Khi nào phiên tòa dân sự sơ thẩm không cần kiểm sát viên tham gia?

Theo ThS Huỳnh Quang Thuận (Trường ĐH Luật TP.HCM), viện kiểm sát chỉ bắt buộc tham gia phiên tòa sơ thẩm trong 4 trường hợp

Mới đây, TAND huyện Hóc Môn, TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm một vụ án dân sự về yêu cầu bảo vệ quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Đáng chú ý, phiên tòa này không có sự tham gia của kiểm sát viên.

Theo một nguồn tin thì vụ án này tòa án không thu thập chứng cứ mà xét xử dựa trên các chứng cứ do đương sự cung cấp nên không cần có sự tham gia của kiểm sát viên.

Hình minh họa: Một kiểm sát viên trong một phiên tòa. Ảnh: Ngân Nga

Hình minh họa: Một kiểm sát viên trong một phiên tòa. Ảnh: Ngân Nga

Vậy theo quy định của pháp luật, những vụ án như thế nào sẽ không cần kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm?

Giải đáp vấn đề này, ThS Huỳnh Quang Thuận (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết, khoản 2 Điều 21 BLTTDS năm 2015 quy định viện kiểm sát chỉ bắt buộc phải tham gia phiên tòa sơ thẩm trong 4 trường hợp: (i) Tòa án thu thập chứng cứ; (ii) Đối tượng tranh chấp là tài sản công, quyền sử dụng đất, nhà ở; (iii) đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; (iv) các trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng (theo khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015).

Theo ThS Thuận, bốn trường hợp trên được hướng dẫn cụ thể kèm ví dụ tại Điều 27 Thông tư 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31-8-2016 quy định về việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS.

Theo đó, vụ án dân sự do tòa án tiến hành thu thập chứng cứ là theo khoản 2 Điều 97 và các điều 98, 99, 100, 101, 102, 103, 104, 105 và 106 BLTTDS 2015. Vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng bao gồm tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý và lợi ích công cộng là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần liên quan đến xã hội hoặc cộng đồng dân cư.

Vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở gồm: tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất hoặc ai là người có quyền sở hữu nhà ở; tranh chấp về hợp đồng có đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở...

Đối với trường hợp tòa án thu thập chứng cứ thì bắt buộc phải có sự tham gia của kiểm sát viên. Hay nói cách khác viện kiểm sát có phải tham gia phiên tòa sơ thẩm hay không phụ thuộc vào việc tòa án có thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết hay không.

Cạnh đó, theo ThS Thuận, các công việc thu thập chứng cứ mà tòa án thường xuyên áp dụng khi giải quyết vụ án dân sự là lấy lời khai của đương sự, người làm chứng...

Đồng tình, một kiểm sát viên cho biết đối với vụ án dân sự việc chứng minh là thuộc về các bên. Do đó, các đương sự phải tự cung cấp chứng cứ cho tòa để chứng minh cho các yêu cầu khởi kiện của mình.

Theo vị này, trong vụ án dân sự chỉ khi nào nhận thấy không đầy đủ chứng cứ thì tòa án mới thu thập chứng cứ. Còn nếu cho rằng các chứng cứ hai bên đương sự đã cung cấp là đầy đủ thì lúc này tòa án có thể đưa ra xét xử mà không cần thu thập gì thêm ngay cả lời khai của đương sự.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-nao-phien-toa-dan-su-so-tham-khong-can-kiem-sat-vien-tham-gia-post748540.html