Khó khăn trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở xã khu vực III

Viên chức bộ phận “một cửa” Bảo hiểm xã hội huyện Chi Lăng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính

Thời gian qua, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) được các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai quyết liệt và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, đối với các xã khu vực III, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ người dân thực hiện còn rất thấp.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong đó, Lạng Sơn có 88 xã khu vực III. Đây là những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số đông, cơ sở hạ tầng thông tin còn hạn chế, trình độ dân trí chưa cao. Mặc dù thời gian qua, các cấp chính quyền đã quan tâm, triển khai nhiều giải pháp, nhưng việc triển khai DVCTT khi thực hiện TTHC tại các xã khu vực III còn gặp nhiều khó khăn.

Gian nan khi thực hiện

Là một trong những xã khu vực III của huyện Lộc Bình, xã Thống Nhất có hơn 1.700 hộ dân với hơn 7.000 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Sán Chỉ. Hiện nay, xã đang triển khai tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ TTHC qua DVCTT đối với 122 TTHC, trong đó, có 47 TTHC mức độ một phần, 52 TTHC mức độ toàn trình… Từ đầu năm 2023 đến nay, bộ phận “một cửa” của xã đã tiếp nhận tổng số 1.919 hồ sơ TTHC, trong đó chỉ có 29 hồ sơ trực tuyến qua DVCTT.

Số lượng hồ sơ trực tuyến ít như vậy cho thấy người dân ở xã Thống Nhất chưa quen với việc sử dụng DVCTT. Chị Vi Thị Hiệp, thôn Nà Pàn, xã Thống Nhất phân trần: Tôi thấy rắc rối, khó hiểu lắm, tôi cũng không biết sử dụng máy tính, còn điện thoại thì cũng loay hoay nên không thể “ngồi nhà gửi hồ sơ” như cán bộ đã hướng dẫn. Chúng tôi ở vùng sâu vùng xa cho nên thiết bị kết nối internet còn hạn chế. Vẫn còn nhiều người không có điện thoại thông minh, máy tính hoặc có điện thoại nhưng không dùng 3G, 4G vì tốn kém. Vì vậy, tôi luôn chọn thực hiện TTHC trực tiếp tại bộ phận một cửa của UBND xã, chứ không nộp hồ sơ trực tuyến.

Trao đổi với ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình được biết: Dù đã được tuyên truyền, phổ biến, cũng như hướng dẫn cách sử dụng, nhưng hầu hết người dân chưa quen, cũng chưa nắm bắt đầy đủ tiện ích của dịch vụ công trực tuyến. Hầu hết người dân chưa sử dụng được các phần mềm khai báo thông tin cũng như giao dịch qua mạng chưa thuần thục, lại thêm chất lượng mạng kém nên việc khai báo và nhập liệu thường xuyên gặp trục trặc. Đồng thời, tâm lý người dân ở miền núi là “đến tận nơi, nộp tận tay” cán bộ thì mới yên tâm. Đây là nguyên nhân dẫn đến lượng phát sinh hồ sơ qua DVCTT trên địa bàn xã rất ít.

Đoàn công tác của tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ UBND xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình trong thực hiện DVCTT

Cũng giống như xã Thống Nhất, xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng là xã khu vực III cũng đang loay hoay, nan giải trong triển khai thực hiện DVCTT. Trao đổi với bà Hoàng Thị Thu Hằng, công chức tư pháp – hộ tịch xã Bằng Hữu được biết, người dân trên địa bàn cũng gặp nhiều rắc rối trong việc nộp hồ sơ trực tuyến nên vẫn phải đến trụ sở để nhờ công chức hướng dẫn. Thực tế thời gian qua, các công chức xã gần như đều đang “làm thay”, giúp người dân từ việc tạo tài khoản, nộp hồ sơ, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ. Thêm vào đó, do không thường xuyên thực hiện các thủ tục hành chính nên dù một số người dân đã thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến nhưng vẫn quên mật khẩu, quên các quy trình, vì vậy vẫn phải đến cơ quan nhờ công chức giúp đỡ.

