Khi quan hệ đồng minh rạn nứt

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa chính thức tuyên bố, Washington sẽ ngừng cung cấp đạn pháo và các loại vũ khí khác cho Israel nếu Tel Aviv tấn công khu vực Rafah đông đúc ở miền Nam Gaza. 'Tối hậu thư' này được đánh giá là sẽ tạo ra bước ngoặt thay đổi và gây ra vết rạn nứt lớn nhất trong mối quan hệ đồng minh giữa hai nước kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza ngày 7/10/2023.

Một quyết định không dễ dàng

Quyết định trên được đưa ra sau nhiều cuộc điện đàm giữa người đứng đầu Nhà Trắng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt đầu từ giữa tháng 2. Trong các cuộc điện đàm, ông đã thúc giục Thủ tướng Israel xem xét lại kế hoạch tấn công TP Rafah, nơi vốn là tuyến đường quan trọng cho viện trợ nhân đạo và cũng là nơi hơn 1 triệu người dân Palestine đang tránh trú tạm thời kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza ngày 7/10/2023.

Theo các quan chức Mỹ, các cuộc gặp trực tuyến và trực tiếp giữa các quan chức an ninh quốc gia Mỹ hàng đầu và người đồng cấp Israel đều nhằm mục đích gửi đi cùng một thông điệp: Có nhiều cách khác để truy lùng Hamas mà không cần đưa quân vào Rafah. Ở nhiều cấp độ, Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ đã cảnh báo ông Benjamin Netanyahu rằng sẽ không để Israel dùng vũ khí Mỹ trong cuộc tấn công lớn vào Rafah.

Ngày 9/5, các quan chức Nhà Trắng cho biết đó là thông điệp mà Nhà Trắng tin rằng, Chính phủ Israel đã hiểu rõ. Tuy nhiên, công khai những cảnh báo này là một bước đi mà Tổng thống Mỹ từ lâu muốn tránh. Cảnh báo công khai sẽ tạo ra bước ngoặt thay đổi và gây ra vết rạn nứt lớn nhất trong quan hệ hai nước kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Israel - Hamas. Ngay cả dưới áp lực từ những người cấp tiến trong đảng Dân chủ, Tổng thống Joe Biden vẫn cẩn thận để tránh rạn nứt công khai với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Trong suốt cuộc xung đột ở Gaza, ông đã nhiều lần khẳng định rằng, sự ủng hộ của ông dành cho Israel là không hề lay chuyển. “Cho dù cuộc chiến Israel - Hamas diễn ra theo chiều hướng nào, Mỹ sẽ vẫn là đồng minh vững chắc nhất của Israel chừng nào tôi còn là tổng thống”, ông tuyên bố.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel xuống TP Rafah, Dải Gaza ngày 7/5.

Mặc dù vậy, ông cũng nhiều lần cảnh báo với Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng: Nếu Israel không đi đúng hướng, Mỹ sẽ xem xét lại cách hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột. Và khi nhận thấy những lời cảnh báo của mình không được chú ý, ông đã thay đổi hướng đi. Để chứng minh đó không phải là những lời “cảnh báo suông”, hồi tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh tạm dừng cung cấp cho Israel lô vũ khí gồm 1.800 quả bom loại 2.000lb (907kg) và 1.700 quả bom 500lb (226kg) mà các quan chức chính quyền Mỹ lo ngại Nhà nước Do Thái sẽ thả xuống Rafah. Và trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN hôm 8/5 (giờ địa phương), người đứng đầu Nhà Trắng đã nói rõ với thế giới những gì ông nói riêng với Thủ tướng Israel rằng: “Nếu họ tiến vào Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí…”. Ngoài bom, Tổng thống Joe Biden cũng nói với CNN rằng, Mỹ có thể hoãn chuyển cả pháo trong trường hợp Rafah bị tấn công. Mặc dù có kích thước nhỏ hơn bom nhưng Mỹ coi pháo là vũ khí có thể gây thiệt hại nguy hiểm ở các khu vực thành thị.

