Khó đoán định tương lai AUKUS mở rộng

Những đồn đoán về khả năng mở rộng của AUKUS-hiệp ước an ninh giữa Australia, Anh và Mỹ lại xuất hiện trong bối cảnh Nhật Bản và Australia tăng cường hợp tác quốc phòng, còn Canada được đề cập như một đối tác đầy tiềm năng.

Theo Kyodo, Nhật Bản và Australia gần đây đã đồng ý triển khai nghiên cứu chung nhằm phát triển phương tiện không người lái dưới nước trong tương lai, trong bối cảnh hai nước tăng cường hợp tác quốc phòng. Đây là dự án cụ thể đầu tiên mà hai nước sẽ thực hiện kể từ khi ký một thỏa thuận vào tháng 6 năm ngoái nhằm đơn giản hóa những thủ tục cho các nghiên cứu kỹ thuật chung về thiết bị quốc phòng.

Australia đã hợp tác với Mỹ và Anh trong khuôn khổ quan hệ đối tác AUKUS để tăng cường năng lực tàu ngầm và phát triển các công nghệ tiên tiến như phương tiện tự hành dưới nước. Australia dự đoán các phương tiện mà nước này hợp tác với Nhật để phát triển có thể là “một cấp số nhân sức mạnh đáng kể” cho các lực lượng trên biển.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles bày tỏ hy vọng sẽ thấy Nhật Bản hợp tác với AUKUS trong việc phát triển công nghệ quốc phòng trong tương lai. Ông Marles cho biết Australia muốn “hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản” về phát triển công nghệ ngoài tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều này bao gồm trụ cột thứ hai của AUKUS, nhằm phát triển một loạt khả năng tiên tiến trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và tên lửa siêu thanh. Ông Marles thậm chí đã quảng cáo AUKUS trở thành JAUKUS (thêm Nhật Bản), bất chấp những ý kiến trái chiều.

Nhật Bản thời gian qua cho thấy nhiều nỗ lực để thoát khỏi chủ nghĩa hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai và việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Australia là một ví dụ. Nhưng điều đó không có nghĩa Nhật Bản sẽ muốn tham gia AUKUS, hay nói một cách khác, việc tham gia hiệp ước an ninh này sẽ không đơn giản với Tokyo. Giới phân tích không mấy lạc quan về triển vọng này vì cho rằng tên lửa siêu thanh hay tên lửa tầm xa mà Bộ trưởng Quốc phòng Australia đề cập ở trên là loại vũ khí tấn công điển hình. Theo Điều 9 trong Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, nước này không được phép duy trì vũ khí tấn công.

">

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara (bên phải) và người đồng cấp Australia gặp gỡ tại Tokyo tháng 10-2023. Ảnh: Reuters

Với vai trò là đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực, đương nhiên Nhật Bản sẽ được nhìn nhận như một đối tác đầy tiềm năng của AUKUS. Nhất là khi hy vọng vào chương trình tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tốn kém-trụ cột thứ nhất của AUKUS-ngày càng suy giảm, buộc liên minh này phải giới thiệu trụ cột thứ hai vào năm 2023, nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác trong các công nghệ quân sự tiên tiến, tăng khả năng tương tác cũng như thúc đẩy chia sẻ tri thức và đổi mới. Trụ cột thứ hai của hiệp ước này nghiêng về việc hợp tác và chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy phát triển các công nghệ tiên tiến, gồm năng lực phòng thủ dưới biển, AI, công nghệ lượng tử và chiến tranh siêu thanh.

Trụ cột thứ nhất này cũng là trở ngại khiến AUKUS khó có thể thu hút thêm thành viên do mối lo ngại phổ biến công nghệ hạt nhân đe dọa hòa bình khu vực cũng như nguy cơ chạy đua vũ trang. Hồi tháng 3 năm ngoái, New Zealand đã ra tín hiệu sẵn sàng tham gia quan hệ đối tác an ninh 3 bên với Mỹ, Anh và Australia, nhưng chỉ trong khả năng phi hạt nhân.

Tương tự Nhật Bản, Canada cũng đang “lọt vào tầm ngắm” trong bối cảnh các thành viên mong muốn có thêm các đối tác tham gia phần phi hạt nhân của AUKUS. Theo tờ The Globe and Mail, các cựu Thủ tướng Anh và Australia nói rằng Canada cần được mở cửa để tham gia vào phần phi hạt nhân của AUKUS. Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng đã đến lúc phải tiến xa hơn và đưa các quốc gia khác vào quan hệ đối tác này. Ứng cử viên tiếp theo rõ ràng nhất phải là Canada. Canada không chỉ là trụ cột của Khối thịnh vượng chung và Nhóm G7. Theo ông, không có quốc gia nào thể hiện được những giá trị to lớn có thể giúp cho AUKUS trở nên khả thi như trường hợp của Canada. Người kế nhiệm ông Johnson, bà Elizabeth Truss và cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng bày tỏ sự tán thành ý tưởng để Canada tham gia đối tác AUKUS.

Một báo cáo của Viện Legatum London cho rằng nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng rộng lớn của Canada, các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, đặc biệt là AI và điện toán lượng tử, cùng sự hợp tác của nước này với Mỹ sẽ là sự bổ sung đáng kể cho các mục tiêu của AUKUS về một liên minh quân sự chia sẻ công nghệ.

Viện Legatum nhận định Canada sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc tham gia mối quan hệ đối tác tiên tiến nhất thế giới về công nghệ quốc phòng, trong khi AUKUS sẽ có được quyền tiếp cận nguồn cung cấp lớn các khoáng sản quan trọng của Canada cho các nền kinh tế và quân sự hiện đại. Tuy nhiên, theo Giáo sư Thomas Juneau của Đại học Ottawa, Canada cần phải quyết đoán thuyết phục các đồng minh bằng việc chứng minh những gì họ có thể đóng góp.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/kho-doan-dinh-tuong-lai-aukus-mo-rong-766341

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/646615-kho-doan-dinh-tuong-lai-aukus-mo-rong.html