Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Có một 'điểm chạm' trong cảm xúc 'về nguồn' của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một 'mốc son lịch sử' gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

1. Dù đã 75 năm qua đi nhưng câu chuyện về ngôi trường chỉ mở và đào tạo được một khóa trong thời gian ngắn (3 tháng) vẫn luôn được thế hệ làm báo kể lại với nhiều câu chuyện thú vị. Những ngày đầu tháng 4 năm 1949, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, ngôi trường tranh tre nứa lá mang tên “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng” đã chính thức khai giảng và trở thành cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ra đời trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp.

Ban Giám đốc trường do Tổng bộ Việt Minh trực tiếp chỉ định. Giám đốc là nhà báo Đỗ Đức Dục, Phó Giám đốc là nhà báo Xuân Thủy, ủy viên là các nhà báo: Như Phong, Đồ Phồn, Tú Mỡ. Nhiều nhà hoạt động cách mạng đồng thời là nhà báo nổi tiếng đã tham gia giảng dạy, như các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Như Phong, Từ Giấy, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Hải, Trần Đình Thọ, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…

Bất chợt, chúng tôi lại nhớ về những học viên đã may mắn được gắn tên mình với những câu chuyện lịch sử đẹp đẽ nơi đây. Nhà báo Lý Thị Trung - khi tham gia lớp học thời điểm đó bà mới ở độ đôi mươi, đầy nhiệt huyết và khát vọng. Những đồng môn của bà là những người làm báo như nhà báo Trần Kiên, Hiền Nam - Báo Độc lập; Ngô Tùng - Báo Lao động; Mai Hồ - Báo Quân du kích; Nông Việt Liêm - Báo Độc lập ở Cao Bằng; Mai Thanh Hải - Báo Cứu quốc…

Bà kể rằng, lớp học chỉ trong 3 tháng từ khai mạc tháng 4/1949 thì đến tháng 7/1949 đã bế mạc. Lớp học, theo kể lại của bà Trung thì đó không chỉ là dạy viết một bài báo mà còn là tổng hợp gồm cả phát hành, in ấn, thậm chí có cả những buổi giảng về an toàn thực phẩm, về thơ, về họa, cả những buổi tập huấn bắn súng... Bà Trung còn tâm sự rằng, việc trang bị cho một người làm báo đa năng, toàn bích để có thể hiểu về mọi mặt của đời sống xã hội, để khi đặt bút viết về bất cứ lĩnh vực gì thì đều có những am hiểu căn bản, nền tảng... có lẽ là sự độc đáo hiếm có trong hoàn cảnh đói khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thời ấy.

Nhớ về kỉ niệm của những ngày đi học ấy, bà Trung đọc lại bài thơ bà viết trong dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường cho chúng tôi nghe: “Nhớ khi xưa đến lớp/Chỉ một dao quăng thôi/Từ Lục Ba – Bờ Rạ/ Mãi chiều mới tới nơi”. Bà nghẹn ngào bảo, cứ mỗi lần nhắc đến ngôi trường cũ, lòng bà lại chộn rộn vì tuổi đã cao, sức đã yếu: “Nhiều thầy cô khuất núi/ Lòng học sinh bồi hồi/Nhiều bạn bè vắng mặt/Nhìn ảnh nhớ từng người”...

Học viên Lý Thị Trung và các học viên nam Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Báo chí

2. Chúng tôi đứng trên mảnh đất Bờ Rạ lịch sử bên công trình tôn tạo, tu bổ Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng lòng trào dâng niềm vui và tự hào vô hạn. Với mong muốn tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của Di tích, Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo lập dự án tu bổ, tôn tạo và chỉ ít thời gian nữa, một diện mạo mới tương xứng với tầm vóc của Di tích lịch sử cấp Quốc gia sẽ hiện hữu ở nơi đây, một dấu ấn ý nghĩa mà những người làm báo cả nước đang hồi hộp đón chờ.

Tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều về Di tích này, nhà báo Phan Hữu Minh – Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Công trình này nằm gần khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Tân Thái, huyện Đại Từ, nơi đây sẽ hội tụ đầy đủ điều kiện để trưng bày, giới thiệu về nền báo chí kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc, các cơ quan báo chí, như: Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng Nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam… đều ra đời và phát triển tại đây.

Đây có thể coi là Trung tâm báo chí của vùng Việt Bắc, sau này nơi đây sẽ là nơi đón tiếp các nhà báo cả nước đến tìm hiểu về nền báo chí kháng chiến. Hiện tại các hạng mục được xây dựng theo đúng tiến độ, có 3 đơn nguyên, gồm nhà Tổng bộ Việt Minh, nhà của giáo viên và các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thời điểm đó. Các công trình có kiến trúc theo dạng miền núi, các vật liệu như tre, lá cọ, nhà sàn,… sử dụng các vật liệu bền lâu. Công trình kỳ vọng sẽ hoàn thành đúng dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Quan trọng nhất, theo nhà báo Phan Hữu Minh, đây cũng sẽ là nơi khôi phục, tái hiện lại các lớp dạy học ngắn ngày cho giới báo chí và để giáo dục lan tỏa tư tưởng của Bác về báo chí cách mạng, tư cách nhà báo cách mạng…

3. Trở về ngôi trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng với chúng tôi cũng như là được trở về nguồn, nhớ về Bác Hồ kính yêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư động viên, dạy bảo, hướng dẫn nghiệp vụ làm báo cách mạng cho các học viên, trong thư có đoạn viết: “…Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”.

Đầu năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam khởi công công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Sơn Hải

Tiếp thu lời dạy của Người, 42 học viên hầu hết là cán bộ, phóng viên báo chí đang công tác trong các cơ quan báo chí đến từ khắp mọi miền đất nước, sau khi tốt nghiệp đều trở thành các nhà báo, nhà hoạt động văn hóa văn nghệ trụ cột của nước nhà. Những kỳ vọng của Bác Hồ với lớp dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng rất lớn lao cũng đồng nghĩa việc Bác tin tưởng giao phó “sứ mệnh” và trách nhiệm cho những người làm báo trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Niềm tin tưởng ấy vẫn tiếp tục được lan tỏa, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến hôm nay, nối tiếp hành trình cống hiến của người làm báo cách mạng.

Có thể nói, khí phách thời đại được hội tụ trong tinh thần “Tất cả để chiến thắng”. Không chỉ là chuyện “học và hành”, mà còn như nhà báo Đỗ Đức Dục – Giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã tuyên bố: “Buổi lễ bế mạc này cũng là buổi xuất phát cho trung đội 42 chiến sĩ xông ra mặt trận đọ bút với quân thù!”… vẫn mãi còn ý nghĩa đến hôm nay.

Tâm thế làm báo của 75 năm về trước mang hơi thở, khí thế của thời đại “đọ bút với quân thù” thì hôm nay tinh thần ấy chính là sự quyết liệt, bản lĩnh trên mặt trận thông tin tuyên truyền. Đó sẽ là tinh thần của nhà báo – chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, là khí phách “vượt qua chính mình” trên tinh thần lao động nghiêm túc, cẩn trọng trong nghề, là sự gìn giữ đạo đức, không ngừng đổi mới, phụng sự Nhân dân... Những lời căn dặn của Bác vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, trở thành động lực, niềm tin và bài học cho những người làm báo hôm nay.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khi-phach-75-nam-va-loi-hieu-trieu-cho-the-he-lam-bao-thoi-dai-moi-post292184.html