Khinh khí cầu khơi mào mối lo cho Mỹ từ công nghệ do thám Trung Quốc

Liên kết quân sự của các nhà cung cấp thiết bị công nghệ cao nằm trong danh sách đen đang thúc đẩy mối quan tâm của Washington về mối đe dọa do thám.

Sau khi bắn hạ khí cầu Trung Quốc trên Đại Tây Dương, quân đội Mỹ đang tích cực trục vớt các mảnh vỡ nhằm phục vụ nghiên cứu. Dấu hiệu từ Washington cho thấy các thiết bị công nghệ cao có thể vạch ra mối đe dọa gián điệp mới từ Trung Quốc, theo Wall Street Journal.

Ngày 10/2, Bộ Thương mại Mỹ đã nêu tên 6 thực thể Trung Quốc được cho là có liên quan đến khinh khí cầu nghi là do thám của Bắc Kinh. Cơ quan này cáo buộc những doanh nghiệp có liên quan đến việc thu thập thông tin tình báo của quân đội Trung Quốc.

Các doanh nghiệp trên kéo dài danh sách công ty bị Mỹ ngăn chặn tiếp cận công nghệ cao. Chính phủ Mỹ tin rằng Trung Quốc có thể sử dụng những công nghệ này để gây tổn hại cho lợi ích nước Mỹ.

Trong khi đó, các nhà chức trách Mỹ đang tiếp tục xem xét một vật thể bị bắn hạ hôm 10/2 tại không phận Alaska theo lệnh của Tổng thống Joe Biden.

Chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn chưa bình luận và chưa trả lời câu hỏi về các biện pháp trừng phạt mới hoặc về vật thể bay. Trước đó, Trung Quốc khẳng định khinh khí cầu là "dân sự" và mang mục đích nghiên cứu.

 Các đặc vụ FBI xử lý mảnh vỡ của khinh khí cầu bị bắn hạ ngoài khơi Nam Carolina. Ảnh: Reuters.

Các đặc vụ FBI xử lý mảnh vỡ của khinh khí cầu bị bắn hạ ngoài khơi Nam Carolina. Ảnh: Reuters.

Lo ngại về công nghệ tân tiến

Khinh khí cầu giám sát có lịch sử lâu đời trong hoạt động tình báo. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt cho thấy Mỹ lo ngại khí cầu có liên quan đến công nghệ giám sát mới của Trung Quốc.

Các nhà sản xuất bị đưa vào danh sách đen bao gồm công ty thiết kế khinh khí cầu để bay cao hơn nhiều so với máy bay và một công ty nắm giữ bằng sáng chế điều khiển thiết bị bay bằng vệ tinh và trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp chuyên môn về trang bị cánh quạt cho thiết bị bay không người lái và một nhà sản xuất cảm biến điện tử cho tàu vũ trụ.

Trên trang web chính thức, một số công ty tự nhận là nhà cung cấp cho quân đội Trung Quốc. Các công ty này cho biết không sản xuất các bộ phận khinh khí cầu.

Hải quân Mỹ đã dành 1 tuần để trục vớt những thiết bị đi kèm khinh khí cầu của Trung Quốc, như pin mặt trời, antenna và thiết bị điện tử.

 Các binh sĩ Mỹ thu gom mảnh vỡ khinh khí cầu trên biển. Ảnh: Reuters.

Các binh sĩ Mỹ thu gom mảnh vỡ khinh khí cầu trên biển. Ảnh: Reuters.

Lầu Năm Góc gần đây cáo buộc rằng quân đội Trung Quốc đã triển khai một loạt khinh khí cầu tầm cao cho một chương trình giám sát trên không. Việc nêu tên công khai các doanh nghiệp sản xuất bộ phận cho khí cầu là bằng chứng mới nhất.

Bắc Kinh tuyên bố khinh khí cầu chỉ là thiết bị dân sự “chủ yếu phục vụ ngành khí tượng”, đi lạc so với lộ trình ban đầu và cho rằng Mỹ đã phản ứng thái quá.

Việc phát hiện ra khí cầu làm tăng thêm sự căng thẳng cho mối quan hệ vốn gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó làm nổi bật lên khía cạnh quân sự trong cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vụ việc khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến thăm Bắc Kinh. Cả hai bên đều coi chuyến thăm này là cơ hội để giải quyết những vấn đề song phương.

Biện pháp hạn chế công nghệ

Có thể vẫn còn nhiều công ty cung cấp bộ phận cho khinh khí cầu nhưng chưa bị đưa vào danh sách đen. Sự phức tạp của khí cầu ở độ cao lớn đòi hỏi một loạt thiết bị tinh vi, từ vật liệu bóng bay chứa heli cho đến thiết bị quang học và định vị.

