Khi người trẻ yêu lịch sử

Với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, giờ đây, những trang sử hào hùng của dân tộc được người trẻ Thái Nguyên chủ động tìm hiểu và tiếp cận theo những cách thức mới, thú vị hơn.

Thanh niên Thái Nguyên đi xem bộ phim "Đào, Phở và Piano".

Đầu năm nay, sức hút từ bộ phim "Đào, Phở và Piano" đã tạo nên một "hiện tượng" trong giới trẻ. Ngay sau đó đã có rất nhiều bài nhận xét phim tại các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội thu hút được nhiều người quan tâm. TP. Thái Nguyên cũng không nằm ngoài sức "nóng" của bộ phim, Rạp chiếu phim Beta Thái Nguyên đã phải liên tục tăng suất chiếu để đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Bạn Nguyễn Hương Quỳnh, lớp Y khoa K53, Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, chia sẻ: Từ lâu em vẫn rất thích những bộ phim lịch sử Việt Nam được đầu tư bài bản từ kịch bản, thông điệp đến diễn xuất của diễn viên. Từ những bài viết review phim trên mạng xã hội Facebook, Tiktok, em đã rất háo hức để săn ngay vé để xem bộ phim này. Câu chuyện của bộ phim “Đào, phở và piano” tái hiện không khí trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 trong trận chiến bảo vệ Hà Nội. Thời kỳ lửa đạn ấy vẫn cháy lên sự khao khát tình yêu đôi lứa, cuộc sống của những con người Hà Nội xưa. Qua những thước phim này, em thấy những bài học lịch sử ngoài sách vở. Những chi tiết trong phim làm người xem nhớ rất lâu, tạo hiệu ứng tốt, và cũng là cách để mỗi người Việt Nam nâng cao tự tôn, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Fanpage Di tích Nhà tù Hòa Lò cũng là một trong những hiện tượng truyền thông nổi lên trên mạng xã hội thời gian qua. Ngoài mục tiêu tiếp cận khách tham quan tiềm năng là những người trẻ, đội ngũ sáng tạo nội dung fanpage đã khai thác và truyền tải một cách thú vị các nội dung lịch sử, qua việc gợi nhớ về những di tích và tinh thần kiên trung bất khuất của các chiến sĩ cách mang. Những nội dung về lịch sử được trình bày đa dạng, được "trẻ hóa" từ những kiến thức hàn lâm và nhận về lượng tương tác rất lớn của các bạn trẻ.

Bạn Trần Thị Thu Trang, một sinh viên quê Thái Nguyên đang học Trường Đại học Thương Mại Hà Nội, chia sẻ: Khi xem những bài đăng trên fanpage của Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ngoài biết thêm nhiều chi tiết lịch sử thú vị, em còn muốn được đến tận nơi để trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử...

Đoàn Thanh niên xã Văn Hán (Đồng Hỷ) số hóa Di tích lịch sử đình Thịnh Đức. Ảnh tư liệu

Những "cơn sốt" kể trên cho thấy rất nhiều người trẻ không thờ ơ với lịch sử nước nhà. Ngược lại, họ rất quan tâm và thích tìm hiểu về cội nguồn dân tộc. Và họ tiếp cận lịch sử theo cách riêng.

"Lang thang" trên những trang fanpage với hàng trăm nghìn lượt người theo dõi như: Hội những người thích tìm hiểu lịch sử, Hội yêu lịch sử, Lịch sử Việt Nam, Hội yêu lịch sử Việt Nam, Văn minh sử quán... có thể thấy rất nhiều người trẻ quan tâm và chia sẻ những kiến thức về lịch sử, văn hóa đất nước.

Bạn Nông Văn Hưng, lớp Sử K55, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, chia sẻ: Qua mạng xã hội, những kiến thức lịch sử được truyền tải rất thú vị, nhiều chi tiết, mà các bài học lịch sử ở trường, lớp không hoặc ít đề cập đến. Cách tiếp cận này tạo cho mình nhiều cảm hứng và càng ý thức hơn việc ghi nhớ, biết ơn những thế hệ đi trước.

Để công tác giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng không “lỗi nhịp” thì tổ chức Đoàn, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng đã thay đổi tư duy, tận dụng lợi thế của công nghệ, nền tảng số để truyền đạt lịch sử, truyền thống dân tộc đến với thế hệ trẻ. Trên các nền tảng mạng xã hội, tổ chức Đoàn thường xuyên tổ chức các cuộc thi trực tuyến để thu hút thanh, thiếu nhi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ…

Hình ảnh cuộc thi trực tuyến "Võ Nhai quê hương tôi".

Anh Dương Bảo Khánh, Phó Bí thư Huyện đoàn Võ Nhai, cho hay: Để lan tỏa những giá trị lịch sử của địa phương, Huyện đoàn Võ Nhai đã phối hợp tổ chức cuộc thi trực tuyến “Võ Nhai quê hương tôi” tháng 3-2024. Cuộc thi nhằm tìm hiểu về truyền thống cách mạng của Đảng bộ, chính quyền huyện Võ Nhai qua các thời kỳ, tìm hiểu về tổ chức Đoàn; Đoàn, Hội qua các kỳ đại hội. Sau 4 tuần triển khai, Cuộc thi đã nhận được 13.000 lượt người quan tâm theo dõi thông qua Facebook.

Cùng với các phương tiện truyền thông khác, có thể nói, mạng xã hội là một trong những công cụ đắc lực để khơi gợi niềm yêu thích lịch sử, văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng thời tác động mạnh và góp phần cổ vũ, nâng cao ý thức cho mỗi thanh niên về vai trò, trách nhiệm của mình trong đấu tranh chống lại sự xuyên tạc của các thế lực thù địch; trong học tập, lao động và xây dựng quê hương, đất nước.

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 300 nghìn đoàn viên, thanh niên thì trên 97% tham gia các mạng xã hội như Facebook, Zalo Tiktok… Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thái Nguyên có 16 đơn vị đoàn cấp huyện và tương đương, 427 cơ sở đoàn. 100% đơn vị này đều có fanpage riêng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202405/khi-nguoi-tre-yeulich-su-4870242/