Khi người trẻ cất lên tiếng nói về rác thải thực phẩm

Khác với các dự án tiền nhiệm về tái chế rác thải thực phẩm, dự án 'Reduce Your Foodprint' (RYF) được bốn sinh viên TP. HCM ấp ủ và cho ra đời với mong muốn mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ về bảo vệ môi trường. Đó là nơi người trẻ được thực hành trải nghiệm và cất lên tiếng nói về vấn đề rác thải thực phẩm.

Không chỉ cung cấp kiến thức về môi trường

RYF là một dự án cung cấp kiến thức cho sinh viên đại học nhằm nâng cao nhận thức về tác động của chất thải thực phẩm đến môi trường. Từ đó, thúc đẩy người trẻ lên kế hoạch cho bữa ăn hợp lý và chế biến thực phẩm thừa hiệu quả nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm.

Du Hoàng Anh (trường ĐH Ngoại thương, CS2) - Trưởng nhóm dự án, chia sẻ về lý do bắt đầu: “Rác thải thực phẩm không chỉ là vấn đề về môi trường mà còn liên quan đến vấn đề nhân đạo. Bởi vì ở nhiều nơi trên thế giới vẫn đang đối mặt với nạn đói. Đây còn là vấn đề mà người trẻ có thể chung tay giảm thiểu bằng những hành động nhỏ hằng ngày”.

Bốn thành viên nhóm dự án “Reduce Your Foodprint”. (Ảnh: NVCC)

Bốn thành viên nhóm dự án “Reduce Your Foodprint”. (Ảnh: NVCC)

Đến với RYF, người tham gia được trải nghiệm 3 hoạt động chính. Vào buổi sáng ngày 1/8/2023, người tham gia được lắng nghe phương pháp chế biến và giảm thiểu rác thải thực phẩm ở mô hình thực tiễn của doanh nghiệp Pizza 4P.

Buổi chiều cùng ngày là thời gian trải nghiệm thực địa tại vườn cộng đồng The Green Dots. Tại đây, các bạn trẻ được các chuyên gia chia sẻ về các phương pháp phân rác hữu cơ, được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” các sản phẩm được sản xuất trong hệ sinh thái hoàn toàn khép kín hay thực hành phương pháp BOKASHI (phương pháp ủ phân xanh).

Gần 50 người trẻ từ 16 - 25 ở đa dạng tỉnh thành, cùng tham gia chương trình Reduce Your Foodprint. (Ảnh: NVCC)

Gần 50 người trẻ từ 16 - 25 ở đa dạng tỉnh thành, cùng tham gia chương trình Reduce Your Foodprint. (Ảnh: NVCC)

Cuối buổi, tất cả các bạn trẻ tham gia sẽ cùng tranh biện về những rác thải thực phẩm. Đây là cơ hội để người tham gia được thảo luận sâu về nhiều vấn đề ngoài trường học như phân biệt giữa “thất thoát” và “lãng phí” trong hệ thống thực phẩm, những thách thức của lãng phí thực phẩm ở cả nông thôn và thành thị...

Đăng ký tham gia chương trình từ rất sớm, Nguyên Hân (trường ĐH Cần Thơ) chia sẻ: “Các cuộc tranh biện của RYF đã giúp mình hiểu rõ hơn về tác động từ hành vi của người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng lên thách thức lãng phí thực phẩm. Ngoài ra, mình cũng được rèn luyện tư duy phản biện và khả năng giao tiếp và có thêm những người bạn cùng những kiến thức mới. Đây là điều khiến mình cảm thấy rất mới mẻ”.

Bạn trẻ lần đầu trải nghiệm các phương pháp thực hành mới tại The Green Dots. (Ảnh: NVCC)

Bạn trẻ lần đầu trải nghiệm các phương pháp thực hành mới tại The Green Dots. (Ảnh: NVCC)

Theo Kiều Thị Hà Thanh (trường ĐH Fulbright Vietnam) – thành viên dự án, việc xây dựng mô hình tranh biện giúp người tham gia vận dụng các kiến thức đã được học trong một ngày, từ đó nói lên quan điểm, giải pháp của bản thân về các vấn đề môi trường xung quanh. “Không quan trọng đúng sai, mục đích của tranh biện sau cùng trong RYF vẫn là kết nối người trẻ lại với nhau, truyền động lực cho các bạn để cùng bắt tay vào giải quyết các vấn đề môi trường”, Hà Thanh nhấn mạnh.

