Khích lệ sinh viên sáng tạo, khởi nghiệp

Để sinh viên sau khi ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng thích ứng với công việc, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khích lệ tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của sinh viên.

Thầy trò Trường đại học Lạc Hồng kiểm tra các thiết bị, vận hành của xe AGV trước khi bàn giao cho doanh nghiệp. Ảnh: H.DUNG

Thầy trò Trường đại học Lạc Hồng kiểm tra các thiết bị, vận hành của xe AGV trước khi bàn giao cho doanh nghiệp. Ảnh: H.DUNG

Nhờ đó, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nhiều sinh viên đã chế tạo thành công các sản phẩm công nghệ mang tính ứng dụng cao, cho giá trị lớn. Hồ sơ xin việc của những sinh viên này cũng có những điểm sáng khiến doanh nghiệp (DN) khó có thể bỏ qua.

Robot vận chuyển hàng hóa hữu dụng

Từ năm 2011 đến nay, nhóm nghiên cứu gồm các giảng viên, sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng đã chuyển giao gần 70 sản phẩm trị giá hơn 10 tỷ đồng cho hơn 20 DN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa Cơ điện - điện tử của trường đã nhận được 5 đơn đặt hàng của 3 DN. Sau khi nhận đơn đặt hàng, cả thầy và trò cùng bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, hoàn chỉnh sản phẩm. Mới đây nhất, xe tự động vận chuyển hàng hóa (AGV) đã được thầy trò Trường đại học Lạc Hồng chuyển giao cho một DN Nhật Bản chuyên sản xuất nhôm ở Đồng Nai.

Giá thành của một chiếc xe AGV khoảng 400 triệu đồng. Xe có thể chở tối đa 300kg hàng hóa. Bình điện của xe có thể chạy liên tục trong 1,5 ngày.

Sinh viên Dương Văn Khánh cho biết, xe AGV là phương tiện vận chuyển hàng hóa không người lái, sử dụng công nghệ dẫn đường hiện đại để di chuyển từ điểm này đến điểm khác. Đường dẫn ở đây là các đường dẫn hướng, dây dẫn, laser. Hoạt động của xe được quản lý bởi hệ thống camera, cảm biến, nam châm gắn trên xe và thông qua hệ thống máy tính điều khiển từ xa.

“Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết xe AGV đã được ứng dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, cho hiệu quả, năng suất cao; không chỉ được sử dụng trong các DN mà còn được sử dụng trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, logistics… Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều DN ứng dụng xe này do gặp phải một số rào cản về giá thành, sự đồng bộ máy móc” - Văn Khánh nói.

Xác định những lợi ích mà xe AGV mang lại cho DN như giảm nhân công, tăng năng suất, hạn chế rủi ro, nhóm sinh viên đã mày mò, nghiên cứu, phác thảo bản vẽ, chế tạo. Với sự hỗ trợ của các giảng viên về kỹ thuật điện, cơ khí, nhóm sinh viên đã gia công, lắp ráp các bộ phận để hoàn thành sản phẩm.

Sinh viên Triệu Chòi Lụa chia sẻ, sau mỗi lần thực hiện thành công một sản phẩm nào đó, Lụa và các sinh viên khác lại như được tiếp thêm sức mạnh bởi những kiến thức đã học được ứng dụng vào thực tế.

Chòi Lụa tâm sự: “Chính sự khích lệ, hướng dẫn của các giảng viên giúp chúng tôi có thêm niềm tin và động lực để nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm. Tham gia nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo giúp tôi rèn luyện được tính kỷ luật của bản thân, tuân thủ các nội quy 3S, 5S của DN. Đặc biệt, những hoạt động này giúp chúng tôi tăng khả năng làm việc nhóm, có thêm các kỹ năng đặc thù của nghề nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng có cái nhìn tổng thể, xuyên suốt quy trình thực hiện một dự án từ khi nảy ra ý tưởng cho đến khi cài đặt máy móc chạy thành công trong DN”.

Tương lai rộng mở

Tháng 4 vừa qua, 2 sinh viên Hồ Nhựt Khánh và Lê Việt Hòa, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Trường Lialama 2, huyện Long Thành) đã chính thức có mặt tại thị trấn Beilngries, thuộc bang Bavaria, Liên bang Đức để bắt đầu làm việc cho một DN với tư cách là kỹ thuật viên cắt gọt kim loại (vận hành thiết bị công nghệ CNC).

Trước khi vào học tại Trường Lilama 2, Lê Việt Hòa chỉ biết đến những công nghệ đơn giản như phay, tiện. Đến khi vào học, được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các giảng viên, Hòa biết thêm nhiều kỹ thuật tiên tiến hơn, có thể tự viết chương trình và chạy sản phẩm theo yêu cầu của bản vẽ chi tiết. Sinh viên được đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức nên tính kỷ luật rất cao, kỹ năng nghề, vận hành máy thành thạo, trình độ ngoại ngữ được nâng lên.

Hồ Nhựt Khánh cho biết: “Tôi chưa từng nghĩ đi học nghề sẽ có cơ hội sang Đức làm việc cho đến khi gặp được các giảng viên, chuyên gia của nhà trường và nước Cộng hòa liên bang Đức. Sự khích lệ của các giảng viên, chuyên gia giúp chúng tôi phát huy được khả năng sáng tạo của bản thân. Tôi mong muốn sẽ phát triển kỹ năng nghề của mình tại Đức”.

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Lialama 2, nhấn mạnh mục tiêu đào tạo của nhà trường là đưa ra thị trường lao động những công dân toàn cầu. Sinh viên sau khi tốt nghiệp tại trường có thể làm việc ở nhiều nước trên thế giới với kỹ năng nghề điêu luyện, ngoại ngữ giỏi. Vì vậy, nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ hiện đại.

Tiến sĩ Phạm Văn Toản, Trưởng khoa Cơ điện - điện tử, Trường đại học Lạc Hồng, cho biết khoa hiện có 1,1 ngàn sinh viên theo học 4 chuyên ngành cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ ô tô, điện - điện tử. Thời gian qua, có rất nhiều sinh viên từ năm nhất đến năm cuối tham gia thực hiện các dự án do các DN đặt hàng. Các em tham gia vào nhiều khâu khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Qua đó, kích thích tinh thần say mê nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên để đến khi ra trường, vào làm việc tại các DN sinh viên không bỡ ngỡ.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/khich-le-sinh-vien-sang-tao-khoi-nghiep-9343677/