa hoặc cải tạo nhà ở, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Bình đã triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội (NƠXH), đồng thời thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu vay vốn để “an cư lạc nghiệp”. Tuy nhiên, hiện nay các hộ dân muốn vay nguồn vốn này lại đang gặp khó khăn do vướng mắc khi chứng minh tài sản thế chấp; xác nhận của đơn vị công tác…

Ông Dương Đình Giang (người mặc quân phục) là một trong số ít hộ trên địa bàn huyện Phú Bình đáp ứng các điều kiện về hồ sơ, thủ tục để vay nguồn vốn nhà ở xã hội.

Ông Dương Đình Giang (người mặc quân phục) là một trong số ít hộ trên địa bàn huyện Phú Bình đáp ứng các điều kiện về hồ sơ, thủ tục để vay nguồn vốn nhà ở xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình, cho biết: Chương trình cho vay NƠXH được triển khai trên địa bàn huyện Phú Bình từ năm 2018, tập trung vào các đối tượng là công nhân, viên chức, người lao động… có thu nhập thấp; với nhiều ưu đãi như lãi suất thấp (4,8%/năm), thời gian vay dài (có thể đến 25 năm), mức quy định trả gốc định kỳ hàng tháng phù hợp với điều kiện, thu nhập của người vay… Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, đến nay, địa phương mới chỉ có 7 hộ dân vay được nguồn vốn này với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng.

Cũng theo đánh giá của bà Hường thì nguồn vốn cho vay theo Chương trình NƠXH không thiếu; nhu cầu vay nguồn vốn trên tương đối lớn. Nhưng hiện nay, đối tượng vay chủ yếu là các cặp vợ chồng trẻ, công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, phần lớn họ đang ở cùng bố mẹ đẻ, hoặc bố mẹ chồng, bố mẹ vợ… nên chưa có tài sản riêng để thế chấp với ngân hàng.

Cùng với đó là giá đất trên địa bàn để thực hiện thế chấp có giá trị thấp (được đơn vị thẩm định định giá tài sản) nên cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của người vay, khiến họ có sự cân nhắc khi vay giữa các ngân hàng…

Không chỉ gặp khó khăn trong đảm bảo điều kiện về thế chấp tài sản, một số công nhân có nhu cầu vay vốn còn gặp vướng mắc bởi xác nhận của đơn vị công tác.

Chị Vi Thị Hoan ở xóm Diễn Cầu, xã Tân Đức, nói: Tôi đang làm công nhân Công ty Samsung Thái Nguyên (TP. Phổ Yên). Năm 2022, gia đình tôi có nhu cầu vay vốn theo Chương trình NƠXH của NHCSXH huyện để xây mới nhà ở. Theo yêu cầu về hồ sơ của ngân hàng, nếu muốn vay vốn, tôi phải có xác nhận của Công ty. Tuy nhiên, Công ty chưa xác nhận cho tôi.

Khi người dân có nhu cầu vay vốn từ Chương trình cho vay NƠXH, lãnh đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình sẽ cùng với cán bộ trực tiếp xuống hộ dân kiểm tra, xác minh nhu cầu; thẩm định hồ sơ của đối tượng vay; hướng dẫn, hỗ trợ người dân về các thủ tục, giấy tờ chứng minh để đảm bảo hồ sơ vay vốn hợp lệ…

Trước nhu cầu vay vốn để làm nhà ở của người dân trên địa bàn còn nhiều, bà Nguyễn Thị Hường cho biết thêm: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đoàn thể liên quan tăng cường tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là công nhân… để họ nắm được cơ chế, chính sách khi muốn vay vốn từ Chương trình này; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn một cách cụ thể…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202307/cho-vay-nha-o-xa-hoi-tai-phu-binh-tien-co-nhung-kho-vay-d8113ba/