Theo các trợ lý của Tổng thống Joe Biden, thông điệp này sẽ không gây ngạc nhiên cho Israel. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nhấn mạnh: “Tôi có thể đảm bảo rằng, những quan ngại cũng như tuyên bố trực tiếp và thẳng thắn mà Tổng thống đưa ra trong cuộc phỏng vấn đó là nhất quán với những gì ông đã nói với Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức Israel”. Theo ông, Chính phủ Israel từ lâu đã hiểu rằng tấn công Rafah sẽ ảnh hưởng tới tương lai của số vũ khí mà Mỹ định chuyển cho Israel. Người phát ngôn John Kirby cũng dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, chiến dịch quân sự quy mô lớn của Israel tại Rafah sẽ không thúc đẩy mục tiêu đánh bại phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza. Theo đó, Hamas đã bị Israel gây áp lực lớn và hiện có nhiều biện pháp tốt hơn để truy lùng tàn dư của giới lãnh đạo phong trào này, thay vì một chiến dịch có rủi ro cao đối với dân thường. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: “Lập luận cho rằng, bằng cách nào đó, chúng tôi đang rời xa Israel hoặc không sẵn lòng giúp họ đánh bại Hamas là không phù hợp với thực tế”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đồng tình với quan điểm này và tuyên bố, chiến dịch quân sự lớn ở Rafah sẽ làm suy yếu vị thế của Israel trong những cuộc đàm phán giải thoát con tin với Hamas. Ông nhấn mạnh, Washington tiếp tục phối hợp với Israel liên quan đến các nội dung sửa đổi đối với đề xuất ngừng bắn do Hamas đưa ra, đồng thời cho biết các bên đang từng bước hoàn thiện văn bản của một thỏa thuận, song quá trình này vấp phải “muôn vàn khó khăn”.

Về phía Israel, dù biết hay không biết về quan điểm của Tổng thống Joe Biden nhưng các quan chức nước này đều phản ứng sốc trước thông báo công khai của người đứng đầu Nhà Trắng. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố: “Nếu cần đứng một mình, chúng tôi sẽ đứng một mình. Tôi đã nói rằng, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ chiến đấu hết sức”. Các quan chức Israel cũng tìm cách làm giảm nhẹ tác động của “tối hậu thư” trên. Người phát ngôn của Quân đội Israel, ông Daniel Hagari, cho biết Israel đã có sẵn vũ khí cần thiết cho các nhiệm vụ mà nước này đang lên kế hoạch.

Bề nổi của tảng băng chìm

Dù Tổng thống Joe Biden đã ra “tối hậu thư” cảnh báo ngừng cung cấp đạn pháo và các loại vũ khí khác cho Israel nếu nước này tấn công Rafah, nhưng trước đó Washington đã chuyển giao cho Tel Aviv lượng vũ khí lớn bất thường, theo New York Times. Tính từ thời điểm ngày 7/10/2023 khi nổ ra cuộc xung đột, Mỹ được cho là đã chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí sang Israel. Tuy nhiên, hầu hết số vũ khí này nằm trong thỏa thuận giữa hai nước được Quốc hội và Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt từ lâu. Song, theo chuyên gia quân sự Bradley Bowman tại Quỹ Quốc phòng và Dân chủ có trụ sở ở Washington, điều Mỹ đã làm ngay lập tức đó là chuyển giao cho Israel số lượng vũ khí lớn bất thường. New York Times dẫn một báo cáo từ Quỹ Quốc phòng và Dân chủ, việc chuyển giao này diễn ra dồn dập đến mức một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận, có những lúc Bộ Quốc phòng chật vật mới tìm đủ máy bay vận tải để giao hàng. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tá Pete Nguyen cho biết, số vũ khí Mỹ chuyển giao cho Israel gần đây bao gồm cả những loại đầu đạn dẫn đường chính xác, đạn pháo, thiết bị y tế và nhiều hạng mục trang thiết bị quan trọng. Theo ông, tính từ đầu cuộc chiến tới nay, Mỹ đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ an ninh cho Israel.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp và giới truyền thông Mỹ đã lên tiếng chỉ trích việc Chính phủ Mỹ không cung cấp đầy đủ thông tin của những đợt chuyển giao vũ khí nói trên. Cho đến nay, Lầu Năm Góc mới chỉ đưa ra hai bản thông cáo báo chí vào ngày 9/12/2023 và 29/12/2023 liên quan đến việc phê chuẩn khẩn cấp việc bán vũ khí cho Israel trong khi lại thường xuyên cập nhật chi tiết số khí tài chuyển giao cho Ukraine. Cụ thể, số vũ khí Mỹ chuyển cho Israel từ ngày 7-29/10/2023 bao gồm 52.229 viên đạn pháo M795 155mm, 30.000 viên đạn pháo M4 dành cho các loại lựu pháo và 4.792 viên đạn pháo M107 155mm cùng 13.981 viên đạn chống tăng M830A1 120mm. Về mặt pháp lý, Bộ Ngoại giao Mỹ có quyền không công khai chi tiết một số thương vụ mua vũ khí Mỹ của Israel kể từ ngày 7/10/2023 do số tiền trong mỗi thương vụ thấp hơn so với ngưỡng được quy định phải công bố chi tiết.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/khi-quan-he-dong-minh-ran-nut-i730857/