Khó khăn đang hiện hữu ở nhiều doanh nghiệp

Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp cho biết, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sụt giảm về doanh thu, tình trạng thiếu đơn hàng vẫn tồn tại hiện hữu…

Trước tác động của nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn hơn năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023, nhiều lĩnh vực, ngành hàng tiếp tục bị ảnh hưởng do tổng cầu sụt giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp, nhất là các thị trường lớn… dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp ngày càng nghiêm trọng hơn. Từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta bị giảm, trong đó giảm sâu nhất là lắp ráp điện tử, điện thoại, chế biến gỗ, dệt may, da giày.

Cụ thể, số liệu của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 10 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ.

Còn theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt trên 14 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm ngoái…

Ngành dệt may tiếp tục khó.

Ngành dệt may tiếp tục khó.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết thực tế: "Với ngành may, từ quý 4 năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng rất nhỏ lẻ, manh mún, chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động phải nhận những đơn hàng từ 500-1.000 áo jacket. Song bây giờ phải nhận, phải làm, vì nếu không làm thì khách không biết đến và không có đơn hàng. Cùng với đó, đơn giá giảm khủng khiếp, nhiều đơn vị hiện nay giá gia công thậm chí có những mã hàng giảm đến 50% so với kỳ này năm ngoái".

Khó khăn do tác động của tình hình chung đang hiện hữu, nhiều doanh nghiệp phải tìm thêm các thị trường ngách, cũng như đẩy mạnh việc nghiên cứu, sáng tạo đưa ra các sản phẩm mới để đáp ứng yêu cầu của thị trường và khách hàng. Qua đó nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm nay.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao Quốc hội và Chính phủ đã chủ động ban hành kịp thời nhiều Nghị quyết và biện pháp hỗ trợ tích cực giúp doanh nghiệp vượt khó như chính sách giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc hành chính nhân sự Công ty TNHH Siflex Việt Nam, doanh nghiệp vẫn cần sự điều tiết của nhà nước trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như những chính sách cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Cùng với đó bày tỏ kỳ vọng, giảm các thủ tục phiền hà gây mất thời gian, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn đối với những dự án đầu tư mới.

Theo ông Quân: "Về tình hình sản xuất kinh doanh trong 6 tháng vừa qua, doanh nghiệp cũng như những doanh nghiệp khác gặp nhiều khó khăn, nguy cơ về sụt giảm doanh thu, cũng như về đơn hàng. Doanh nghiệp có những đề xuất để tháo gỡ những khó khăn, Quốc hội và Chính phủ cần có những điều chỉnh về những thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường hoặc là thẩm định phòng cháy, chữa cháy nên giao cho cơ quan Tỉnh, nhằm giảm thời gian cho doanh nghiệp. Việc đánh giá ở cấp Bộ, làm cho doanh nghiệp cũng phải xếp hàng chờ đợi, điều này ảnh hưởng lớn đến cơ hội đầu tư mới của doanh nghiệp".

Để hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải đẩy mạnh việc cải cách thể chế, xóa bỏ những rào cản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Quá trình này phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và cần phải làm thường xuyên, với những quyết tâm mới, mục tiêu mới, cách làm mới. Động lực này phải từ áp lực, chỉ khi áp lực liên tục và thường xuyên sẽ tạo ra động lực cho các bộ, ngành và địa phương cùng thay đổi.

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó là phải thực hiện tiếp tục miễn giảm thuế phí, giãn đóng một số loại phí về bảo hiểm xã hội để giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua giai đoạn hiện tại. Việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và khuyến khích các tổ chức tín dụng cải thiện mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp hội tụ đủ các điều kiện vay và khả năng trả nợ là cần thiết...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, nhằm đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế từ nay đến cuối năm, yêu cầu đặt ra cho các Bộ ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt để nắm bắt tình hình, thúc đẩy nâng cao chất lượng hơn nữa, công tác dự trong thời gian tới.

"Từ nay đến cuối năm cần triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp, đồng thời có các giải pháp mới, củng cố và đẩy mạnh sự phục hồi nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát cắt giảm đơn giản hóa ngay các quy định hành chính, gắn với tăng cường phân cấp ủy quyền. Cùng đó tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ quá trình sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để thúc đẩy cho quá trình tăng trưởng. Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình hoạt động xúc tiến thương mại củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống đa dạng hóa, mở rộng thị trường tiềm năng" - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp đó là cần khai thác tốt hơn thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc theo hướng quản trị hiện đại. Doanh nghiệp, doanh nhân cũng phải nâng cao bản lĩnh và năng lực phản ứng thị trường, chủ động nắm bắt cơ hội và có các kịch bản, phương án thích ứng… qua đó tiếp tục trụ vững trong năm nay và những năm tiếp theo.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/kho-khan-dang-hien-huu-o-nhieu-doanh-nghiep-post1034139.vov