Kho bạc Nhà nước Tiền Giang với công tác chuyển đổi số

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước Tiền Giang hướng tới mục tiêu xây dựng thành công Kho bạc số.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020, các hoạt động cải cách, hiện đại hóa của kho bạc đã được đẩy mạnh, toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt nghiệp vụ. Theo đó, KBNN đã cơ bản hoàn thành mục tiêu: “Các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và cơ bản hình thành kho bạc điện tử”. Đây là nền tảng vững chắc để tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống KBNN theo thông lệ quốc tế, xây dựng Kho bạc số trong tương lai.

MỘT SỐ KẾT QUẢ HIỆN ĐẠI HÓA CNTT TRONG HOẠT ĐỘNG NGHIỆP VỤ KBNN

Đến nay, KBNN đã cung cấp 100% thủ tục hành chính theo quy định của Nghị định 11/2020/NĐ-CP được thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% số đơn vị giao dịch theo quy định phải tham gia DVCTT; đồng thời cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động cho đơn vị giao dịch.

Năm 2022, KBNN đã hoàn thiện tính năng của chương trình DVCTT cho phép các đơn vị thuộc Bộ Công an có thể đăng ký sử dụng DVCTT với KBNN để lập/phê duyệt ủy nhiệm chi; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia; thí điểm cổng trao đổi dữ liệu qua Internet với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng thông qua văn bản ủy quyền điện tử của đơn vị cho KBNN nơi giao dịch. Hiện tại, KBNN đang thực hiện diện rộng vào đầu năm 2023 trên toàn quốc.

Dịch vụ công trực tuyến của KBNN.

Dịch vụ công trực tuyến của KBNN.

KBNN cũng hoàn thiện hệ thống quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), gọi tắt là hệ thống TCS, đáp ứng nhu cầu quản lý thu NSNN trực tiếp tại Kho bạc, cũng như tiếp nhận thông tin thu NSNN qua các ngân hàng, trao đổi thông tin thu NSNN với cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan. KBNN đã đẩy mạnh phối hợp thu NSNN qua ngân hàng nhằm tận dụng mạng lưới cũng như công nghệ thanh toán hiện đại của các ngân hàng, qua đó, cung cấp cho các đơn vị sử dụng ngân sách dịch vụ về thu ngân sách gần như không giới hạn cả về không gian và thời gian.

Chương trình quản lý thu ngân sách nhà nước (TCS).

Chương trình quản lý thu ngân sách nhà nước (TCS).

Năm 2022, thực hiện chủ trương của Bộ Tài chính, KBNN đã và đang mở rộng phối hợp thu NSNN thêm với các hệ thống ngân hàng thương mại mới.

Năm 2022 vừa qua, chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư đáp ứng yêu cầu về quản lý, kiểm soát chứng từ chi đầu tư qua KBNN (ĐTKB-GD) được hoàn thành triển khai toàn quốc. KBNN các tỉnh, thành đã bước đầu khai thác hiệu quả các chức năng của chương trình, giúp các đơn vị kiểm soát chi đầu tư một cách chặt chẽ, dữ liệu được chuẩn hóa, thống nhất giữa các hệ thống DVCTT, TABMIS, ĐTKB-GD và làm cơ sở cho việc tổng hợp báo cáo chi đầu tư theo thông tư 15/2021/TT-BTC ngày 18-2-2021 của Bộ Tài chính về Quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công.

Chương trình quản lý quản lý, kiểm soát chi đầu tư (ĐTKB-GD).

Chương trình quản lý quản lý, kiểm soát chi đầu tư (ĐTKB-GD).

Về lĩnh vực thanh toán, ngay từ năm 2014, KBNN đã hoàn thành triển khai toàn hệ thống KBNN kênh thanh toán điện tử song phương tập trung với 5 ngân hàng thương mại nhà nước lớn và thanh toán điện tử với Ngân hàng Nhà nước (theo mô hình phân tán đến từng tỉnh). Nhằm tiếp tục hiện đại hóa công tác thanh toán, quý IV-2022, KBNN triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng theo mô hình tập trung trên phạm vi toàn quốc.

Với yêu cầu cải tiến chất lượng dịch vụ Kho bạc, một trong những yêu cầu đặt ra là đơn vị giao dịch với Kho bạc được phục vụ tốt nhất, tiết kiệm thời gian, công sức nhất, hệ thống CNTT của KBNN cần cung cấp khả năng để các hệ thống phần mềm của đơn vị kết nối, trao đổi dữ liệu, giảm thiểu xử lý trùng lặp thông tin trên 2 phần mềm. Quý I-2022, KBNN đã ban hành chuẩn kết nối thông tin dữ liệu và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị sử dụng ngân sách với hệ thống CNTT của KBNN và xây dựng cổng kết nối làm cơ sở cho liên thông dữ liệu số mảng chi NSNN giữa đơn vị quan hệ ngân sách với KBNN.

Mô hình kết nối phần mềm các đơn vị với hệ thống DVCTT của KBNN.

Mô hình kết nối phần mềm các đơn vị với hệ thống DVCTT của KBNN.