“Chúng tôi có hàng trăm nhà cung cấp để đưa khí cầu vào thực địa”, Ryan M. Hartman, giám đốc điều hành của World View Enterprises, cho biết. Công ty World View Enterprises giúp khách hàng, bao gồm các công ty dầu mỏ và Bộ Quốc phòng Mỹ, đưa khí cầu đến tầng bình lưu.

Ông Hartman cho biết chi phí cho thiết bị hình ảnh và hệ thống năng lượng mặt trời trên khí cầu có thể tiêu tốn hàng triệu USD. Những bộ phận dùng một lần như khí heli có thể khiến mỗi chuyến bay mất hàng trăm nghìn USD.

Các công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen vì cáo buộc có liên quan đến khí cầu bao gồm Viện nghiên cứu 48 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, các công ty Công nghệ hàng không vũ trụ Nam Giang Bắc Kinh, Công nghệ Viễn thám Dongguan Lingkong, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Eagles Men, Công nghệ Hàng không Tian-Hai-Xiang Quảng Châu, và Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Shanxi Eagles Men.

Nỗ lực của Bộ Thương mại Mỹ nhằm làm chậm bước tiến công nghệ của Trung Quốc.

 Những phần còn lại của khinh khí cầu được trục vớt. Ảnh: Reuters.

Những phần còn lại của khinh khí cầu được trục vớt. Ảnh: Reuters.

Cục Công nghiệp và An ninh đã mở rộng cáo buộc đối với các công ty sản xuất bộ phận cho khí cầu. Cơ quan này cho rằng các thực thể có liên kết với chương trình hàng không vũ trụ của quân đội Trung Quốc, bao gồm tàu bay, khí cầu và các vật liệu, thành phần liên quan.

Cục không cho biết những thành phần nào có thể có nguồn gốc từ Mỹ. Khoảng 600 thực thể Trung Quốc đã phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei và công ty camera giám sát Hikvision.

Chính quyền Mỹ cũng thực hiện nhiều biện pháp khác để hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc vào công nghệ phương Tây. Vào năm ngoái, Mỹ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Động thái nghi vấn

Trang web, quảng cáo, báo cáo của các công ty và danh sách mua sắm quân sự của Trung Quốc cho thấy mỗi công ty được Mỹ nêu tên hôm 10/2 đều sản xuất thiết bị chuyên dụng có vai trò trong ngành công nghiệp khí cầu.

Vào năm 2015, công ty Nam Giang Bắc Kinh đã phát triển khinh khí cầu đầu tiên của Trung Quốc có thể bay lên độ cao “cận không gian” của máy bay phản lực, theo tờ Science and Technology Daily.

Theo báo cáo, khinh khí cầu chạy bằng năng lượng mặt trời đã bay lên độ cao gần 20 km từ một bệ phóng tại Nội Mông. Khí cầu khiến Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ, nước dẫn đầu toàn cầu về hoạt động cận không gian.

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Eagles Men đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho nhiều loại thiết bị bay không người lái và thiết bị bay ở nhiều tầm cao khác nhau. Ngoài ra, tập đoàn còn sở hữu công nghệ trạm điều khiển mặt đất hỗ trợ video và vật liệu chịu được điều kiện khí quyển.

 Các đặc vụ FBI thu gom bằng chứng từ khí cầu. Ảnh: Reuters.

Các đặc vụ FBI thu gom bằng chứng từ khí cầu. Ảnh: Reuters.

Eagles Men phát triển các thuật toán, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, để kết nối liên lạc vệ tinh với các thiết bị bay không người lái trong khí quyển, bao gồm cả khinh khí cầu.

Hồ sơ công khai cho thấy Eagles Men có liên hệ với công ty Công nghệ Viễn thám Dongguan Lingkong, thậm chí là cùng một chủ đầu tư. Trong một vụ việc, hai công ty đã chuyển giao bằng sáng chế về cấu trúc sợi carbon trong khí cầu tầng bình lưu.

Hồ sơ bằng sáng chế cho thấy công ty Công nghệ Hàng không Tian-Hai-Xiang Quảng Châu đã phát triển một phương tiện sử dụng cánh quạt, giống máy bay không người lái, để cất cánh và hạ cánh.

Viện nghiên cứu 48 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam, do chính phủ Trung Quốc điều hành. Trang web và quảng cáo cho thấy viện nghiên cứu chế tạo pin mặt trời, pin lithium, chất bán dẫn và cảm biến cho cả mục đích dân sự và quân sự. Ngoài ra, viện còn cung cấp thiết bị cho các chương trình không gian của Trung Quốc.

Tuấn Đạt

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khinh-khi-cau-khoi-mao-moi-lo-cho-my-tu-cong-nghe-do-tham-trung-quoc-post1401196.html