Khi nào tập luyện thể dục có thể gây nguy hiểm với người bệnh tim mạch?

Bệnh nhân mắc tim mạch tập thể dục như nào, khi nào nguy hiểm?

Theo khuyến cáo, tất cả bệnh nhân mắc tim mạch như: nhồi máu cơ tim, phẫu thuật tim, can thiệp động mạch vành hay bệnh tim hoặc mạch máu khác nên thường quy tham gia chương trình phục hồi chức năng tim và phòng bệnh phù hợp. Điều này sẽ giúp cho hầu hết các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim giảm được nguy cơ tái phát các bệnh tim do mạch vành.

Lợi ích của hoạt động thể dục đối với người bệnh mắc tim mạch

Những lợi ích của hoạt động thể dục thì ai cũng biết, ngay cả với những người mắc bệnh tim mạch nói chung đều có lợi, cụ thể hoạt động thể dục giúp cải thiện tuần hoàn, cải thiện trao đổi khí, cải thiện chuyển hóa, giúp đào thải độc chất, giúp tinh thần tỉnh táo, cân bằng và lạc quan hơn. Điều quan trọng hoạt động thể dục còn giúp hồi phục tốt hơn sau bệnh lý tim mạch, ổn định huyết áp và tần số tim…

Người bệnh nên hoạt động thể lực ở mức độ trung bình một cách đều đặn.

Người bệnh nên hoạt động thể lực ở mức độ trung bình một cách đều đặn.

Vậy, khi nào bắt đầu tập luyện thì an toàn đối với bệnh nhân mắc tim mạch. Theo các khuyến cáo thì việc tập luyện thể dục tùy thuộc vào mỗi cá nhân cụ thể, mắc giai đoạn bệnh cụ thể. Tuy nhiên, việc khuyến cáo chung cho hoạt động thể dục là người bệnh nên hoạt động thể lực ở mức độ trung bình một cách đều đặn là một yếu tố sống còn để đưa người bệnh trở lại cuộc sống thường ngày như trước khi bị bệnh

Cần tập luyện đều đặn hằng ngày, tăng dần mức độ hoạt động thể lực một cách từ từ theo lời khuyên của thầy thuốc, nếu là đi bộ thì đặc biệt chú ý bảng hướng dẫn đi bộ.

Khi nào tập luyện thể dục có thể gây nguy hiểm với người bệnh tim mạch?

Khá nhiều người bệnh lo sợ rằng khi mắc tim mạch không được tập luyện thể dục, điều này chưa hẳn đúng. Ngay cả với người mắc bệnh tim mạch thì việc luyện tập vẫn là cần thiết, bởi cuộc sống tĩnh tại nguy hiểm hơn một cuộc sống hoạt động thể lực đều đặn.

Tuy vậy, người bệnh tim mạch cần tập luyện vừa sức, tập luyện theo khuyến cáo của các bác sĩ cho phù hợp với thể tạng của mình. Trên thực tế, đã có những người bề ngoài khỏe mạnh bị tử vong vì nhồi máu cơ tim trong khi tập luyện thể thao. Thường thì những người này không nhận thức đúng đắn về tình trạng bệnh tim của mình và tập luyện quá mức.

Nếu tập luyện thể dục không đúng, cơ và khớp có thể bị chấn thương do các hoạt động thể lực. Vì vậy, để tránh nguy hiểm việc tập luyện vừa sức là vô cùng quan trọng. Có thể phòng tránh được bằng cách lựa chọn đúng loại hoạt động thể lực và không tập luyện quá mức.

Cần theo dõi chặt chẽ các thông số tim mạch, hô hấp và hướng dẫn bệnh nhân tập phục hồi chức năng tim mạch.

Cần theo dõi chặt chẽ các thông số tim mạch, hô hấp và hướng dẫn bệnh nhân tập phục hồi chức năng tim mạch.

Những bộ môn thể thao nào phù hợp với người bệnh tim mạch?

Có nhiều bộ môn thể thao để người bệnh tim mạch lựa chọn, hãy thực hiện các hoạt động mà người bệnh thấy hứng thú và tiến hành một cách đều đặn.

Thông thường đơn giản dễ thực hiện nhất là nên đi bộ một cách nhẹ nhàng. Có thể đi bộ bước ngắn, khoan thai rồi chuyển sang đi bộ nhanh... Người bệnh cũng nên xây dựng một kế hoạch đi xe đạp, bơi lội, hay các công việc hằng ngày và làm vườn vài tuần sau đó nếu sức khỏe cho phép. Hãy vận động cơ thể từ từ từng ngày để biết được cơ thể có thể thích nghi với bộ môn nào và tần suất ra sao.

Tuy nhiên, tốt nhất người bệnh tim mạch trước khi tập luyện nên tham vấn ý kiến của bác sĩ.

Như trường hợp sau khi phẫu thuật tim mở ít nhất 6 – 8 tuần người bệnh mới nên tập vận động thể lực ở các chi trên ví dụ như bơi lội, vì đây là thời gian cần thiết để làm liền vết thương ở xương ức.

Tương tự, việc tập luyện thể dục thế nào là vừa sức với từng bệnh nhân cụ thể không phải ai cũng biết. Người bệnh nên lắng nghe chính cơ thể của mình, cảm giác của mình chính là hướng dẫn tốt nhất cho mức độ hoạt động thể lực để có thể tập luyện một cách an toàn.

Người bệnh tim khi tập thể dục phải luôn có cảm giác an toàn, thoải mái trong khi tập luyện; nếu các hoạt động thể lực của ngày hôm trước làm người bệnh bị mệt và đau đớn, hãy nghỉ 1 ngày để hồi phục lại sức khỏe hoàn toàn.

Nếu bị chóng mặt, thở gấp, nhịp tim không đều, hay đau ngực hãy đi chậm lại hoặc dừng hẳn lại cho đến khi các dấu hiệu trên qua đi.

Nếu người bệnh được kê đơn thuốc chống đau thắt ngực, hãy mang các thuốc đó theo khi tập luyện các hoạt động thể lực, và hãy thực hiện theo chỉ dẫn của các bác sĩ khi sử dụng các thuốc đó.

Nếu các dấu hiệu trên lại xuất hiện, hãy liên lạc với bác sĩ vì người bệnh có thể cần lời khuyên về mức độ hoạt động thể lực và những điều trị cần thiết. Nếu đau ngực hay cảm giác khó chịu ở ngực không đỡ trong vòng 10 – 15’ sau khi đã nghỉ ngơi và dùng thuốc, có thể đã bị nhồi máu cơ tim tái phát hãy đến trung tâm y tế hay bác sĩ gần nhất để có lời khuyên.

Nói tóm lại, tập môn thể dục nào, tập ra sao, tập luyện khi nào rất cần sự tư vấn của các bác sĩ sẽ thích hợp với từng người bệnh cụ thể. Đặc biệt người mắc bệnh tim cần tập thể dục vừa sức, phù hợp với sức khỏe của mình.

ThS.BS Nguyễn Thị Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-nao-tap-luyen-the-duc-co-the-gay-nguy-hiem-voi-nguoi-benh-tim-mach-169231223170247804.htm