'Kho báu vàng trắng' khổng lồ của Mỹ, giá trị lớn không tưởng

Một mỏ lithium được phát hiện trong một miệng núi lửa dọc biên giới Nevada-Oregon (Mỹ) có thể chứa tới 40 triệu tấn kim loại hiếm – trữ lượng lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới và tác động lớn đến ngành công nghiệp xe điện.

Các nhà nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Science Advances rằng trữ lượng ẩn bên trong McDermitt Caldera ước tính chứa từ 20 triệu đến 40 triệu tấn, gần gấp đôi kỷ lục hiện tại là khoảng 23 triệu tấn được tìm thấy bên dưới một bãi muối Bolivian. Theo giá thị trường, mỏ lithium này có giá trị khoảng 1,5 nghìn tỷ USD.

Điều này cũng sẽ thúc đẩy đáng kể trữ lượng lithium tổng thể của Mỹ, vốn trước đây được ước tính chỉ khoảng 1 triệu tấn. Nhà địa chất người Bỉ Anouk Borst cho biết nếu ước tính này là đúng thì sự dư thừa đột ngột của lithium Mỹ - kim loại được các nhà sản xuất xe điện săn đón - có thể gây ra tác động toàn cầu.

Ông Borst nói với Chemistry World: “Nó có thể thay đổi động lực của lithium trên toàn cầu, về giá cả, an ninh nguồn cung và địa chính trị. Mỹ sẽ có nguồn cung lithium riêng và các ngành công nghiệp sẽ bớt lo lắng hơn về tình trạng thiếu nguồn cung”.

Các nhà sản xuất xe điện đã từng ước tính rằng nguồn cung “vàng trắng” sẽ thiếu hụt vào năm 2025, khi Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia Nam Mỹ đang cạnh tranh để tìm kiếm các mỏ lớn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Paul A. Jacobson, giám đốc tài chính của GM, nói với các nhà đầu tư vào giữa tháng 6 rằng họ “đã gặp rủi ro” khi không nhận đủ lithium, đồng thời giải thích rằng GM đã mua cổ phần trong hoạt động khai thác mỏ.

Cơn sốt mua vàng trắng cũng trở nên trầm trọng hơn bởi chương trình nghị sự về năng lượng sạch của Tổng thống Biden, trong đó kêu gọi xe điện chiếm khoảng 50% tổng số ô tô bán ra vào năm 2030. Chính quyền Mỹ đã thúc đẩy đầu tư 7,5 tỷ USD vào các trạm sạc xe điện trên toàn quốc.

Thomas Benson, nhà địa chất tại Tập đoàn Lithium Americas, người đồng nghiên cứu, hy vọng rằng việc khai thác có thể bắt đầu tại McDermitt Caldera vào năm 2026.

Các nhà nghiên cứu từ Tập đoàn Lithium Americas, GNS Science và Đại học Bang Oregon giải thích rằng các điều kiện đặc biệt của vụ nổ McDermitt Caldera cách đây 16 triệu năm đã tạo ra trạng thái lý tưởng cho các hạt giàu lithium hình thành.

Bản thân Nevada từng là điểm nóng về trữ lượng lithium, nhưng địa điểm này đã vấp phải sự phản đối, khi các nhà bảo tồn, người Mỹ bản địa và thậm chí cả NASA đang cố gắng ngăn chặn hoạt động khai thác trong khu vực.

Huy Nguyễn (Theo NYP)

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/34kho-bau-vang-trang34-khong-lo-cua-my-gia-tri-lon-khong-tuong-186518.html