Khó khăn trong kiểm tra, xem xét thi hành kỷ luật khi đảng viên không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm

Khoản 1, Điều 35, Điều lệ Đảng quy định 'Tổ chức đảng (TCĐ) và đảng viên (ĐV) vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời' và theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 5, Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị quy định về tình tiết giảm nhẹ 'Chủ động báo cáo vi phạm của mình với TCĐ, tự giác nhận trách nhiệm cá nhân về khuyết điểm, vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật tương xứng với nội dung, tính chất, mức độ vi phạm trước và trong quá trình kiểm tra, giám sát (KTGS)'.

Hiện nay, Ban Bí thư T.Ư đã ban hành quy trình KTGS, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở (Quyết định số 89-QĐ/TW, ngày 1/12/2022); Ủy ban Kiểm tra (UBKT) T.Ư ban hành quy trình thực hiện KTGS và thi hành kỷ luật đảng của UBKT các cấp (Quyết định số 354-QĐ/UBKTTW, ngày 22/12/2021), có một số quy trình kép có thể áp dụng kết hợp giữa kiểm tra và thi hành kỷ luật như quy trình kiểm tra TCĐ và ĐV khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo TCĐ và ĐV, kiểm tra tài chính đảng. Quy trình kép giúp rút ngắn thời gian kiểm tra, xem xét và xử lý kỷ luật đối với TCĐ, ĐV vi phạm, góp phần sớm ổn định tổ chức cho các cơ quan, đơn vị cũng như giảm bớt một số cuộc họp, hay việc thành lập thêm đoàn kiểm tra đề nghị xem xét thi hành kỷ luật sau kiểm tra mà vẫn đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Đảng. Nhưng để áp dụng quy trình kép, cần có đủ điều kiện (1) vi phạm đã rõ, đến mức phải thi hành kỷ luật và (2) đối tượng kiểm tra tự giác nhận có vi phạm và làm kiểm điểm tự nhận hình thức kỷ luật. Như vậy, việc đối tượng kiểm tra tự giác nhận hình thức kỷ luật có ý nghĩa rất lớn đối với đoàn kiểm tra và UBKT trong quá trình tiến hành kiểm tra.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có tình trạng ĐV vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng không tự giác nhận hình thức kỷ luật, chỉ đề nghị được kiểm điểm sâu sắc, phê bình nghiêm túc rút kinh nghiệm. Khi đoàn kiểm tra chỉ ra những lỗi vi phạm cùng những căn cứ thuyết phục thì ĐV mới nhận hình thức kỷ luật nhưng đều ở mức thấp hơn so với tính chất, mức độ vi phạm, hoặc nêu chung chung là sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật của Đảng. Đặc biệt, những trường hợp ĐV vi phạm trong việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, khi làm việc với đoàn kiểm tra đa phần không nhận thức về vai trò, trách nhiệm của từng ĐV đối với vai trò lãnh đạo của chi bộ (nguyên tắc tập thể lãnh đạo) và cho rằng lỗi chủ yếu thuộc về cấp ủy hay những ĐV giữ chức vụ. Như vậy, mặc dù các khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra cụ thể, rõ ràng nhưng ĐV vẫn không tự nhận hình thức kỷ luật. Thực trạng này thể hiện tính tự giác, tự phê bình của ĐV có khuyết điểm chưa cao.

Nguyên nhân của tình trạng ĐV không tự giác nhận khuyết điểm đó là: Trong công tác kiểm tra, kỷ luật nếu thiếu tính dân chủ, khách quan mà áp đặt dẫn đến xử lý không đúng người, đúng lỗi vi phạm, gây oan, sai cho đối tượng làm phát sinh đơn, thư khiếu nại, tố cáo; điều này có tác động đến đối tượng kiểm tra khác, gây tâm lý e ngại, né tránh, quanh co, thiếu trung thực, không tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm, hình thức kỷ luật.

ĐV vi phạm chưa nhận thức được hoặc nhận thức chưa đầy đủ về khuyết điểm vi phạm. Hiện nay có rất nhiều văn bản của Đảng được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình, nhưng cán bộ, ĐV không cập nhật đầy đủ, kịp thời, dẫn đến tình trạng có khuyết điểm, vi phạm nhưng không hay biết, cho tới khi được kiểm tra, làm rõ mới hiểu về những việc đã làm sai.

Ý thức tự phê bình của ĐV vi phạm kém, né tránh trách nhiệm. Đặc biệt là một số cán bộ, ĐV sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, ích kỷ, thiếu tự giác, tu dưỡng, thủ tiêu tính tiền phong, gương mẫu.

Để khắc phục tình trạng ĐV không tự giác nhận hình thức kỷ luật đảng cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, việc kiểm tra, xem xét trách nhiệm và đề nghị thi hành kỷ luật ĐV của các TCĐ có thẩm quyền cần công tâm, khách quan, bảo đảm đúng tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân, đảm bảo đúng quy trình, quy định.

Hai là, tăng cường tuyên truyền về công tác KTGS và thi hành kỷ luật đảng để ĐV nhận thức đúng, đầy đủ về kỷ luật đảng; về những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi xem xét thi hành kỷ luật, trên cơ sở đó ĐV thấy được ý nghĩa, giá trị của việc tự giác nhận hình thức kỷ luật.

Ba là, tăng cường tự phê bình và phê bình trong TCĐ. Mỗi cán bộ, ĐV cần nêu cao tinh thần tự giác, tính chiến đấu chân thành, thẳng thắn, phản ánh những thói hư, tật xấu, những tiêu cực của đồng chí mình và bản thân mình tự trau dồi, học hỏi, cập nhật văn bản mới của Đảng và Nhà nước, thường xuyên tự soi, tự sửa; đặc biệt là tự giác nhận hình thức kỷ luật nếu có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật.

Nguyễn Quốc Hùng

(Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/290/177724/kho-khan-tr111ng-kiem-tra,-xem-xet-thi-hanh-ky-luat-khi-dang-vien-khong-tu-giac-nhan-khuyet-diem,-vi-pham.htm