Khi nhà khoa học, nhà quản lý đồng hành với nhà nông

Với mục đích cập nhật tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ 'Nhịp cầu nhà nông' luân phiên tại các huyện.

Ngày 24/4, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cho các nông hộ, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã trên địa bàn huyện Ba Vì; cùng đội ngũ cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.

Quang cảnh diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông tại huyện Ba Vì. Ảnh: Ánh Ngọc

Nắm chắc kỹ thuật phòng bệnh để tránh rủi ro

Đã nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt nhưng ông Đỗ Văn Sim, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì chưa khi nào bớt nỗi lo với ao nuôi cá rô phi của gia đình mỗi mùa Hè. "Vào thời điểm mùa Hè, nhất là những ngày nắng nóng, có hiện tượng cá chết, tôi rất loay hoay không biết phòng ngừa, điều trị như thế nào để hạn chế tối đa thiết hại. Tham dự diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông", tôi đã biết cách phòng bệnh hiệu quả cho cá. Đó là đảm bảo môi trường ao nuôi ổn định và nguồn nước sạch, thường xuyên thay nước kết hợp quạt oxy để loại bỏ độc tố và dùng chế phẩm vi sinh để khôi phục lợi khuẩn trong ao; bổ sung vitamin C vào thức ăn nhằm nâng sức đề kháng cho cá” – ông Sim chia sẻ.

Ban cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành giải đáp, tư vấn cho nhà nông. Ảnh: Ánh Ngọc

Hộ bà Nguyễn Thị Thái, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì đang canh tác 7 sào bưởi. Gần đây, vườn bưởi bị vàng lá non, cây bị chột, còi cọc, thiếu sức sống so với trước. Băn khoăn của bà Thái đã được TS Cao Văn Chí – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư) giải đáp, nguyên nhân là sau đợt mưa hoặc nắng nóng kéo dài, bộ rễ tơ của cây có múi bị tổn thương, bị nghẹn rễ. Sau đó bị nấm bệnh, tuyến trùng, nhóm rệp sáp hại rễ tấn công làm cho bộ rễ tơ của cây bị thối, hỏng, không hút được nước và dinh dưỡng dẫn đến cây bị vàng lá, thối rễ. Vì vậy nông dân cần phun thuốc trừ nấm bệnh và rệp sáp hại rễ, tiếp đó tưới phân kích dễ và bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh và phân NPK tổng hợp hàng tháng thì sẽ khắc phục được hiện tượng nêu trên.

Theo khuyến nghị các chuyên gia, trong sản xuất nông nghiệp, phòng bệnh là quan trọng nhất, vừa hiệu quả vừa giảm được chi phí. Đối với bảo vệ thực vật, nông dân cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng nồng độ). Cùng với đó, kết hợp thường xuyên thăm vườn, thăm đồng, phát hiện sâu bệnh hại sớm, phòng trừ hiệu quả.

Về tổ chức chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn, các chuyên gia khuyến cáo chủ trang trại, gia trại cần chú trọng vệ sinh chuồng trại, khử trùng môi trường, mua giống tại địa chỉ an toàn dịch bệnh và nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh.

Nhà khoa học, nhà quản lý đồng hành với nhà nông

Báo cáo của UBND huyện Ba Vì cho thấy, hiện trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, giá trị ổn định... Cụ thể, vùng trồng lúa chất lượng cao hơn 2.000ha tại các xã Sơn Đà, Tản Hồng, Phú Cường, Chu Minh, Tiên Phong... ; vùng đồi gò, miền núi gồm các xã: Ba Vì, Tản Lĩnh, Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại... phát triển mạnh chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đà điểu, lợn, gà và trồng hoa, cây cảnh, trồng và chế biến cây thuốc nam; vùng ven sông gồm các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Phong Vân, Phú Đông, Phú Cường phát triển mạnh về nuôi trồng thủy sản.

Tại diễn đàn, Ban cố vấn đã giúp nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã hiểu rõ và nắm bắt chính sách của Nhà nước, thành phố về phát triển nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phổ biến, hướng dẫn tiếp cận các chính sách nêu tại Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội; Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 – 2025.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân

Ba Vì được thành phố quy hoạch là vùng sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, huyện Ba Vì phấn đấu đến năm 2025 giá trị canh tác đạt 220 triệu đồng/ha, thu nhập của người dân nông thôn đạt 72 triệu đồng/người/năm. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện tiếp tục hỗ trợ để nông dân tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với những sản phẩm thế mạnh.

Cùng với đó, Ba Vì khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả bền vững theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, hàng năm huyện phối hợp với các đơn vị ngành nông nghiệp mở nhiều lớp tập huấn, tổ chức diễn đàn, tọa đàm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức về tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường cho người dân.

Nuôi thủy sản tại xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật. Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố với sự tham gia của Ban cố vấn là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi - thú y, thủy sản, trồng trọt - bảo vệ thực vật.

Diễn đàn là cơ hội để nhà nông, chủ trang trại trao đổi thông tin với nhà khoa học về những kiến thức khoa học về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…; kiến nghị tới nhà quản lý giải đáp những vướng mắc trong sản xuất của nông dân, các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp. Qua đó, tạo thuận lợi giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cũng như tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khi-nha-khoa-hoc-nha-quan-ly-dong-hanh-voi-nha-nong.html