Khó đòi lại tiền tạm ứng vì chủ doanh nghiệp bị khởi tố

Hàng trăm tỉ đồng đã giải ngân cho dự án nhưng suốt thời gian dài doanh nghiệp không có khối lượng hoàn ứng, có khoản tiền rất khó đòi do chủ doanh nghiệp bị bắt giam.

Ngày 7-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,đại diện Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Đắk Lắk cho biết tổng số tiền tạm ứng quá hạn thực hiện các dự án ở địa phương này hơn 654 tỉ đồng.

Đây là số tiền tạm ứng mà kho bạc đã giải ngân cho chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện tại các dự án nhưng nhà thầu chưa hoặc không có khối lượng để hoàn ứng. Tình trạng này khiến dòng tiền còn “mắc kẹt” trong tài khoản của doanh nghiệp hoặc các đơn vị liên quan.

Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Ảnh: VŨ LONG

Hàng trăm tỉ mắc kẹt trong tài khoản doanh nghiệp

Theo KBNN tỉnh Đắk Lắk, trong 654 tỉ đồng quá hạn có 317 tỉ đồng vốn Trung ương, 336 tỉ đồng vốn địa phương. Trong số đó có 4,3 tỉ đồng quá hạn khó có khả năng thu hồi.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (BQLDA) tỉnh Đắk Lắk có số dư tạm ứng quá hạn lớn nhất với hơn 500 tỉ đồng ở 38 công trình.

Thi công kênh mương dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Ảnh: VŨ LONG

Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng có 232 tỉ đồng tiền tạm ứng quá hạn ở hợp phần đền bù. Trong đó, phần lớn là chi phí đền bù với hơn 191 tỉ đồng, chi phí xây lắp hơn 38 tỉ đồng, chi phí khác 2,5 tỉ đồng. Dự án này khởi công từ năm 2009, qua nhiều lần điều chỉnh gia hạn tiến độ, đến nay vẫn chưa xong.

Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột có số dư quá hạn 65,5 tỉ đồng. Dự án đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana dư nợ quá hạn 25 tỉ đồng. Tiền quá hạn tại dự án hồ chứa nước Yên Ngựa gần 80 tỉ đồng...

Trao đổi với PV, đại diện BQLDA tỉnh Đắk Lắk nói thời gian qua chủ đầu tư đã yêu cầu, đôn đốc nhà thầu, ban quản lý của các huyện hoàn ứng ở các dự án. Việc kiểm soát chi đều được đảm bảo theo quy định.

Còn đại diện KBNN tỉnh Đắk Lắk giải thích: nguyên nhân tồn tại số dư tạm ứng quá hạn, khó có khả năng thu hồi, kéo dài nhiều năm do một số nhà thầu phá sản, nhà thầu không nộp trả lại tiền tạm ứng không có khối lượng thu hồi.

Cạnh đó, một số dự án liên quan đến tiền đền bù giải phóng mặt bằng người dân chưa đồng ý nhận tiền do không thống nhất với phương án đền bù cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nguy cơ thất thoát ngân sách

Theo KBNN tỉnh Gia Lai, tỉnh này hiện có 17 dự án có số dư tạm ứng đã quá hạn 33,7 tỉ đồng.

Trong đó, hơn 20 tỉ đồng quá hạn khó đòi do chủ doanh nghiệp đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Số tiền này liên quan đến Công ty CP Xây dựng thương mại Bình An thực hiện bốn dự án do các huyện Chư Păh, Ia Grai, Kông Chro và Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư…

Dự án đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh-Chư Prông nợ tạm ứng quá hạn 1,3 tỉ đồng. Ảnh: LÊ KIẾN

Dự án kè chống sạt lở sông Ia Sol đoạn qua huyện Phú Thiện đã tạm ứng gần 3 tỉ đồng kéo dài nhiều năm và không còn khả năng hoàn ứng.

Theo cơ quan chức năng, rất khó thu hồi ngân sách tạm ứng cho doanh nghiệp bị khởi tố. Thời gian qua, KBNN tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản đôn đốc thu hồi tạm ứng đến chủ đầu tư các dự án kéo dài lâu năm nhưng vẫn không thu hồi được.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Thế Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ia Grai, cho biết Công ty Bình An thi công đường biên giới xã Ia O và đã được kho bạc giải ngân tạm ứng 10 tỉ đồng.

“ Vụ việc kéo dài đã 10 năm nay. Thực tế, sau khi tạm ứng 10 tỉ đồng, nhà thầu lại không thi công. Chúng tôi đưa vụ việc ra tòa và đã thắng kiện. Cơ quan thi hành án dân sự đã có quyết định thi hành án nhưng nhà thầu không còn tài sản gì đảm bảo”- ông Phong thông tin.

Ông Phong cho rằng trước đây việc kiểm soát tiền tạm ứng không chặt chẽ. Điều này dẫn đến nhà thầu hoàn trả khối lượng không đảm bảo, nguy cơ mất vốn nhà nước.

Trong khi đó, theo ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, đơn vị quản lý dòng tiền sau khi tạm ứng là các ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng có trách nhiệm kiểm soát chi, chứ không phải chuyển tiền cho doanh nghiệp rồi doanh nghiệp làm gì cũng được.

“Dựa vào hợp đồng thi công dự án, ngân hàng sẽ có chứng thư bảo lãnh cho doanh nghiệp tạm ứng. Căn cứ vào các hợp đồng thì ngân hàng mới chuyển phần tạm ứng cho nhà thầu. Trong trường hợp vì lý do chủ quan, có đủ điều kiện mà nhà thầu không triển khai thì bên chủ đầu tư yêu cầu ngân hàng hoàn trả lại tiền tạm ứng”- ông Điệp nói.

Quản lý tiền ngân sách rất chặt chẽ

Theo đại diện KBNN tỉnh Đắk Lắk, việc tạm ứng tại các công trình đều tuân thủ theo quy định và được kiểm soát rất chặt chẽ. Khi hoàn thành hợp đồng xây lắp, doanh nghiệp muốn tạm ứng thì phải có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Giá trị tiền tạm ứng không quá 30% giá trị hợp đồng. Sau này, đến thời thời điểm hoàn ứng kho bạc sẽ đôn đốc chủ đầu tư.

Còn theo lãnh đạo một ngân hàng có chi nhánh tại Đắk Lắk, sau khi tiền giải ngân từ kho bạc gửi về tài khoản doanh nghiệp, ngân hàng sẽ quản lý một phần. Doanh nghiệp muốn rút tiền thì phải có đơn đề nghị thanh toán khối lượng và được kiểm tra rất chặt chẽ mới xuất tiền.

“Nếu không quản lý tiền giải ngân, thì ngân hàng sẽ quản lý bằng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp. Nên doanh nghiệp có muốn chạy đi đâu cũng không được. Không có chuyện ngân hàng “bắt tay” với doanh nghiệp dùng tiền ngân sách để sử dụng không đúng mục đích”- vị lãnh đạo ngân hàng nói.

VŨ LONG-LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kho-doi-lai-tien-tam-ung-vi-chu-doanh-nghiep-bi-khoi-to-post755106.html