Tính đến tháng 11-2022, có hơn 20.000 đơn vị sử dung ngân sách đã kết nối liên thông với hệ thống CNTT của KBNN. Điều này giúp cho việc từng bước khép kín quy trình đề nghị từ đơn vị sử dụng ngân sách, đến kiểm soát chi thanh toán qua các hệ thống của KBNN, cho đến việc chuyển khoản thanh toán tại hệ thống ngân hàng.

Trong điều kiện 100% số đơn vị khách hàng đã tham gia DVCTT, công tác thanh tra, kiểm tra của KBNN cần có sự thay đổi về cách thức thực hiện. Năm 2020, KBNN đã triển khai Phần mềm ứng dụng tiện ích tra cứu dữ liệu lưu trên hệ thống DVCTT phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Thông qua phần mềm tiện ích này, công chức thanh tra, kiểm tra tại KBNN và KBNN tỉnh, thành phố được phân quyền tra cứu dữ liệu trên hệ thống DVCTT phát hiện những vấn đề bất thường để có cảnh báo cho các đơn vị trong hệ thống KBNN hoặc lên kế hoạch để kiểm tra định kỳ, đột xuất. Năm 2022, Tiện ích tra cứu dữ liệu mở rộng phạm vi cho phép cán bộ thanh tra tra cứu dữ liệu chương trình ĐTKB-GD, đồng thời bổ sung nhiều tính năng tra cứu thông tin đa chiều, nhằm khai thác dữ liệu hiệu quả và đầy đủ phục vụ tốt hơn cho công tác thanh tra, kiểm tra.

Chương trình Tra cứu dữ liệu DVC phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Chương trình Tra cứu dữ liệu DVC phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Ngày 14-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong đó nêu rõ: Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật,....), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử. Điện toán đám mây là yếu tố vô cùng quan trọng bởi được coi là hạ tầng của hạ tầng CNTT, cho phép sử dụng tài nguyên một cách linh hoạt giữa các bài toán tùy theo thời điểm cao điểm khác nhau của mỗi hệ thống.

Công nghệ điện toán đám mây.

Công nghệ điện toán đám mây.

Có 2 kiểu hạ tầng trong hệ thống KBNN là nền tảng X86 và nền tảng Unix:

- Đối với hạ tầng Unix: Tại môi trường sản xuất ở 32 Cát Linh đã triển khai hạ tầng điện toán đám mây cho hệ thống máy chủ UNIX của một số ứng dụng như Dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý thu ngân sách nhà nước (TCS), hệ thống kế toán nội bộ...

- Đối với hạ tầng X86: Từ năm 2019 KBNN đã triển khai môi trường điện toán đám mây tại môi trường dự phòng Hòa Lạc cho các hệ thống: Hệ thống quản lý người dùng (AD), hệ thống trao đổi trực tuyến Lync, hệ thống thư điện tử nội bộ.

Trong năm 2022, KBNN đã trình Bộ Tài chính thẩm định dự án “Đầu tư hệ thống Intranet KBNN” trong đó có thuyết minh triển khai hạ tầng điện toán đám mây X86 tại môi trường sản xuất đối với các máy chủ trong hệ thống Intranet, là cơ sở để kết nối phục vụ toàn bộ hạ tầng các máy chủ X86 tại môi trường sản xuất vào hệ thống điện toán đám mây X86 chung môi trường sản xuất của KBNN.

Song song với việc nâng cấp, xây dựng các hệ thống, chương trình phần mềm ứng dụng, KBNN cũng chú trọng xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống an toàn CNTT KBNN theo chuẩn thông lệ quốc tế (tiêu chuẩn ISO27000) và chính sách an toàn thông tin; hoàn thành việc xây dựng môi trường dự phòng thảm họa cho các hệ thống CNTT. Từ đó, hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn thông tin, giúp cho các hệ thống ứng dụng CNTT ngành Tài chính nói chung và của KBNN nói riêng hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CNTT ĐỂ CHUYỂN ĐỔI SỐ, HOÀN THIỆN XÂY DỰNG KBNN SỐ

Trước diễn biến của cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều đến xã hội, kinh tế toàn cầu; khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, ngày 13-4-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, đặt ra mục tiêu và định hướng cải cách, hiện đại hóa KBNN trong giai đoạn sắp tới.

Chiến lược được xây dựng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; là một bộ phận của Chiến lược tài chính đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định 368/QĐ-TTg ngày 18-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan.

Trong đó quan điểm của chiến lược là: Phát triển hệ thống KBNN hiện đại, đóng vai trò là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công, góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới và tiếp thu, tiếp cận trình độ phát triển tiên tiến của khu vực và thế giới, dựa trên phương thức quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; lấy hiện đại CNTT là khâu đột phá; cải cách cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ là nền tảng; gắn hiện đại hóa các chức năng với đổi mới mô hình tổ chức của KBNN để tạo động lực phát triển KBNN đồng bộ, toàn diện.

Với các quan điểm trên, mục tiêu tổng quát đặt ra là “Xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ NSNN, ngân quỹ nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho NSNN; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu khác của ngành Tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.

HUỲNH PHÚC LUÂN -TA

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202312/kho-bac-nha-nuoc-tien-giang-voi-cong-tac-chuyen-doi-so-997498/