Khi người lái đò hóa thân thành nghệ sỹ

Biểu diễn trong chương trình nghệ thuật độc đáo của đêm khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023 sắp tới sẽ có sự tham gia của hơn 300 người lái đò ở Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Những người lái đò bến thuyền Tràng An tích cực tập luyện cùng biên đạo múa.

Hơn 50 tuổi, gắn bó với công việc chèo thuyền tại bến Tràng An đã hơn chục năm, với cô Trần Thị Khuyến, đây là công việc không chỉ để mưu sinh mà còn là sự gắn bó, tình yêu và niềm tự hào. Nhiều ngày nay, cũng như hơn 300 người chèo đò khác, cô Khuyến được lựa chọn để tham gia tập luyện biểu diễn cho đêm nghệ thuật trong lễ khai mạc FestivalNinh Bình - Tràng An lần thứ IIsắp tới.

Tạm gác lại công việc chèo đò, đồng nghĩa với không có thu nhập trong những ngày luyện tập, nhưng với cô Khuyến, cảm xúc vẫn rất vui vẻ, thêm chút hồi hộp khi nghĩ tới lần đầu tiên được đứng trên sân khấu lớn, biểu diễn trước hàng nghìn khán giả.

Vẫn là chiếc nón lá- dụng cụ quen thuộc của người lao động nhưng hôm nay, với cô Khuyến, chiếc nón lá trở thành bạn diễn đặc biệt trong những động tác múa mềm mại, uyển chuyển. "Đây là lần đầu tiên tôi tập múa. Những ngày mới tập, chân tay còn lóng ngóng, vụng về lắm. Nhưng được sự động viên của biên đạo và quan trọng hơn cả, xác định rõ đây là cơ hội để được góp phần quảng bá di sản của quê hương mình đến với đông đảo du khách thì chúng tôi càng thêm chăm chỉ, tập trung để hoàn thành tốt phần bài tập. Đây cũng là cách để mình trả nghĩa nơi đã mang lại cơm ăn, áo mặc cho gia đình"- cô Khuyến vui vẻ nói.

Tiết trời mùa đông nhưng những ngày này ánh nắng vẫn rực rỡ. Tranh thủ thời tiết tuyệt đẹp này, các diễn viên không chuyên tập luyện rất hăng say. Tràng An vì vậy thêm nhộn nhịp, tươi vui. Chị Phạm Thị Dinh, hơn 40 tuổi cũng cố gắng sắp xếp việc nhà để tham gia tập luyện cùng đội. Tranh thủ phút giải lao, chị Dinh tâm sự về nghề: vui nhất đối với những người chèo đò như chúng tôi là lúc nào cũng đông khách để không lo thất nghiệp.

Khách đông thì mới có nhiều chuyến, mới có thêm thu nhập chăm lo cho gia đình. Với nghề lái đò, vào mùa lễ hội đông khách lắm thì mỗi ngày một người cũng chèo được từ 4-5 chuyến. Thời điểm ít khách, không có việc, người lái đò chẳng có thu nhập trong khi ở nhà còn trăm thứ phải lo… Tôi cũng như nhiều người lái đò khác, đều rất mong muốn được góp phần quảng bá di sản để có thêm nhiều du khách được biết và đến với quê hương mình. Có như vậy, người lái đò mới có thêm hi vọng về một cuộc sống ổn định từ công việc lái đò.

Bến thuyền Tràng An hiện có trên 2.000 người làm nghề chở khách du lịch, người lái đó ở độ tuổi từ 40-60. Trước đây, làm nghề lái đò chủ yếu là lứa tuổi từ 50 trở lên, vì người trẻ đi làm ở các khu công nghiệp để có công việc ổn định hơn. Những năm gần đây, lực lượng chèo đò đã trẻ hóa, nhiều người trẻ chọn nghề lái đò vì thu nhập được cải thiện nhiều. Tình yêu với miền di sản vì thế càng thêm sắt son, gắn bó. Vì vậy, khi được lựa chọn, trưng tập để tập luyện văn nghệ chuẩn bị cho đêm khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II ai cũng hào hứng, phấn khởi, sẵn sàng tạm gác công việc chở đò để đi tập luyện.

Là người giàu kinh nghiệm và có nhiều ý tưởng nghệ thuật độc đáo, NSUT Hoàng Thanh được tin tưởng, giao nhiệm vụ biên đạo múa cho Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An năm 2023. NSƯT Hoàng Thanh cho biết: để có buổi biểu diễn thành công, ấn tượng, chúng tôi đã nỗ lực tập luyện từ nhiều ngày nay. Trên nền sân khấu thực cảnh, những diễn viên đặc biệt này sẽ kể câu chuyện về cuộc sống - lao động - sinh hoạt, về tình yêu, về trách nhiệm với di sản; về mối gắn kết giữa con người với thiên nhiên trong bề dày trầm tích văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư, nay là Di sản Tràng An.

Mặc dù những người lái đò được lựa chọn biểu diễn trong đêm khai mạc chưa một lần được lên sân khấu lớn, nhưng tôi tin rằng họ sẽ tỏa sáng trong chương trình nghệ thuật-nơi hội tụ rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp bởi chính sự hồn hậu, tự nhiên và vẻ đẹp rạng ngời của người lao động; nét đẹp, lòng mến khách và cốt cách của người dân Cố đô. Đây cũng là cách hiệu quả nhất để lan tỏa văn hóa cộng đồng - yếu tố cốt lõi trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Tràng An.

Tỏ ra rất thích thú khi được chứng kiến buổi tập luyện của những người lái đò, chú Tạ Văn Bình (đang sinh sống ở Nam Định) cho biết: Tôi là con em quê hương Ninh Bình nhưng sinh sống và làm việc ở Nam Định từ ngày còn trẻ. Khi về hưu, tôi thường dành thời gian để đi thăm quan, tìm hiểu về những địa danh, những di tích văn hóa, lịch sử của chính quê hương mình.

Tôi sẽ cố gắng sắp xếp công việc để được về lại Ninh Bình, thưởng thức đêm khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An sắp tới. Không chỉ là những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, đằng sau đó còn là những câu chuyện văn hóa ở nhiều nơi trên đất nước mình. Tôi chờ đợi để được khám phá những điều thú vị ấy.

Đêm khai mạc Festival Ninh Bình-Tràng An năm 2023 có chủ đề "Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa". Đây là một sự kiện văn hóa rất đáng được chờ đợi. Chương trình sẽ quy tụ đầy đủ các sắc màu văn hóa ở nhiều vùng, miền theo dặm dài đất nước. Mỗi địa phương sẽ có một cách để kể câu chuyện về tinh hoa văn hóa của quê hương mình thông qua những tiết mục nghệ thuật đặc sắc nhất.

Cũng theo NSƯT Hoàng Thanh, âm nhạc của show diễn được chắt lọc. Nghệ thuật múa đương đại được khai thác tối đa dựa trên chất liệu văn hóa dân gian cùng với các thủ pháp dàn dựng độc đáo như: tạo hình 200 chiếc thuyền nối dài chạy uốn quanh trên khúc sông Sào Khê, những màn khinh công chạy trên nước, vẽ thư pháp bằng nghệ thuật múa… Hi vọng rằng đêm khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023 sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.

Đào Hằng - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khi-nguoi-lai-do-hoa-than-thanh-nghe-sy/d20231215105624589.htm