Sau chương trình, người tham gia thực hiện một chuỗi hoạt động 7 ngày phản chiếu (Reflection) tại nhà, như kiểm đếm số lượng rác thải thực phẩm dùng trong sinh hoạt hằng ngày; lập kế hoạch bữa ăn hợp lý; tái chế biến đồ ăn thừa...

Nói về thành công của chương trình, Hoàng Anh không giấu được niềm vui: “RYF đã có những tác động tích cực đến người tham gia giảm thiểu rác thải thực phẩm tại gia, học hỏi lẫn nhau. Và hơn một nửa cam kết hành động sau khi chương trình kết thúc”.

1 dự án - 4 thành viên - 2 tháng chuẩn bị

Là Á quân 2 bước ra từ chương trình ‘ASEAN Social Impact Program 2023’ (ASIP) và nhận được khoản tài trợ 1.000 USD nên những thách thức đối với các thành viên dự án cũng có phần lớn hơn cả. Thực tế, từ một nhóm 9 người ban đầu là “The 8th Wonder” đến lúc khi chương trình ASIP kết thúc, chỉ có 4 thành viên tiếp tục trụ lại với dự án “Reduce Your Footprint”.

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, Phạm Phú Sĩ (trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM) – thành viên dự án vẫn chưa tin được chương trình đã hoàn thành chỉ với 4 thành viên và 2 cộng tác viên trong chưa đầy 3 tháng.

Không khí tranh luận giữa các đội vô cùng sôi nổi. (Ảnh: NVCC)

Không khí tranh luận giữa các đội vô cùng sôi nổi. (Ảnh: NVCC)

Phú Sĩ chia sẻ: “Bọn mình phải đối diện với hàng loạt thách thức lớn khi khối lượng công việc quá nhiều tỷ lệ nghịch so với số lượng nhân sự hiện có lẫn số năm kinh nghiệm chạy sự kiện của các thành viên. Hơn nữa, vì thời gian gấp rút nên nhiều lời mời hợp tác bị từ chối và trễ hẹn, kinh phí tài trợ có hạn dẫn đến nhiều thứ chưa thể hoàn thành như mong đợi. Cuối cùng, vấn đề không thể tránh khỏi là áp lực của từng thành viên để hoàn thành mục tiêu chung”.

Nhưng bù lại, với Phú Sĩ hay Hoàng Anh, những thách thức ấy lại là một trải nghiệm tuyệt vời mà cả nhóm gọi đó là một “phép thử”, phép thử để biết mình là ai, đi xa đến đâu và mạnh mẽ, tự tin hơn mình nghĩ như thế nào. “Nhờ vậy, chúng mình rút ra được nhiều bài học về niềm tin, sự điềm tĩnh và tính quyết đoán trong quá trình chạy Reduce Your Foodprint”, cả nhóm đúc kết.

Dự án giúp người trẻ được thực hành trải nghiệm và cất lên tiếng nói về vấn đề rác thải thực phẩm. (Ảnh: NVCC)

Dự án giúp người trẻ được thực hành trải nghiệm và cất lên tiếng nói về vấn đề rác thải thực phẩm. (Ảnh: NVCC)

Võ Hoàng Bảo Ngân (trường ĐH Fulbright Vietnam) – thành viên dự án "bật mí" mong muốn nếu chương trình có thêm bước tiến, cả nhóm có thể cùng nhau tạo ra một nền tảng hoặc những sự kiện có tính tương tác, trải nghiệm cao cho người tham gia trong tương lai.

Trong khi đó, là thành viên có xuất thân từ khối ngành Kỹ thuật Xây dựng, Phú Sĩ cho rằng, việc tham gia vào các chương trình về môi trường đã giúp anh nhận ra sự tác động của các ngành kỹ thuật, sản xuất, công nghiệp nặng đối với không gian sống hiện nay là vô cùng lớn. Từ đó, đòi hỏi thêm nhiều sự quan tâm, cũng như cam kết về các hoạt động của doanh nghiệp đối với các tiêu chí phát triển bền vững và đời sống xã hội. Phú Sĩ cũng hy vọng: “Mong rằng sẽ có ngày càng nhiều các hoạt động, cuộc thi học thuật về môi trường được tổ chức ngay trong các trường khối ngành Kỹ thuật để từ đó ươm mầm lên nhiều lớp kỹ sư vừa yêu nghề, vừa quan tâm tới sự phát triển của một xã hội xanh, sạch đẹp và bền vững trong tương lai”.

Khánh Linh - Bình Minh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/khi-nguoi-tre-cat-len-tieng-noi-ve-rac-thai-thuc-pham-post1563972.tpo