Khinh hạm lớp Constellation là bước chuyển mình của Hải quân Mỹ

Từ việc chỉ tập trung vào các chiến hạm cỡ lớn, khinh hạm lớp Constellation của Hải quân Mỹ được xem là bước đột phá quan trọng trong tối ưu hóa khả năng chiến đấu.

Ngày 20/4 năm nay, Hải quân Mỹ đã ký một hợp đồng chưa từng có tiền lệ, khi chọn nhà thầu Fincantieri Marinette Marine, Italy, để đóng mới khinh hạm tàng hình lớp Constellation, trong chương trình tàu hộ vệ tên lửa dẫn đường thế hệ mới FFG (X).

Khinh hạm tàng hình lớp Constellation được thiết kế dựa trên tàu hộ vệ tên lửa đa nhiệm của châu Âu (FREMM). Hợp đồng trị giá 795 triệu USD, Fincantieri sẽ chịu trách nhiệm thiết kế chi tiết và đóng mới tàu đầu tiên được đặt tên USS Constellation (FFG-62), cùng tùy chọn thêm 9 tàu nữa.

Đồ họa thiết kế của khinh hạm lớp Constellation. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Các chuyên gia quân sự cho biết chi phí hoàn thiện tàu đầu tiên với hệ thống cảm biến và vũ khí, cũng như các bộ phận khác có thể tốn khoảng 1,2 tỷ USD.

Hải quân Mỹ kỳ vọng đơn giá mỗi tàu sẽ giảm xuống khoảng 781 triệu USD khi đi vào sản xuất hàng loạt. Lực lượng này dự kiến đặt hàng khoảng 20 tàu, có thể nhiều hơn.

Sức mạnh của Constellation

Theo Naval Technology, khinh hạm lớp Constellation dài 151 m, rộng 19,8 m, mớn nước 7 m, lượng choán nước toàn tải 7.500 tấn, thủy thủ đoàn khoảng 200 người.

FFG-62 sẽ được trang bị radar giám sát đường không thế hệ mới AN/SPY-6 (EASR), hệ thống phóng thẳng đứng Mk41, hệ thống chiến đấu tối tân Aegis Baseline 10 (BL 10).

Nhiều khả năng khinh hạm lớp Constellation sẽ được trang bị pháo MK 110, 57mm, tương tự loại pháo đang sử dụng trên tàu chiến ven biển (LCS). Một số nhà phân tích cho rằng pháo 57 mm chưa xứng tầm với chiến hạm có lượng choán nước hơn 7.000 tấn.

Lớp Constellation có năng lực tác chiến chống hạm vượt trội so với LCS đang vấp phải nhiều chỉ trích. Tàu sẽ được trang bị 16 tên lửa chống hạm NSM, tầm bắn hơn 180 km - một sản phẩm hợp tác giữa Kongsberg, Na Uy, và Raytheon của Mỹ, cùng các vũ khí phòng không và chống ngầm.

FFG-62 sẽ sử dụng hệ thống động lực kết hợp diesel - điện và tuabin khí (CODLAG). Hệ thống động lực trên tàu có thể tạo ra năng lượng với công suất 12 MW, cho phép tích hợp các vũ khí năng lượng định hướng trong tương lai.

Hệ thống động lực mạnh mẽ cho phép tàu đạt tốc độ tối đa khoảng 26 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 6.000 hải lý với tốc độ kinh tế 16 hải lý/giờ. Đuôi tàu có nhà chứa và sàn đáp cho trực thăng MH-60R.

Lớp Constellation được thiết kế với khả năng đa nhiệm. Nó có thể đảm nhận phòng không, tác chiến chống tàu mặt nước, chống ngầm và tác chiến điện tử. FFG-62 có thể tác chiến độc lập hoặc phối hợp trong biên đội tàu.

Sửa sai cho chương trình LCS

Kể từ khi ngưng chương trình tàu hộ vệ tên lửa lớp Oliver Hazard Perry, Hải quân Mỹ chỉ tập trung vào chương trình tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke và nâng cấp tuần dương hạm lớp Ticonderoga.

Ở thời điểm Mỹ quyết định dừng chương trình tàu hộ vệ tên lửa, Liên Xô đã tan rã, nước Nga mới còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Trung Quốc lúc đó vẫn chưa đủ khả năng để thách thức uy quyền của Hải quân Mỹ.

