Khi nào virus gây u nhú ở người có thể tiến triển ung thư?

Nhiễm virus HPV làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư ở các vị trí như cổ tử cung, âm đạo, ống hậu môn hay hốc miệng.

Bị nhiễm HPV có nguy cơ mắc bệnh ung thư không?

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Mọi người có thể bị nhiễm HPV (virus gây u nhú ở người) nếu miệng hoặc bộ phận sinh dục chạm vào miệng hoặc bộ phận sinh dục của người bị nhiễm bệnh.

Hầu hết người bị nhiễm HPV ở bộ phận sinh dục hoặc miệng và cổ họng không diễn tiến thành ung thư mà có thể tự khỏi. Tuy nhiên, rất khó để biết người nào sẽ bị ung thư sau khi nhiễm virus này.

Bị nhiễm HPV làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như:

- Ung thư cổ tử cung hoặc ung thư âm đạo ở phụ nữ và ung thư dương vật ở nam giới nếu nhiễm HPV trong bộ phận sinh dục. Ngoài ra, bệnh có thể gây mụn cóc sinh dục ở phụ nữ và nam giới.

- Ung thư ống hậu môn ở cả 2 giới nếu nhiễm trùng HPV quanh hậu môn.

- Ung thư hốc miệng và ung thư vùng hầu ở cả 2 giới khi nhiễm HPV trong miệng và cổ họng.

Những vấn đề này thường xảy ra nhiều năm sau khi một người bị nhiễm bệnh lần đầu. Vì vậy, thuốc chủng ngừa HPV là phương pháp để cố gắng ngăn ngừa nhiễm bệnh ngay từ đầu.

Người dân được khuyến cáo chủng ngừa HPV ở độ tuổi 11 hoặc 12, nhưng vẫn có thể tiêm ngừa bất cứ lúc nào trong khoảng 9-26 tuổi. Phụ nữ không nên chủng ngừa nếu đang mang thai. Lưu ý, vaccine HPV hoạt động tốt nhất nếu được tiêm ngừa trước khi bị nhiễm HPV và nên tiêm trước khi quan hệ tình dục lần đầu tiên.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-nao-virus-gay-u-nhu-o-nguoi-co-the-tien-trien-ung-thu-post1411687.html