Không riêng xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình và xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng, hầu hết các xã thuộc khu vực III trên địa bàn tỉnh hiện nay đang rất khó khăn trong triển khai DVCTT. Việc thực hiện DVCTT bắt đầu được triển khai từ năm 2019, hằng năm, UBND tỉnh đều giao chỉ tiêu thực hiện tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố (bao gồm cả cấp xã) trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, năm 2023, UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo 85% dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến; từ 70% – 95% hồ sơ được tiếp nhận, xử lý trực tuyến. Tuy nhiên, tại các xã vùng III, 2 tỷ lệ này đều thấp hơn so với chỉ tiêu giao (dưới 40%).

Theo tìm hiểu, khó khăn này do nhiều nguyên nhân tác động, trước hết, các xã khu vực III có giao thông đi lại và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều thôn cách xa trung tâm xã, cơ sở hạ tầng thông tin chưa ổn định, nhiều nơi sóng điện thoại chập chờn ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến. Thêm vào đó, trình độ của người dân có phần hạn chế, công chức ở bộ phận “một cửa” phải hướng dẫn, giải thích nhiều lần, gây khó khăn cho cán bộ khi xử lý công việc. Ngoài ra, bộ phận “một cửa” của các xã còn chật hẹp, chưa bố trí được đủ không gian làm việc, cơ sở vật chất phục vụ người dân tra cứu, tiếp cận DVCTT.

Cùng với đó, khó khăn lớn nhất hiện nay trong ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai DVCTT ở cấp xã, đặc biệt là các xã khu vực III là tình trạng thiếu trang thiết bị tin học như máy tính, máy in… Nhiều máy tính trang bị đã cũ, cấu hình thấp, xuống cấp nên chỉ sử dụng để soạn thảo văn bản, truy cập internet, không thể cài thêm các phần mềm ứng dụng khác.

Từng bước tháo gỡ

Hiện nay, việc sử dụng DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính quyền số, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ TTHC và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là tăng tính công khai, minh bạch của TTHC, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Với tầm quan trọng như vậy, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chính quyền cấp xã đã nỗ lực vào cuộc, triển khai đồng bộ giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân trong việc thực hiện, sử dụng DVCTT.

Xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình là một trong những xã khu vực III có sự chủ động gỡ khó những vướng mắc trong quá trình triển khai DVCTT. Mới đây, giữa tháng 12/2023, chính quyền xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đã mời đoàn công tác của tỉnh gồm các cán bộ, công chức phụ trách công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC của Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Phục vụ Hành chính công đến hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc” cho các công chức của xã, giúp các công chức nắm rõ hơn, hiểu hơn các nhiệm vụ như tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công, số hóa hồ sơ… Qua đó, tạo tiền đề để cán bộ, công chức nắm vững hơn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ này trong năm tới, từng bước nâng cao tỷ lệ hồ sơ DVCTT của xã.

Bên cạnh đó, 100% UBND cấp huyện cũng chủ động nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đề ra giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn đối với việc thực hiện DVCTT.

Theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp theo 2 mức độ: dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần.

Bà Phạm Ngọc Thủy, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Hữu Lũng nhấn mạnh: Để khắc phục khó khăn, thời gian tới, chúng tôi tham mưu lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã, trong đó, có các xã khu vực III nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm soát, cải cách TTHC bao gồm cả nội dung thực hiện DVCTT; tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng DVCTT. Đặc biệt, nhằm giúp người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ công, chính quyền huyện cũng đã và đang chỉ đạo chính quyền các xã vùng III cần phát huy tối đa tổ công nghệ cộng đồng, tổ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đây là lực lượng tuyên truyền nòng cốt để giúp người dân làm quen, triển khai các dịch vụ này. Thực tế hiện nay, một số tổ công nghệ cộng đồng cũng đã lựa chọn nhóm đối tượng để tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ này, đó là các thanh niên, những người đã quen sử dụng điện thoại thông minh.

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện TTHC qua DVCTT, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, trong đó đặc biệt trú trọng đối với các xã khu vực 3. Đồng thời, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường tập huấn, cử cán bộ, công chức xuống tận UBND các xã khu vực 3 nếu có nhu cầu để hỗ trợ, “cầm tay chỉ việc”, trang bị thêm kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn nâng cấp, hoàn thiện cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử, từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”

PHƯƠNG DUNG - HOÀNG HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/635693-kho-khan-trong-thuc-hien-dich-vu-cong-truc-tuyen-o-xa-khu-vuc-iii.html