Khi nào Việt Nam có bước đột phá đầu tư vào R&D?

Một thực trạng đáng lo ngại là mức đầu tư của Việt Nam vào nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn còn rất thấp, dù cho gần đây có những tín hiệu đáng khích lệ từ khối FDI trong việc này. Để có bước đột phá, cải thiện đầu tư vào R&D trong năm 2024 đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải thay đổi nhận thức, khâu chính sách nên sát sườn hơn và rất cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (khi đây là một thách thức lớn).

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 được công bố vào trung tuần tháng 1/2024 rất đáng để lưu tâm khi cho thấy mức đầu tư vào R&D so với GDP của Hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm.

Càng “dè sẻn” càng bất lợi

Như trong năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thấp hơn cả xếp hạng của năm 2021.

Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hỗ trợ các trung tâm R&D.

Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như: Thái Lan: 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2,2% (tăng 3 hạng), Malaysia: 1%.

Từ dữ liệu nêu trên, cũng cần nhắc thêm khuyến cáo gần đây của chuyên gia kinh tế quốc tế Jonathan Pincus thuộc Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đó là trong khi chi phí R&D được xem như một trong những thước đo quan trọng để đánh giá khả năng tăng năng suất bằng việc đổi mới công nghệ thì điều đáng lo ngại là chi phí cho R&D ở Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng một nửa Thái Lan, Malaysia.

Như vậy có thể thấy mức chi cho hoạt động R&D ở Việt Nam là rất “dè sẻn”. Và điều này sẽ càng tạo thêm bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam trong việc cạnh tranh ngay trên “sân nhà” và trên thị trường xuất khẩu.

Cho nên, theo ông Pincus, Việt Nam cần thực sự tạo ra những cú hích lớn hơn trong việc đầu tư mạnh mẽ vào R&D cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách dài hạn cho việc này.

Cú hích này đòi hỏi các DN nhỏ và vừa, những tập đoàn lớn trong nước và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần có chuyển biến tích cực hơn trong việc đầu tư vào R&D.

Chẳng hạn thời gian gần đây các hãng công nghệ hàng đầu như Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA và một số tập đoàn lớn thuộc khối FDI đã có quyết định thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam. Như trong năm 2024, khả năng “ông lớn” công nghệ Apple sẽ chuyển bộ phận R&D sản phẩm iPad sang Việt Nam. Phía Apple làm việc với BYD (Trung Quốc) - đối tác lắp ráp IPad chính, để chuyển nguồn lực NPI (New Product Introduction) sang Việt Nam.

Những động thái mới này từ khối ngoại được xem là tín hiệu đáng khích lệ cho việc đầu tư R&D. Theo nhận định của Ts. Chu Thanh Tuấn (Đại học RMIT), điều này mang đến cơ hội tăng trưởng kinh tế, phát triển kỹ năng và tiếp cận với các công nghệ hàng đầu, đồng thời đặt ra những thách thức cần được quản lý hiệu quả. Nhất là khi bản thân Việt Nam đang là “công xưởng” công nghệ của thế giới với hàng loạt nhà máy lớn của Samsung, LG, Intel, Foxconn, Xiaomi…đặt tại đây.

Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng điều kỳ vọng cho năm 2024 là Việt Nam cần có sự đột phá hơn trong việc đầu tư vào R&D, nhất là bản thân các DN nội địa nên thay đổi tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư này.

Bởi lẽ, theo ông Dũng, nếu DN Việt muốn có thay đổi mang tính đột phá thì điều mà họ cần làm là đầu tư vào R&D nhằm triển khai các giải pháp kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ mới, để cho ra các sản phẩm có tính cạnh tranh, thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới.

Thách thức lớn từ nguồn nhân lực

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, việc tập trung vào các công nghệ mới nổi cũng sẽ thúc đẩy các DN Việt đầu tư R&D một cách khả quan hơn. Chính sách của Nhà nước nên sát sườn hơn trong việc đưa R&D vào hoạt động của các DN nội địa. Nhất là làm sao giúp cho họ có sự thay đổi về mặt nhận thức và trích ra quỹ để đầu tư R&D thì sẽ có sự thay đổi đột phá.

Ngoài ra, trong việc đầu tư R&D ở Việt Nam hiện nay có một thách thức lớn là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Và chính các doanh nghiệp FDI cũng nhận thấy điều này.

Như chia sẻ của lãnh đạo Qualcomm và Panasonic thì một trong những trở ngại mà các công ty này phải đối mặt khi mở các trung tâm R&D ở Việt Nam là khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ sư công nghệ, đặc biệt là lao động có trình độ công nghệ thông tin và am hiểu về Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) hay công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Về tình trạng thiếu hụt này, Ts. Chu Thanh Tuấn cho rằng nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế. Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước phát triển. Chưa kể, chính sách thu hút nhân tài của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, chưa có những chính sách ưu đãi cụ thể để thu hút nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các trung tâm R&D.

Do đó, theo ông Tuấn, Việt Nam cần có thêm nhiều nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các trung tâm R&D nhằm góp phần thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi cần đổi mới về đào tạo và xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa giới học thuật, các trường đại học, ngành công nghệ.

“Việc nâng cao chất và lượng nguồn nhân lực Việt Nam để tham gia vào các trung tâm R&D là một nhiệm vụ quan trọng, cần có sự chung tay nỗ lực của cả Chính phủ, DN và người dân. Bằng cách tập trung vào đẩy mạnh phát triển giáo dục, cơ sở hạ tầng và hợp tác với các tập đoàn hàng đầu trên thế giới cũng như các nước phát triển đi trước, Việt Nam có thể vươn tầm ra khỏi vị trí đơn thuần là một công xưởng gia công hiện nay để trở thành một trung tâm sôi động về R&D và đổi mới sáng tạo trong khu vực và toàn cầu”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, như chia sẻ của vị chuyên gia RMIT, Chính phủ có thể đóng vai trò chủ chốt bằng tạo ưu đãi cho đầu tư R&D, tạo ra các chính sách thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, và đầu tư vào các khu công nghệ và vườn ươm công nghệ.

Nhất là các chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các công ty nước ngoài và địa phương cũng có thể có ích. Bên cạnh đó, chính phủ có thể đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, như hỗ trợ tài chính, nhà ở, bảo hiểm…nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước tham gia vào các trung tâm R&D.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/khi-nao-viet-nam-co-buoc-dot-pha-dau-tu-vao-r-d-1097950.html