Khi nào gọi là nghi can, nghi phạm, bị can, bị cáo?

Tùy vào từng giai đoạn tố tụng sẽ có những tên gọi khác nhau đối với những người bị buộc tội và họ sẽ có những quyền, nghĩa vụ khác nhau tại mỗi giai đoạn này.

Phân biệt nghi can và nghi phạm

"Nghi can" và "nghi phạm" là hai thuật ngữ phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp lý liên quan khác lại không có quy định về hai thuật ngữ này.

Ở góc độ ngữ nghĩa, nghi can có thể được hiểu là người bị cơ quan điều tra nghi ngờ là người liên quan đến vụ án, chưa có dấu hiệu phạm tội rõ ràng và không có lệnh bị bắt để điều tra.

Còn nghi phạm có thể được hiểu là người bị cơ quan điều tra nghi ngờ là tội phạm, có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đủ chứng cứ chứng minh và đã có lệnh bị bắt để điều tra.

Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn nghi can, nghi phạm là hung thủ hoặc tội phạm, bởi người bị coi là nghi can hoặc nghi phạm chỉ bị cơ quan nghi vấn liên quan đến vụ án hoặc nghi là tội phạm nhưng không khẳng định là tội phạm hay hung thủ.

Việc dùng từ hung thủ hay tội phạm đối với nghi can và nghi phạm không chỉ là dùng sai thuật ngữ pháp lý mà còn là hành vi gián tiếp buộc tội khi họ chưa bị kết tội bởi tòa án.

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chuyến bay giải cứu hồi tháng 7/2023.

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án chuyến bay giải cứu hồi tháng 7/2023.

Bị can, bị cáo là gì?

Căn cứ Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Các tiêu chí phân biệt bị can và bị cáo

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/khi-nao-goi-la-nghi-can-nghi-pham-bi-can-bi-cao-ar854234.html