Khó cản đà đi lên của lãi suất cho vay

Dự báo lãi suất cho vay thời gian tới khó hạ nhiệt và sẽ phụ thuộc nhiều vào thanh khoản, đặc biệt là diễn biến giải ngân đầu tư công. Tiền hút vào nhiều thông qua trái phiếu Chính phủ, thu ngân sách vượt kế hoạch trong khi giải ngân đầu tư công chậm khiến thị trường khan tiền, áp lực lên lãi suất cho vay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc giảm lãi suất vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến lạm phát, tỷ giá và định hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới. Thực tế, trước các đợt tăng lãi suất liên tục của hơn 90 ngân hàng trên thế giới, NHNN Việt Nam tuần qua cũng đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1 điểm % lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua.

Đà đi lên mạnh của lãi suất cho vay

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở sâu, tác động của thị trường tài chính thế giới tới trong nước là tất yếu nên luôn sẵn sàng tâm thế ứng phó.

Mặc dù tăng lãi suất là điều khó tránh trong nỗ lực chống lạm phát của NHNN, song việc tăng lãi suất khiến doanh nghiệp lo lắng.

Mặc dù tăng lãi suất là điều khó tránh trong nỗ lực chống lạm phát của NHNN, song việc tăng lãi suất khiến doanh nghiệp lo lắng.

“Quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ phải xác định được mục tiêu trọng tâm của giai đoạn đó là gì nhưng trên tinh thần xuyên suốt là phải kiểm soát được lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô. Còn trong ngắn hạn sẽ phải đánh đổi các mục tiêu. Ví dụ để ổn định tỷ giá thì chấp nhận lãi suất phải tăng, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đến doanh nghiệp, đến tăng trưởng GDP. Tuy vậy, sau khi ổn định chúng ta sẽ tăng tốc sau”, Thống đốc cho biết.

Mặc dù tăng lãi suất là điều khó tránh trong nỗ lực chống lạm phát của NHNN, song việc tăng lãi suất khiến doanh nghiệp lo lắng. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, gia công cơ khí tại quận Hoàng Mai cũng cho biết, trong khoản vay mới nhất phát sinh với ngân hàng, lãi suất doanh nghiệp của ông phải chịu đã tăng gần 2%/năm so với các khoản vay từ cuối năm trước.

“Thay vì mức lãi suất hơn 8%/năm như trước, khoản vay mới nhất doanh nghiệp tôi nhận được từ ngân hàng quen có lãi suất gần 10%/năm. Trong khi mọi điều kiện của khoản vay, tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn không hề thay đổi so với đầu năm”, vị giám đốc doanh nghiệp chia sẻ.

Theo khảo sát của VnBusiness, mặt bằng lãi suất cho vay nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong khoảng một tháng trở lại đây, đặc biệt là các khoản cho vay cá nhân và cho vay doanh nghiệp ngoài lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, các khoản vay cá nhân mua nhà, mua xe có lãi suất thả nổi hiện đã tăng xấp xỉ 1-1,5 điểm % so với đầu năm, phổ biến ở mức gần 10%/năm nếu vay tại nhóm ngân hàng quốc doanh và 12%/năm nếu vay tại nhóm ngân hàng tư nhân.

Với các khoản vay phục vụ mục đích kinh doanh, có tài sản đảm bảo, các ngân hàng hiện cũng chỉ chấp nhận giải ngân với mức lãi suất 8-10%/năm, cao hơn 1-2 điểm % so với cuối năm 2021.

Sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trước những tác động tiêu cực của tỷ giá và lãi suất tới doanh nghiệp, giới phân tích và các chuyên gia cho rằng, cần cảnh giác với nợ xấu, đồng thời nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect đề xuất đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp để góp phần ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Theo đó, gói cho vay cấp bù lãi suất 2%/năm này có quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng, dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh với khoảng 10 nhóm ngành chính được hỗ trợ. Tuy nhiên, theo NHNN, hiện gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được vài chục tỷ đồng, tương đương tỷ lệ rất nhỏ so với kế hoạch giải ngân trong năm nay.

“Cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay”, VNDirect nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc lại lộ trình áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ để doanh nghiệp phát hành có thể giảm bớt áp lực trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, NHNN có thể nới nhẹ room tín dụng thêm 1-2%. Việc “truyền máu” này tuy không nhiều, song có thể làm thị trường ấm nóng trở lại.

Tại họp báo Chính phủ thường Kỳ tháng 10, liên quan đến quan ngại về khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết trong quá trình điều hành NHNN luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho những lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.

Từ đầu năm nay, các lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng tín dụng tốt, góp phần tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, NHNN cũng có trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh giúp các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn thị trường.

Tất nhiên, bên cạnh sự chia sẻ của các ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng, rất cần sự vào cuộc mạnh hơn của chính sách tài khóa, khi dư địa chính sách tiền tệ hầu như không còn. Giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế... vẫn còn triển khai khá chậm.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/kho-can-da-di-len-cua-lai-suat-cho-vay-1088971.html