Chương trình tàu chiến ven biển được xem là thất bại của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Hải quân Mỹ theo đuổi các chiến hạm cỡ lớn với sức mạnh tấn công và phòng thủ toàn diện, thậm chí cả phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga là những cỗ máy chiến tranh hải quân đáng sợ nhất thế giới.

Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc và Nga, những chiến hạm cỡ lớn của Mỹ, dù đầy uy lực không đủ để dàn trải trên nhiều mặt trận cùng lúc. Hải quân Mỹ là lực lượng toàn cầu, quy mô 293 tàu hiện tại là quá mỏng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Những năm 1990, Hải quân Mỹ khởi động chương trình tàu chiến ven biển (LCS), nhằm chế tạo loại tàu chiến có thể tác chiến ở những vùng nước nông ven biển, một sự bổ sung cho những chiến hạm cỡ lớn.

Tuy nhiên, LCS đã cho thấy là chương trình không thực sự hiệu quả, không muốn nói là thất bại.

Chương trình gặp quá nhiều vấn đề kỹ thuật, năng lực kém, hỏa lực yếu. Loại tàu chiến với lượng choán nước 3.400 tấn với lớp Freedom, 3.000 tấn với lớp Independence, nhưng không có khả năng chống hạm và chống ngầm, cùng với năng lực phòng không rất hạn chế.

Gần đây, một số tàu lớp Independence mới được bổ sung tên lửa chống hạm NSM. Việc Hải quân Mỹ thúc đẩy chương trình FFG (X) ngay khi chương trình LCS đang diễn ra được xem là một sự thừa nhận thất bại đối với LCS.

Tờ USNI từng bình luận: “Theo nhiều cách, thiết kế FFG (X) vượt xa những gì mà LCS có thể làm, đặc biệt là tác chiến mặt nước”. Nói cách khác, FFG (X) có cùng nhiệm vụ tương tự LCS, nhưng mạnh mẽ hơn.

Khinh hạm FREMM trong biên chế Hải quân Pháp. Ảnh: Naval Group.

Gần đây, Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite nói rằng muốn thúc đẩy chương trình tàu chiến chung giữa các đồng minh NATO, tương tự chương trình F-35, nhằm tăng tương tác và giảm chi phí.

Ông cho biết việc chọn khinh hạm FREMM của châu Âu là nền tảng cho FFG (X) một phần vì mong muốn này. Khinh hạm FREMM đã chứng minh được hiệu quả cao trong hải quân Italy, Pháp, Morocco và Ai Cập. Các nước sử dụng chiến hạm này đều là đồng minh thân cận của Mỹ.

Ngoài ra, việc lấy một chương trình sẵn có làm nền tảng sẽ giúp Mỹ giảm được rủi ro trong phát triển, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là tăng tốc độ đóng mới. Hải quân Mỹ đang có tham vọng tăng quy mô hạm đội lên 500 tàu, so với 293 tàu hiện tại.

Việc có đối tác quốc tế tham gia chương trình FFG (X) có thể mở rộng quy mô các cơ sở công nghiệp cho mục đích đóng tàu, giúp giảm khoảng cách về năng lực đóng tàu của Mỹ so với Trung Quốc - quốc gia có tốc độ đóng mới tàu chiến nhanh nhất thế giới.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cũng đã nói về mong muốn tăng cường đóng mới khinh hạm lớp Constellation tại cơ cở đóng tàu của Marinette Marine ở bang Wisconsin. USS Constellation dự kiến khởi đóng vào năm 2022, đưa vào hoạt động từ năm 2026.

“Chúng ta sẽ cần 2-4 khinh hạm được đóng mới mỗi năm để đạt được con số như mong muốn. Tôi hy vọng cơ sở này có thể đóng 2 hoặc 3 trong số chúng”, cố vấn O'Brien nói khi ông đến thăm nhà máy này.

Giới phân tích cho rằng khi khinh hạm lớp Constellation đi vào trực chiến, Hải quân Mỹ sẽ sở hữu một trong những chiến hạm hàng đầu thế giới, để đối phó hiệu quả với hạm đội tàu chiến Trung Quốc, giúp các chiến hạm cỡ lớn tập trung vào những nhiệm vụ cao cấp hơn.

Hải quân Mỹ công bố video tập trận trên Biển Đông Các hoạt động tập trận của nhóm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông xuất hiện trong video mừng quốc khánh do Hải quân Mỹ công bố ngày 4/7.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khinh-ham-lop-constellation-la-buoc-chuyen-minh-cua-hai-quan-my-post1147977.html