Khi nào người ta thật sự cần một cú hích?

Người ta có thể thật sự cần một cú hích khi đứng trước những lựa chọn đòi hỏi khả năng ghi nhớ hoặc có tác động chậm.

Một câu hỏi hiển nhiên là các thị trường tự do có thể giải quyết được các vấn đề của con người hay không, ngay cả trong những tình huống như vậy. Thường thì sự cạnh tranh thị trường mang lại nhiều mặt tốt. Nhưng liệu thị trường có thể làm ra những điều kỳ diệu không?

Một ví dụ điển hình là việc bán các phương thuốc “ma”, một thực tế đang tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau trên toàn thế giới. Trong những bộ phim mô tả miền viễn Tây nước Mỹ, thứ thần dược trị bách bệnh đó thường được gọi là “vạn linh dược”, một cái tên có vẻ được đặt ra để đối thủ cạnh tranh phải dè chừng.

Vạn linh dược được cho là có thể chữa lành nhiều chứng bệnh, từ mụn trứng cá đến viêm khớp và chứng bất lực. Các phiên bản hiện đại của vạn linh dược vẫn đang thịnh hành trong thị trường “thảo dược thiên nhiên” (một thị trường khá thoáng tại nhiều quốc gia), nhưng trong khuôn khổ nội dung này, chúng ta hãy chú trọng vào vạn linh dược, bởi chiến lược thường được dùng để quảng bá nó có thể giúp chúng ta có được một góc nhìn tổng quát về các thị trường và giới hạn của chúng.

Những bộ phim kinh điển phương Tây thường dàn dựng lại những kiểu lừa đảo điển hình được dùng đi dùng lại mà không có quá nhiều thay đổi. Một “bác sĩ” ngồi trong cỗ xe ngựa tiến vào thị trấn và mở phòng khám đâu đó gần quán rượu địa phương. Ông ta rao bán các chai vạn linh dược do mình đặc chế, thứ mà theo lời ông ta là có thể chữa lành mọi chứng bệnh khiến bạn đau đớn.

Sau đó, một nhân vật chống nạng nào đó sẽ khập khễnh bước ra từ đám đông và thách thức vị bác sĩ, chỉ trích ông ta là kẻ lừa gạt. Nhân vật đó chỉ vào cái chân khập khiễng của mình và nói: “Tôi cá là ông không thể chữa lành nó được”. Vị bác sĩ rất hào phóng tặng cho người đàn ông đáng thương một chai thần dược, và huyền diệu thay, ngay hôm sau chân của ông ta đã lành lặn!

Nhiều chai vạn linh dược đã được bán ra và ngay sáng sớm hôm sau, bác sĩ và đồng sự của mình - kẻ đóng vai người chống nạng - nhanh chóng rời khỏi thị trấn để đi tới địa điểm tiếp theo. Phiên bản nào đó của kiểu lừa đảo này vẫn còn tồn tại trong những khu đô thị đông đúc mà khách du lịch thường lui tới, nhưng thay vì vạn linh dược, người ta sẽ “bán” cơ may thắng được những món hời từ trò bài cào hoặc những trò lừa đảo tương tự.

Dù cho những mánh lới kiểu này có vẻ cực đoan, chúng chỉ là một số ít ví dụ của nhiều sản phẩm hấp dẫn đối với Con người nhưng không hấp dẫn đối với Econ. Bạn có thể thấy chúng nhan nhản trên Internet, và tại vài quốc gia, nếu xem chương trình truyền hình đêm khuya thì bạn sẽ thấy rất nhiều loại vạn linh dược được rao bán. Như chúng tôi đề cập trong chương nói về bảo hiểm, chúng ta cũng cần tránh những món “vạn linh dược” trong thị trường này.

Nhưng ở đây, chúng tôi muốn bàn tới một vấn đề quan trọng hơn, đó là liệu các thị trường cạnh tranh có bảo vệ được khách hàng khỏi những trò lừa gạt như thế không. Thật đáng buồn khi câu trả lời là không.

Việc kinh doanh các thứ dán nhãn “thần dược” chưa bao giờ được kiểm soát hiệu quả. Bất kỳ một nhóm hai người nào có một cỗ xe, vài cái chai và tài ăn nói đều có thể bước vào lĩnh vực này. Nếu có sở trường dối trá trơ trẽn và không ngại lấy tiền từ những khách qua đường ngây thơ, người ta lại càng dễ ăn nên làm ra trong ngành này.

Tất nhiên, họ có thể gặp rắc rối khi bị ai đó nhận ra và báo lên cảnh sát địa phương. Nhưng điểm then chốt là không ai kiếm được tiền từ việc thuyết phục người ta không mua thần dược! Không mấy ai trong chúng ta có sức khỏe hoàn hảo đến mức không sẵn lòng bỏ vài đồng ra mua một chai thuốc trị bá bệnh. Nó có chữa được Covid-19 không? Có làm lành chấn thương khuỷu tay không? Hay có thể trị chứng đau cổ vai gáy?

Vạn linh dược chỉ là một phiên bản cực đoan của các vụ mua bán thiếu cân nhắc. Nhiều người trở thành con nghiện cờ bạc, và đối với họ, sòng bạc cũng nguy hiểm như ma túy. Và mặc dù được kiểm soát bởi pháp luật và có giới hạn người tham gia, các sòng bạc vẫn luôn cạnh tranh với nhau và với các dạng cờ bạc khác, như cá độ thể thao chẳng hạn. Các sòng bạc cạnh tranh bằng cách tạo ra môi trường hấp dẫn, thức uống miễn phí, và đôi khi là tỷ lệ thắng cược cao hơn.

Nhưng tuyệt nhiên không có một người nào trở nên giàu có bằng cách thuyết phục người ta không cờ bạc. Chúng tôi hy vọng phần nội dung nói về tiền bạc trong quyển sách này sẽ giúp bạn tránh phạm một số sai lầm mà Con người thường mắc phải trong lĩnh vực tài chính.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, việc kinh doanh thần dược trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Người ta có thể lên mạng và bán các sản phẩm được cho là giảm nguy ngơ bị ung thư, chữa được bệnh tiểu đường, giúp tiết kiệm tiền, mang lại làn da trắng sáng và xoa dịu mọi nỗi bất an cũng như chứng trầm cảm.

Chúng tôi là người hâm mộ nữ diễn viên Gwyneth Paltrow, nhưng trang web Goop của cô ấy đang bán các sản phẩm có chứa một ít “vạn linh dược” trong đó.

Khi đụng tới những vấn đề về sức khỏe, tình cảm và tiền bạc, không khó để lợi dụng sự mù mờ thông tin của người khác. Nếu có vấn đề nảy sinh ở một trong những khía cạnh đó, các công ty có một động lực mạnh mẽ để khai thác những định kiến hành vi như tính sẵn có, sự lạc quan phi thực tế và thả neo. Và chắc chắn họ sẽ cố gắng tạo ra những bậc thang thông tin. Đôi khi họ thành công trong việc đó.

Bài học tổng quát là trong phần lớn thời gian, người ta có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách lợi dụng sự yếu đuối của con người hơn là giúp người ta khắc phục chúng. Các quán rượu kiếm được nhiều tiền hơn gấp mấy lần những tổ chức giúp người ta cai rượu. Vì vậy, nếu gặp vấn đề khó khăn, con người có thể cần đến một cú hích được chọn lọc kỹ càng.

Richard H. Thaler, Cass R. Sunstein/First News và NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://znews.vn/khi-nao-nguoi-ta-that-su-can-mot-cu-hich-post1448311.html